Phần Lan, Thụy Điển nộp đơn gia nhập NATO: Cấu trúc an ninh Châu Âu thay đổi

Ngày 18/5, hai nước Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại trụ sở của liên minh quân sự này. Dự kiến, tiến trình gia nhập NATO của hai quốc gia này sẽ được khởi động trong ít tuần tới.

Tại buổi lễ ngắn diễn ra ở Brussels (Bỉ), các đại sứ của Phần Lan và Thụy Điển tại NATO đã nộp đơn xin gia nhập khối liên minh quân sự này. Các nhà ngoại giao cho biết, tất cả 30 quốc hội của các nước trong liên minh có thể mất tới một năm để thông qua quyết định kết nạp hai quốc gia Bắc Âu này. Dù vậy, tiến trình này được dự báo là không hề dễ dàng khi vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ, một trong quốc gia thành viên quan trọng của NATO tại Trung Đông, với lý do Thuỵ Điển và Phần Lan đang bảo trợ cho đảng “Công nhân người Kurd”, tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và EU xếp vào danh sách khủng bố.

Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO: Bước ngoặt mang tính lịch sử

Từ trước tới nay, hai nước Phần Lan và Thụy Điển vẫn duy trì quan điểm trung lập về quân sự. Vì vậy, có thể nói động thái gia nhập NATO của hai nước này sẽ là một trong những thay đổi lớn nhất đối với cấu trúc an ninh của Châu Âu trong nhiều thập kỷ, phản ánh sự thay đổi quan trọng về lập trường tại khu vực Bắc Âu, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2 vừa qua.

Mặc dù là thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) từ những năm 1990 sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cả Phần Lan và Thuỵ Điển từ trước tới nay đều đã giữ chính sách trung lập không tham gia các liên minh quân sự và duy trì quan hệ tốt đẹp với Nga, cho đến trước khi cuộc xung đột Nga – Ukraina nổ ra. 

Tổng thống Phần Lan SAULI NIINISTO: “Tư cách thành viên NATO của Thụy Điển và Phần Lan sẽ không chỉ tăng cường an ninh của mỗi nước mà còn của cả liên minh. Điều đó không gây bất lợi cho bất kỳ ai hay bất kỳ quốc gia nào khác. Tư cách thành viên của chúng tôi sẽ củng cố một khu vực Bắc Âu có trách nhiệm, mạnh mẽ và ổn định ở sườn phía bắc của NATO.”

Thủ tướng Thụy Điển MAGDALENA ANDERSSON: “Thụy Điển và Phần Lan đã nhất trí đồng hành trong toàn bộ tiến trình này và đã cùng nhau đệ đơn xin gia nhập lên NATO. Đó là một thông điệp về sức mạnh và là một tín hiệu rõ ràng chúng tôi đoàn kết, cùng nhau hướng tới tương lai.”

Đây là một bước ngoặt lớn đối với Thụy Điển và Phần Lan khi lập trường “phi liên kết” được coi là bản sắc địa chính trị của hai nước trong suốt hàng thập kỷ qua. Theo lý giải của lãnh đạo hai nước, cuộc xung đột tại Ukraine đã buộc họ phải xem xét lại các lợi ích an ninh quốc gia. 

Nga hiện có chung khoảng 1.215 km đường biên giới trên bộ với 5 thành viên NATO. Việc Phần Lan gia nhập có nghĩa là một quốc gia mà Nga có chung đường biên giới dài hơn 1.335 km sẽ chính thức liên kết quân sự với Mỹ. Nga đã lên tiếng phản đối động thái này của 2 nước Bắc Âu. Tuy vậy, theo các nhà phân tích, cho đến nay Nga đã có cách tiếp cận khá ôn hoà và nhiều khả năng chỉ trả đũa bằng các biện pháp kinh tế và kỹ thuật quân sự như dừng cung cấp điện, khí đốt hoặc tăng cường quân đội tại khu vực biên giới.

Ngoại trưởng Nga SERGEI LAVROV: “Phần Lan, Thụy Điển, cũng như các quốc gia trung lập khác trong nhiều năm đã tham gia các cuộc tập trận quân sự của NATO. Thực tế là liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đã tính đến hai quốc gia này trong các kế hoạch quân sự mở rộng sang phía Đông. Vì vậy về một mặt nào đó, quyết định của Phần Lan và Thụy Điển có lẽ sẽ không có nhiều khác biệt. Hãy chờ xem lãnh thổ của họ sẽ được sử dụng như thế nào trong thực tế.”

Trong một tuyên bố mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, phản ứng của Nga phụ thuộc vào mối đe dọa cụ thể mà NATO gây ra, đồng thời vạch ra “lằn ranh đỏ” là không chấp nhận NATO triển khai cơ sở hạ tầng quân sự tại Phần Lan và Thuỵ Điển.

Anh Tuấn