PAPI 2021: TP. Hồ Chí Minh đạt điểm thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương

Năm 2021, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, bên cạnh quan ngại về tăng trưởng kinh tế và việc làm, mối quan tâm về sức khỏe của người dân tăng lên, với tỉ lệ quan ngại về y tế và bảo hiểm y tế tăng mạnh từ 2% lên 23% chỉ trong hai năm.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 diễn ra sáng nay tại Hà Nội, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ phát triển cộng đồng, Đại sứ quán Cộng hòa Ai-len và Australia tổ chức.

Theo bảng tổng hợp, dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số PAPI 2021 là Thừa Thiên-Huế, Bình Dương; Thanh Hóa. Thành phố Hồ Chí Minh đạt điểm thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, chủ yếu do tác động của dịch Covid nên phải giãn cách kéo dài.

Năm 2021, PAPI có số lượng phỏng vấn trực tiếp cao nhất từ trước tới nay, với hơn 15.800 người tham gia khảo sát từ khắp 63 tỉnh, thành phố. Tỉ lệ người trả lời cho biết họ bị mất việc làm và thu nhập, tăng 10% vào năm 2021 so với năm 2020. Trong khi đó, tỉ lệ người dân hoặc người thân trong gia đình phải "chung chi" để được chăm sóc tốt hơn tại bệnh viện công tuyến huyện, đã tăng nhẹ. Điểm chỉ số nội dung "Trách nhiệm giải trình với người dân" năm 2021 giảm mạnh so với năm 2019 và 2020. Sự sụt giảm này có thể là do chính quyền địa phương bị quá tải với số lượng lớn yêu cầu của người dân liên quan đến chính sách hỗ trợ và ứng phó với đại dịch Covid-19 trong năm 2021.

Bà CAITLIN  WIESEN-Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam: “PAPI 2021 phản ánh tác động của đại dịch Covid-19 tới hiệu quả quản trị công. Điều này giúp chính quyền các cấp chuẩn bị các kịch bản ứng phó với những khủng hoảng kinh tế và sức khỏe tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Chúng tôi hy vọng rằng số liệu công bố hôm nay sẽ giúp cung cấp những dẫn cứ hữu ích cho thảo luận sắp tới trong chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2022 của Quốc hội. Đặc biệt là dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và dự án Luật Đất đai sửa đổi, cũng chính là những vấn đề nghiên cứu PAPI đo lường qua nhiều năm”.

Bên cạnh đó, việc thực hiện giãn cách xã hội yêu cầu nhiều hoạt động phải chuyển sang trực tuyến, nhưng tỉ lệ sử dụng dịch vụ công điện tử qua các cổng dịch vụ công trực tuyến của các cấp chính quyền còn rất thấp, phản ánh phần nào hạn chế trong hiệu quả quản trị điện tử năm 2021.

TS ĐẶNG HOÀNG GIANG  - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ phát triển cộng đồng CECODES: “Mặc dù đã có những sự tiến bộ nhất định trong lĩnh vực này nhưng nhìn chung tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến còn rất thấp, và những thông tin họ tìm được thì không có hoặc chất lượng không cao, các dịch vụ trên các cổng điện tử rất lằng nhằng, khó sử dụng, khiến người ta vẫn phải đến công sở hoặc một cửa thay vì có thể ngồi ở nhà để thực hiện. Internet và máy tính thông minh được sử dụng rất nhiều thì đáng lẽ ra chúng ta có thể thực hiện được tốt hơn rất nhiều”.

So với kết quả của năm 2020, 30 tỉnh, thành phố đã cải thiện hiệu quả hoạt động trong cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường, và quản trị điện tử. Tuy nhiên, 30 tỉnh, thành phố có sự sụt giảm về điểm ở các chỉ số nội dung "Tham gia của người dân ở cấp cơ sở", "công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương", "trách nhiệm giải trình với người dân", "kiểm soát tham nhũng trong khu vực công".

Cao Hoàng