• 1049 lượt xem
  • 01:03 02/10/2022
  • Kinh tế

Nông nghiệp Việt Nam: Thúc đẩy kinh tế nông nghiệp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, không chỉ là "trụ đỡ" bảo đảm an toàn, an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển của vùng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế do nhiều nguyên nhân nội vùng và ngoại vùng.

Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - một bản quy hoạch vùng đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287 ngày 28/02/2022 khẳng định lại những thay đổi quan trọng về quan điểm và định hướng phát triển của Nghị quyết 120 của Chính phủ theo hướng “thuận thiên”. Quy hoạch tích hợp ĐBSCL cần định hình lại về tổ chức không gian, phân bổ và sử dụng nguồn tài nguyên nông nghiệp. Hơn hết là vai trò của nông nghiệp trong mối tương quan với ngành công nghiệp và dịch vụ. 

Ảnh hưởng từ đại dịch covid-19, nhiều loại nông sản của khu vực đồng bằng sông Cửu Long không thể xuất khẩu, hoặc xuất khẩu với số lượng hạn chế. Đây là thời điểm bộc lộ rõ nhất những hạn chế của hệ thống logistics: không chỉ là kho bãi lưu trữ mà còn là bảo quản đúng mức, vận chuyển kịp thời.

Theo thống kê, hàng năm ĐBSCL có nhu cầu vận chuyển xuất khẩu khoảng 18 triệu tấn nông sản, nhưng chỉ có trên 1.400 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chiếm chưa đầy 5% tổng doanh nghiệp logistics cả nước. Dịch vụ hạn chế lẫn manh mún làm gia tăng chi phí logistics. Để phát huy ưu thế trung tâm nông thủy sản, điều kiện, cơ chế, chính sách đầu tư và thu hút đầu tư vào logistics ngày càng trở nên cấp bách.

Trong vấn đề về logistic hiện nay chưa thuận lợi, bố trí, quy hoạch kho lạnh bảo quản nông, thủy sản cần được lưu tâm, trong đó chú trọng giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống này tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo thống kê, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hiện có chưa đến 10 kho lạnh. Trong khi đó, khu vực này có hàng trăm nhà máy sản xuất chế biến nông, thủy sản. Kho của doanh nghiệp thiếu hạ tầng lạnh dẫn đến hao hụt sau thu hoạch lên đến 20 - 40%. Còn về logistic, 70% lượng hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL phải chuyển về các cảng lớn ở TP Hồ Chí Minh và Vũng Tàu, doanh nghiệp phải gánh chi phí vận tải cao
hơn 10 - 40%.

Không chỉ hạn chế về hạ tầng logistic, nông nghiệp vùng ĐBSCL cũng chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu, đơn cử như dọc tuyến đê biển Tây tỉnh Cà Mau luôn gặp nhiều rủi ro do triều cường dâng cao bất thường. Điều kiến sản xuất khó khăn, mùa màng thất bát nhiều hộ bỏ đất trống để đi làm thuê sống qua ngày.

Có thể thấy triển khai tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ sẽ thúc đẩy ĐBSCL thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động, hiệu quả của quốc gia, khu vực. Quy hoạch vùng ĐBSCL của Chính phủ cũng đưa ra định hướng liên kết, phát triển rõ ràng cho tương lai, giải quyết nhiều vướng mắc về kinh tế nông nghiệp của vùng hiện nay. 

Hà Lan