Lạm phát được gọi là loại thuế vô hình đánh vào người nghèo. Năm 2022, trong khi lạm phát thế giới tăng cao kỷ lục, thì lạm phát ở Việt Nam được kiểm soát ở mức rất thấp, qua đó góp phần tích cực giữ ổn định đời sống nhân dân.
Có thể nói việc kiềm chế “thuế vô hình” bên cạnh GDP tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, hay tạo ra thêm hàng triệu công ăn việc làm mới…là những thành quả hết sức quan trọng của kinh tế Việt Nam 2022. Những thành quả có được từ chủ trương, định hướng đúng đắn của Đảng, Quốc hội và sự điều hành quyết liệt của Chính phủ. Đó là chủ trương giữ ổn định kinh tế vĩ mô – sợi chỉ đỏ xuyên suốt nhiều thời kỳ kinh tế Việt Nam những năm qua.
Khép lại năm 2022 kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng: GĐP tăng 8,02% cao nhất 12 năm và cao hàng đầu khu vực; lạm phát được kiểm soát ở mức tăng thấp 3,15%; tăng thêm hơn 1,5 triệu việc làm; thu nhập bình quân tháng tăng xấp xỉ 1 triệu đồng/lao động. Những con số cho thấy Việt Nam đã thành công trong mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.
Quay những thời điểm đầy bất ổn của kinh tế thế giới năm 2022. Chiến tranh! Dịch bệnh! Thiên tai; Giá năng lượng tăng vọt, lạm phát phi mã, tăng trưởng chậm lại, tiêu dùng thắt chặt…Những bất ổn chắc chắn sẽ tác động mạnh tới Việt Nam khi độ mở kinh tế tới gần 200% và mới bước đầu phục hồi sau dịch bệnh. Tuy nhiên mức độ và tần suất tác động phụ thuộc nhiều vào khả năng ứng phó của Việt Nam.
Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 - sự kiện được tổ chức nhằm đề xuất các giải pháp chính sách, Chủ tịch Quốc hội đã truyền đi thông điệp “Giữ ổn định kinh tế vĩ mô: dĩ bất biến ứng vạn biến” một chủ trương lớn – xuyên suốt để ứng phó với những bất ổn từ bên ngoài.
Đúng như dự báo đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022, chỉ vài ngày sau Ngân hàng TW Mỹ tăng 0,75 điểm % lãi suất, chính thức khai hỏa cuộc “đột kích” tổng lực của các nền kinh tế thế giới vào lạm phát toàn cầu. Tuy nhiên động thái này đã nằm trong dự tính của các nhà điều hành kinh tế Việt Nam để chủ động ứng phó.
Ngay khi Fed tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng trần lãi suất huy động thêm 1% và tiếp tục bán ra ngoại tệ đạt mức hơn 21 tỷ usd cả năm, tỷ giá và giá trị đồng Việt Nam lập tức giữ được sự ổn định trong áp lực giảm giá trên 2 con số của hầu hết các đồng ngoại tệ mạnh.
Nhiều biện pháp điều hành chủ động, linh hoạt tương tự đã được Chính phủ tiến hành trong suốt năm 2022 nhằm ứng phó với các biến động từ bên ngoài, bám sát chủ trương, định hướng giữ ổn định kinh tế vĩ mô của Đảng và Quốc hội.
Năm 2023 được dự báo tiếp tục đầy thách thức đối với kinh tế Việt Nam. Trong khi kinh tế toàn cầu đối mặt với suy thoái thì kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với vấn đề việc làm, khó khăn của các thị trường tài chính, bất động sản…Bên cạnh thách thức tăng giá một số yếu tố đầu vào của nền kinh tế như điện, than, xăng dầu, tiền lương…Dù vậy, với những nền tảng tích lũy của giai đoạn trước, thành quả của năm 2022 cùng những bài học kinh nghiệm ứng phó với bất ổn thời gian qua, tin tưởng rằng dưới chủ trương, định hướng đúng đắn của Đảng, của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, kinh tế Việt Nam sẽ vững vàng đối mặt và vượt qua những khó khăn thách thức ở phía trước để tiếp tục tiến bước trên con đường phát triển bền vững.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!
Thực hiện : Xuân Tiến Minh Công Anh Khoa