Nóng vấn đề quyền sở hữu đối với tài sản ảo và tài sản kỹ thuật số tại Việt Nam

Cần quy định rõ hơn về tài sản ảo, tiền ảo trong các văn bản quy phạm pháp luật, để từ đó có thể xây dựng một khung khổ pháp lý hoàn thiện hơn cho vấn đề này tại Việt Nam. Đây là một trong những thông tin đáng chú ý được đưa ra tại Hội thảo “Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới về quyền sở hữu đối với tài sản ảo và khuyến nghị cho Việt Nam” do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức vào sáng 6/10.

Tại Việt Nam, pháp luật chưa công nhận quyền sở hữu đối với tài sản ảo, tài sản kỹ thuật số. Tuy nhiên, trên thực tế, các giao dịch trao đổi, mua bán, sử dụng các sản phẩm trên môi trường internet đang diễn ra ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, các tranh chấp cũng liên tục phát sinh.

ThS. NGUYỄN HUY HOÀNG NAM - Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Đại học Luật Hà Nội: Riêng cái ý niệm quyền sở hữu đối với tài sản, em nghĩ rằng chính sách pháp lý là một chuyện, kỹ thuật pháp lý mới là cái quan trọng hơn. Và chúng ta không được quên khả năng tự điều tiết của luật tư cả. Có vẻ như giới công nghệ đang nghĩ rằng Việt Nam chẳng có luật lệ gì cả. Không phải! Các giao dịch phải diễn ra trong bộ luật dân sự chứ. Kể cả chúng ta thừa nhận rằng, Bộ Luật Dân sự chưa hoàn hảo thì đấy mới là xuất phát điểm của chúng ta chứ không phải là chúng ta xuất phát điểm là không có cái gì.”

Một số nước ví dụ như Hàn Quốc đã ban hành Luật Phát triển và Bảo vệ viễn thông hay Trung Quốc có Luật Bảo vệ lợi ích của người sở hữu tài sản ảo, trong đó quy định rõ về hành vi ăn cắp “tài sản ảo” nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

ThS. PHAN MINH ANH - Vụ Ổn định tài chính - tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: “Hiện nay, một số quốc gia đã có những cách tiếp cận về tài sản mã hoá này. Tuy nhiên, nếu cụ thể nhất thì thấy 2 góc độ chính là liên quan đến vấn đề về quản lý các đơn vị cung cấp dịch vụ tài sản mã hoá ví dụ như các sàn giao dịch và chủ yếu đặc biệt là nó liên quan đến phòng chống rửa tiền."

Theo các chuyên gia, việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để đề xuất một khuôn khổ chính sách quản lý, giám sát tiền mã hóa phù hợp cho Việt Nam là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, vẫn phải xuất phát từ cơ quan quản lý nhà nước.

TS. VÕ TRÍ THÀNH - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược phát triển thương hiệu và cạnh tranh: “Còn dưới góc độ thanh toán tiền thì các nhà kinh tế thường thận trọng tức là trước mắt là nghiên cứu cái tiền kỹ thuật số mà do NHTW phát hành.”

Nhiều kiến nghị cũng được đưa ra, trong đó tập trung nhận diện bản chất pháp lý của tài sản ảo, tài sản mã hóa thông qua làm rõ những khái niệm, các tiêu chí cụ thể về mặt pháp lý và công nghệ. Để từ đó có thể cấp phép hoạt động cho các bên tham gia.

Tuấn Anh