• 1675 lượt xem
  • 16:13 04/01/2022
  • Kinh tế

PGS.TS Vũ Sỹ Cường: Chính sách tài khóa, tiền tệ cần phối hợp chặt với chính sách y tế

"Các chính sách tài khóa, tiền tệ cần phối hợp chặt với chính sách y tế, bám sát với kịch bản y tế để giảm tính bất định do nguyên nhân y tế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh" là ý kiến của PGS.TS Vũ Sỹ Cường, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 ngày 05/12.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho biết, thời gian qua, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thu ngân sách giảm dần để khoan sức dân, do đó tỷ lệ thu ngân sách trong GDP giảm dù số tuyệt đối tăng, cùng với đó tỷ lệ thu nội địa tăng đáng kể, cho phép ổn định nguồn thu cao hơn. PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho rằng đây là một trong những điểm tích cực, có thêm không gian cho cải thiện ngân sách.

Về chi ngân sách, theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, trong 5 năm qua, sự chênh lệnh dự toán và quyết toán tương đối thấp, chấp hành ngân sách tốt hơn, tuy nhiên chi đầu tư còn hạn chế nhất định, bội chi tăng mạnh trong năm 2020-2021. Thực tế trên cho thấy Việt Nam đã thực hiện chính sách tài khóa và đã có hỗ trợ nhất định từ chính sách tài khóa.

Khẳng định dư địa cho chính sách tài khóa vẫn còn, tuy nhiên PGS.TS Vũ Sỹ Cường  cũng cho rằng cứu cần hết sức chú ý đến thách thức từ tính bất định của dịch bệnh, khi đó, nếu dùng hết dư địa tài khóa sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh rủi ro từ tính bất định của tình hình dịch bệnh, còn có rủi ro từ vay nợ nếu vay nợ trong nước lớn có hiệu ứng lấn át và tạo thách thức đối với chính sách tiền tệ. Ngoài ra là các thách thức từ việc chấp hành chính sách, nhất là trong giải ngân; tính bền vững nguồn thu. Do đó, dù có dư địa tài khóa nhưng chỉ ở mức độ nhất định mà không quá lớn.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường chỉ rõ quy mô của chính sách tài khóa được xác định mức độ vừa phải, thực hiện trong vòng 2 năm. Ước tính quy mô của gói chính sách tài khóa trong khoảng 4% GDP (chưa tính chi phí cho y tế) và khoảng 5,8%-6% GDP nếu tính đến các chi phí y tế. Do vậy, gói tài khóa trong hai năm 2022 - 2023 khoảng từ 3,8% - 4,1% GDP là ở mức an toàn.

Cùng với đó, PGS.TS Vũ Sỹ Cường cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc phối hợp các chính sách và chỉ rõ điều này sẽ nhằm tăng tính hiệu lực của chính sách,  khắc phục độ trễ chính sách, bảo đảm tính linh hoạt cao hơn và ổn định của chính sách.

Từ phân tích trên, đưa ra gợi ý chính sách việc hỗ trợ và thực hiện chính sách tài khóa PGS.TS Vũ Sỹ Cường đề nghị cần cân nhắc tính bất định của giai đoạn tiếp theo nên không thể có gói hỗ trợ quá lớn, cần có sự hỗ trợ với chính sách tiền tệ bảo đảm hài hòa chính sách và cần có kế hoạch kịp thời đẩy mạnh giải ngân chính sách tài khóa và thực hiện các giải pháp hỗ trợ đầu tư công, giải ngân đầu từ công.

Nêu rõ, khó khăn trong giai đoạn hiện này xuất phát từ nguyên nhân y tế, PGS.TS Vũ Sỹ Cường lưu ý rằng các chính sách tài khóa, tiền tệ cần phối hợp chặt với chính sách y tế, bám sát với kịch bản y tế để giảm tính bất định do nguyên nhân y tế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; đưa ra các kịch bản y tế, tài khóa và tiền tệ cụ thể để doanh nghiệp thấy chắc chắn hơn trong đầu tư kinh doanh thời gian tới.

Nội dung chi tiết trình bày của PGS.TS Vũ Sỹ Cường, xem tại video.