Nông nghiệp Việt Nam: Chú trọng chất lượng trong xây dựng nông thôn mới

Nhiều chủ trương, kế hoạch sẽ được thực hiện nhằm chú trọng chất lượng trong xây dựng nông thôn mớigiai đoạn 2021-2025. Đây là nội dung sẽ được đề cập trong phần tiêu điểm, cùng với đó là các tin tức về nông nghiệp Việt Nam.

SẢN PHẨM ĐƯỢC BẢO HỘ NHÃN HIỆU CÒN HẠN CHẾ

Được đánh giá là quốc gia có lợi thế và tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm nông sản chất lượng cao, có thế mạnh như: gạo, cà phê, tiêu, thuỷ sản, trái cây... Tuy nhiên, số lượng sản phẩm nông sản của nước ta đã xây dựng và được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trong nước và quốc tế còn hạn chế. Nhiều sản phẩm nông sản Việt có giá trị lớn đang tiềm ẩn nguy cơ mất nhãn hiệu do chưa được đăng ký bảo hộ đặt ra vấn đề lớn với doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Đây cũng là một phần quan trọng trong chuỗi giá trị của kinh tế nông nghiệp. Tại Hội thảo và kết nối kinh doanh: Xây dựng và Bảo hộ nhãn hiệu nhằm phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc sản xuất cần tính đến phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu và phát triển thương hiệu nông sản. Việc đánh giá cơ hội, thách thức cũng như phổ biến quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là cần thiết với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời kỳ hội nhập sâu rộng như hiện nay.

XUẤT KHẨU GẠO TẠO ĐỘT PHÁ MỚI

Từ đầu năm đến nay, gạo là một trong những mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng trưởng mạnh. 7 tháng qua, xuất khẩu gạo cả nước đạt 4,19 triệu tấn, tương đương hơn 2 tỷ USD, tăng 20,5% về lượng và 9% giá trị so với cùng kỳ năm  trước . Đây là mức xuất khẩu cao kỷ lục dù thị trường thế giới đang có nhiều biến động. Tỷ lệ gạo trắng ở mức 44,7%, gạo thơm các loại khoảng 33,4% trong tổng số gạo xuất khẩu... Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục xuất khẩu gạo hữu cơ và gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện tại được giao dịch ở mức 413 USD/tấn, cao nhất trong nhóm các nước xuất khẩu gạo của thế giới. Gạo Việt Nam đã tìm được chỗ đứng ở các thị trường mới, cao cấp như Hoa Kỳ, châu Âu... Đặc biệt, Nhật Bản đã chính thức nhập khẩu 100 tấn gạo ST25 đầu tiên của Việt Nam để bán tại các siêu thị, cửa hàng.

CẢ NƯỚC ĐÃ CẤP MỚI 274 MÃ SỐ VÙNG TRỒNG

Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 7, cả nước đã cấp mới 274 mã số vùng trồng và 20 mã số cơ sở đóng gói nông sản của các địa phương như: Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long… bảo đảm điều kiện kỹ thuật xuất khẩu. Để đẩy mạnh giám sát, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, Bộ đề nghị các địa phương tăng cường áp dụng công nghệ thông tin quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ xây dựng. Các tỉnh, thành phố cần tổ chức thực hiện công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đúng hướng dẫn. Đặc biệt, cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh, kiểm tra việc quản lý và sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

CẢ NƯỚC CÓ 6 KHU NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO QUY MÔ LỚN

Đến nay, cả nước có 34 khu nông nghiệp công nghệ cao được quy hoạch tại 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đặc biệt, có 6 khu nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn với diện tích trên 400ha tại: Thành phố Hà Nội và các tỉnh: Thanh Hóa, Phú Yên, Hậu Giang, Bình Dương. Nhiều địa phương khác cũng đang thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp công nghệ cao. Hiện, sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao bước đầu hình thành trong nhà màng, nhà lưới chống côn trùng, hạn chế tác hại yếu tố môi trường bất lợi; trồng rau bằng kỹ thuật thủy canh, màng dinh dưỡng... Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho năng suất tốt, sản phẩm mẫu mã đẹp, đồng đều, có giá trị dinh dưỡng và chất lượng cao, tăng hiệu quả tiêu thụ.

HÀ NỘI TẬP TRUNG PHÒNG TRỪ DỊCH HẠI TRÊN LÚA MÙA

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, vụ mùa năm nay, toàn thành phố gieo cấy gần 74.000ha lúa. Do thời tiết liên tục nắng nóng xen kẽ mưa rào nên sâu bệnh dễ phát sinh. Qua kiểm tra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố cho biết, một số diện tích lúa mùa xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng, mật độ phổ biến 300-500 con/m2. Dự báo, rầy nâu, rầy lưng trắng lứa tiếp theo sẽ xuất hiện và gây hại từ trong những ngày tới, có thể gây cháy cục bộ nếu không phòng trừ kịp thời. Bệnh khô vằn phát sinh gây hại ở hầu hết địa phương, tỷ lệ bệnh trung bình 5-7%, nơi cao 20-25%... Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị, UBND các huyện, thị xã tập trung điều tiết, duy trì đủ nước, tạo điều kiện thuận lợi cho lúa làm đòng, trổ bông. Ngành Nông nghiệp phân công cán bộ bám sát cơ sở, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa.

Chỉ số giá lương thực thế giới đã giảm đáng kể trong tháng 7, nhưng theo chuyên gia Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.

GIÁ LƯƠNG THỰC GIẢM, VẪN TIỀM ẨN YẾU TỐ BẤT ỔN

Theo đó, chỉ số giá lương thực của FAO đạt trung bình 140,9 điểm trong tháng 7, giảm 8,6% so với tháng 6, đánh dấu mức giảm hàng tháng thứ tư liên tiếp kể từ khi đạt mức cao nhất mọi thời đại vào hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, chỉ số theo dõi những thay đổi hàng tháng giá cả thế giới của các loại hàng hóa thực phẩm thiết yếu thường xuyên được giao dịch, vẫn cao hơn tới 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, bao gồm giá phân bón vẫn neo cao có thể ảnh hưởng đến triển vọng sản xuất nông nghiệp trong tương lai, cũng như sinh kế của nông dân. Tiếp đến, triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm và biến động tiền tệ phức tạp, tất cả đều gây ra những căng thẳng nghiêm trọng cho an ninh lương thực toàn cầu

THÁI LAN CÓ THỂ TRỞ THÀNH NƯỚC XUẤT KHẨU GẠO LỚN THỨ HAI 

Xuất khẩu gạo của Thái Lan trong 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng 56,6% lên 3,5 triệu tấn, mang lại doanh thu 60,93 tỷ baht (khoảng 1,7 tỷ USD), tăng 42,9% so với cùng kỳ năm ngoái.  Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan cho biết, đây là tin tốt cho nông dân Thái Lan và sự gia tăng xuất khẩu này sẽ giúp thúc đẩy giá gạo trong nước. Thậm chí, Thái Lan có thể vượt qua Việt Nam và trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới nếu có thể xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo trong năm nay. Tuy nhiên, nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Thái Lan trong nửa cuối năm, như giá trị của đồng baht, năng suất của các nước xuất khẩu gạo chủ chốt, tác động của xung đột Nga - Ukraine lên chi phí sản xuất và suy thoái kinh tế do COVID-19.

ĐỨC: SẢN LƯỢNG LÚA MÌ 2022 DƯỚI MỨC TRUNG BÌNH

Hiệp hội Nông dân Đức cho biết sản lượng lúa mỳ tại nước này dưới mức trung bình trong năm nay do hạn hán. Theo đó, sản lượng lúa mỳ năm 2022 dự kiến đạt 21 triệu tấn, thấp hơn so với mức của năm 2021 và thấp hơn 10-12% so với mức trung bình của nhiều năm trước đó. Theo hiệp hội này tình hình thời tiết khắc nghiệt và các quy định về phân bón làm giảm lượng nitrogen là nguyên nhân khiến sản lượng lúa mỳ sụt giảm. Trong tháng 7/2022, nhiệt độ trên khắp cả nước ghi nhận được trên mức 40 độ C. Sản lượng lúa mỳ thấp hơn của Đức diễn ra trong bối cảnh tình hình nguồn cung trên thị trường quốc tế vốn đã căng thẳng.

CHÚ TRỌNG CHẤT LƯỢNG TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi chất lượng cuộc sống của người dân và diện mạo vùng nông thôn. Nghị quyết 25 của Quốc hội khoá  15  đã Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 đã đặt ra mục tiêu mới, đưa chương trình đi vào chiều sâu, chất lượng. Trong chương trình hôm nay, chúng tôi đề cập thực tế xây dựng nông thôn mới thời gian qua, cũng là tiền đề để thực hiện giai đoạn tới được tốt hơn. Trước tiên, mời quý vị theo dõi phóng sự ghi nhận tại một số địa phương miền núi phía Bắc – khu vực còn nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới, nhất là tại nhiều xã biên giới, vùng dân tộc thiểu số.

KHÓ KHĂN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở LÀO CAI

Trịnh Tường là xã vùng cao biên giới của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, ảnh hưởng dịch Covid-19, việc tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương là chuối mô gặp khó khăn. Nhiều diện tích chuối được người dân cải tạo, thay bằng cây trồng khác nhưng chưa phát huy được hiệu quả. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của Trịnh Tường lại tăng lên xấp xỉ 50%.

Ông PHẠM VĂN HƯNG, Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai: “Trong năm vừa rồi thì giá thành giảm đáng kể, giảm nhiều, có thời điểm không thể xuất đi được và hàng tồn, dẫn đến thu nhập của người dân bị giảm.”

Còn tại Nậm Chảy - xã vùng cao biên giới của huyện Mường Khương chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên thói quen nuôi nhốt, chăn thả trâu, bò gần khu dân cư vẫn tiếp diễn dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Dù chính quyền địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, nhưng đến nay tình trạng này chưa được xử lí dứt điểm. Tiêu chí môi trường không đạt là nguyên nhân khiến xã chậm về đích nông thôn mới.

Ông MA CHIẾN PHÚC, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai: “Theo lộ trình về đích nông thôn mới của xã Nậm Chảy trong năm 2020, tuy nhiên các điều kiện thực tế của người còn rất khó khăn. Đặc biệt là tiêu chí về thu nhập, nhà cửa và môi trường.”

Mường Khương là huyện nghèo của tỉnh Lào Cai. Toàn huyện mới có 5/15 xã về đích nông thôn mới. Giai đoạn 2021-2025, Mường Khương phấn đấu thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, tính theo chuẩn nghèo đa chiều mới, tỉ lệ hộ nghèo của huyện tăng lên 47%, tỉ lệ hộ cận nghèo tăng 21%. Điều này rất khó để huy động nguồn lực thực hiện các mục tiêu đề ra.

Ông GIÀNG QUỐC HƯNG, Bí thư Huyện ủy Mường Khương, tỉnh Lào Cai: “Người dân thì thu nhập rất thấp, phần đối ứng của người dân theo hướng dẫn mới thì rất cao thế cho nên là cái này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xây dựng các cơ sở hạ tầng. Ví dụ như đường, ví dụ như nhà văn hóa, các thiết chế trong xây dựng nông thôn mới.”

Công tác xây dựng nông mới đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của chính quyền địa phương và người dân phải là chủ thể. Tuy nhiên, vẫn cần có sự ưu tiên, hỗ trợ nguồn lực đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI SAU SÁP NHẬP: KHÓ CHỒNG KHÓ

Có thể thấy triển khai xây dựng nông thôn mới không hề dễ dàng, nhất là đối với các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn. Tại Cao Bằng giai đoạn đầu  triển khai  đã có nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, tỉnh Cao Bằng thực hiện sáp nhập  theo  Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giảm bớt 38 đơn vị hành chính cấp xã, từ đó, lộ trình xây dựng nông thôn mới cũng có sự chuyển biến. Một số xã dù đã đạt chuẩn nhưng sau sáp nhập với xã khó khăn hơn, nhiều tiêu chí phải "bắt tay lại từ đầu" như: giao thông, thủy lợi, thu nhập, hộ nghèo, quy hoạch.

Xã Minh Tâm (cũ), huyện Nguyên Bình là một trong hai xã đầu tiên của Cao Bằng về đích nông thôn mới vào năm 2015. Đến năm 2020, Minh Tâm sáp nhập với xã Lang Môn và một nửa xã Bắc Hợp thành xã Minh Tâm (mới). Sau sáp nhập, theo bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, Minh Tâm mới chỉ đạt 12/19 tiêu chí. Nhiều tiêu chí khó thực hiện như: thu nhập, hộ nghèo, nhà ở dân cư… lại trở về con số 0. Lý do là sau khi sáp nhập, 2 xã còn lại là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn, đa số là hộ nghèo nên kéo giảm thu nhập của đơn vị hành chính cũ. Sau 8 năm được công nhận nông thôn mới, giờ đây Minh Tâm lại tiếp tục phấn đấu để đạt 7 tiêu chí còn lại. 

Ông MÃ QUANG TUYẾN, Bí thư Đảng ủy xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng: “Để tập trung tổ chức thực hiện mục tiêu này, Đảng ủy đã chỉ đạo MTTQ, các tổ chức ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và các hội viên, đoàn viên, trên cơ sở đó nhận thức đúng, đủ và chủ động tham gia vào xây dựng NTM, trên cơ sở đó nhận thức được quyền, trách nhiệm của mình, tránh sự trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.”

Tương tự như vậy, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng cũng là một trong xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Sau sáp nhập  với xã Nà Sác , Trường Hà còn 3 tiêu chí chưa đạt là: thu nhập, cơ sở vật chất văn hoá và quy hoạch. 

Ông TRIỆU VĂN DUY, Chủ tịch UBND xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng: “Thời gian qua, chính quyền địa phương đề xuất một số chủ trương, mong muốn tiếp tục được quan tâm, rà soát xác định lại xã nông thôn mới. Cần có sự hỗ trợ về nguồn lực từ các cấp, ngành để xã Trường Hà tiến tới đạt chuẩn.”

Ông BẾ MINH ĐỨC, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng: “Các xã trước đó đạt NTM, sau khi sáp nhập với xã chưa đạt NTM thì lại trở thành xã chưa đạt NTM nên là gần như phải phấn đấu lại từ đầu. Cái đó cũng tạo ra những khó khăn trong việc cần có nguồn lực đầu tư. Tiếp đó là chính sách phân bổ nguồn lực cho đầu tư phát triển, khi sáp nhập vào Cao Bằng cũng bị ảnh hưởng.”

Thực tế, sau sáp nhập, nguồn lực đầu tư cho một số tiêu chí đòi hỏi lớn hơn nhiều. Đặc biệt, tiêu chí về thu nhập cũng là “gánh nặng” khi tỷ lệ hộ nghèo của các xã sáp nhập vào còn rất cao. Tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân cũng không hề dễ dàng khi đa phần các xã ở Cao Bằng là xã thuần nông, chủ yếu trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ. Do vậy, giai đoạn tiếp theo sau sáp nhập sẽ là thử thách với các xã trong xây dựng nông thôn mới.

CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Rõ ràng là dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng xây dựng nông thôn mới theo đúng chuẩn tiêu chí đặt ra chưa bao giờ là dễ dàng. Mời quý vị cùng chúng tôi nhìn lại tổng quát những kết quả đã làm được cũng như khó khăn tồn tại là gì qua chia sẻ của khách mời từ Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương ngay sau đây.

ĐỒI THAY TỪ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Có thể thấy rất nhiều tồn tại đã được các cấp, ngành nhìn nhận và tìm cách khắc phục. Trong hơn 10 năm qua, dù còn nhiều khó khăn nhưng nông thôn mới đã lan toả trên cả nước. Đơn cử như tại Tân Châu - địa phương đầu nguồn biên giới của tỉnh An Giang. Dù có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng với vị trí địa lý là một “cù lao”, bị ngăn cách bởi nhiều con sông lớn nên việc phát triển kinh tế xã hội còn chậm, không được như mong đợi. Thế nhưng, hơn 10 năm qua, kể từ khi thực hiện mục tiêu nông thôn mới, Tân Châu đã có những bước chuyển mình và phát triển vượt bậc.

Long An, một xã thuần nông của thị xã Tân Châu, 10 năm trước là một xã nghèo, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Giờ đây khi đã đạt chuẩn nông thôn mới cũng là lúc thu nhập bình quân của người dân đã tăng lên gấp 8 lần.

Ông TRƯƠNG TẤN HỒNG, Phó Chủ tịch UBND xã Long An, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang: “Thời điểm xuất phát xây dựng nông thôn mới, thu nhập của người dân chỉ có 7,8 triệu trên người một năm. Qua 10 năm, hiện tại thu nhập của người dân tăng lên rõ rệt, hiện tại là 62 triệu trên người một năm.”

Không chỉ thu nhập tăng cao mà mọi mặt đời sống của người dân cũng thay đổi rõ rệt. Được thụ hưởng nhiều kết quả tích cực từ xây dựng nông thôn mới nên người dân ngày càng tin tưởng và sẵn sàng chung tay cùng chính quyền trong việc phát triển quê hương.

Ông NGUYỄN VĂN TO, Xã Long An, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang: “Ủy ban mình nói hùn vốn xây đường thì dân mình đồng tình. Nhưng lúc đầu nói thiệt không tin tưởng lắm vì sợ xã làm đường không chất lượng nhưng làm rồi ai cũng hoan nghênh vì đường quá đẹp.”

Ông TRẦN HOÀNG CHIẾN, Xã Long An, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang: “Người dân được thụ hưởng vê kinh tế, văn hóa, xã hội… nên dân càng ngày càng tin tưởng và quyết tâm xây dựng xã trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.”

Đến nay địa phương đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành động lực và đòn bẩy để giúp Tân Châu vươn mình phát triển.

Bà VÕ THỊ LOAN, Trưởng phòng Kinh tế, Phó Chánh Văn phòng  Điều phối NTM Tân Châu, tỉnh An Giang: “Trước đây điện đường trường trạm cũng được đầu tư nhưng chưa hoàn chỉnh nhưng từ khi xây dựng nông thôn mới thì mới được đầu tư bài bản hơn. Đời sống, thu nhập của người dân cũng được nâng cao.Văn hóa, xã hội, tinh thần của người dân cũng được nâng chất.”

Tân Châu đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành mục tiêu 9/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Không dừng lại ở đó, địa phương phấn đấu phải có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức cũng phải hợp lý, gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch và phát triển đồng bộ nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ.

GIỮ GÌN VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRONG XÂY DỰNG NTM

Không chỉ đổi thay và phát triển về kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội, nhiều địa phương còn có cách làm nông thôn mới mang nét riêng. Thời gian qua, du lịch nông thôn gắn với nét đẹp văn hoá truyền thống đã phát triển nhanh với nhiều mô hình, tour du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách như: khám phá khu bảo tồn thiên nhiên; du lịch làng nghề, nghỉ dưỡng, tìm hiểu văn hóa tại các điểm du lịch cộng đồng... Thực tế cho thấy, phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đây cũng  là giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững trong giai đoạn tới theo Nghị quyết của Quốc hội và các Chương trình, Đề án của Chính phủ.

Tận dụng lợi thế địa phương với những nét mang đậm bản sắc dân tộc, người dân ở xóm Luỹ Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình đã xây dựng nông thôn mới với cách làm riêng. Là một trong những gia đình làm du lịch có hiệu quả, thông qua homestay của gia đình, anh Đinh Văn Đương đã giới thiệu được nhiều nét văn hoá, sản vật độc đáo của dân tộc tới du khách. Cũng từ ngày chuyển sang làm du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, kinh tế gia đình anh đã khá hơn trước, đồng thời giúp anh lưu giữ bản sắc dân tộc mà cha ông để lại.

Anh ĐINH VĂN ĐƯƠNG, Xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình: "Để phát triển du lịch ở đây phải đảm bảo văn hóa của mình. Ở đây chắt lọc tinh hoa văn hóa như nhà sàn có thể cải tạo nhưng chỉ nâng cao lên, nhà gọn gàng hơn, vệ sinh hơn. Ngoài ra để đảm bảo văn háo dân tộc chuẩn nhất là giữ nhà sàn, trang phục của ông bà cũng nhắc lưu giữ."

Còn tại bản Lao Chải 1, xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, khung cảnh nông thôn đã có nhiều đổi thay, cảnh quan sạch đẹp. Đặc biệt, những nét văn hóa truyền thống của dân tộc được giữ vững và giới thiệu tới du khách. 

Chị NGUYỄN THỊ THANH HÀ, Du khách: “Tôi đã được vào nhà của từng hộ dân, được xem bà con thêu váy, đi nhặt rau cùng bà con rất mới lạ và thích thú. Đấy là cảm giác mới khi tôi là người miền xuôi đến đây lần đầu.”

Thu nhập cải thiện, đời sống nâng cao, diện mạo nông thôn từng bước đổi thay, bản sắc văn hoá được giữ vững, môi trường được bảo vệ… là những “cái được” không thể phủ nhận của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong hơn 10 năm qua. Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới phải là kết hợp hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, xã hội và giữ những giá trị truyền thống. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới chất lượng phải hướng tới kiến tạo không gian. Đó cũng là một phần trong Nghị quyết 19, nâng cao năng lực và tổ chức đời sống của người dân nông thôn, bảo tồn, giữ gìn những giá trị truyền thống, văn hóa, môi trường sinh thái của địa phương đó.

Ông LÊ MINH HOAN, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Chúng ta tiến tới mỗi địa phương có thể tự hào rằng mình không chỉ có bao nhiêu xã nông thôn mới, bao nhiêu huyện nông thôn mới, bao nhiêu xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu mà phải giới thiệu mình có hình ảnh nông thôn có thể được xem là di sản của địa phương, di sản nó sẽ bao hàm nhiều giá trị trong đó.”

Xây dựng nông thôn mới có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, và người dân ở nông thôn thực sự phát huy được tính chủ động, sáng tạo của mình, vừa sản xuất nông nghiệp, vừa cung ứng dịch vụ để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống nhưng cũng giữ gìn bản sắc dân tộc. Dù có nhiều cách làm mới, nhưng ở nhiều nơi như Luỹ Ải hay Lao Chải, bản sắc dân tộc, nét văn hoá riêng vẫn được giữ nguyên vẹn. Đây sẽ tiếp tục là một trong những định hướng quan trọng cho chương trình giai đoạn tới, hướng tới phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

6 CHƯƠNG TRÌNH CHUYÊN ĐỀ XÂY DỰNG NTM

Qua những hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận được tại nhiều địa phương trên cả nước, chắc hẳn quý vị đã có cái nhìn tổng quan về những gì nông thôn mới đã đạt được thời gian qua. Với quan điểm xuyên suốt: “Xây dựng Nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, những năm qua rất nhiều chương trình, Đề án… đã được triển khai. Xây dựng nông thôn mới cũng được Quốc hội phê duyệt là một trong ba chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện từ 2021-2025. Để thực hiện hiệu quả cần quyết tâm và kế hoạch cụ thể. 

NÔNG THÔN MỚI THAY ĐỔI BỘ MẶT BẠCH LÃNG, TÂY TẠNG

Không chỉ tại Việt Nam, phát triển nông nghiệp để xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay đang là mối quan tâm chung của thế giới. Kinh nghiệm của một số quốc gia về vấn đề này là bài học cho Việt Nam. Tại Trung Quốc, nhờ xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã khai thác được tiềm năng, lợi thế của mình để xây dựng nên những điển hình tiêu biểu trong phát triển nông nghiệp, cải thiện đời sống của người dân.

Từng là vùng đất xa xôi và bạc màu, huyện Bạch Lãng ở khu tự trị Tây Tạng phía tây nam Trung Quốc hiện là nhà cung cấp rau trái vụ lớn nhất ở Tây Tạng, nhờ vào việc áp dụng công nghệ nhà kính và sự vận hành trơn tru của giao thông địa phương. Tận dụng các điều kiện cao nguyên và công nghệ canh tác để phát triển một cơ cấu nông nghiệp hiện đại, thu nhập của người dân huyện Bạch Lãng đã được cải thiện đáng kể. 

Cơ cấu canh tác ở Bạch Lãng trước đây khá đơn điệu do khí hậu cao nguyên khô cằn. Việc phát triển trồng rau trong nhà kính mới chỉ bắt đầu từ năm 2012, để thay đổi và nâng cấp cơ cấu canh tác đơn điệu của mình, huyện Bạch Lãng đã xây dựng 2.256 nhà kính trồng rau hiện đại và khoảng 1.153 ha diện tích trồng để có thể đã trồng thành công hơn 140 loại trái cây và rau quả ngay cả ở độ cao 3.800 mét. Cho đến nay, sản lượng trái cây và rau quả hàng năm đạt 67 triệu kg ở huyện Bạch Lãng.

Tại khu thực nghiệm trồng trọt, các cán bộ kỹ thuật đã trồng thử nhiều loại rau như bắp cải, cải ngọt, cần tây bằng các phương pháp khoa học công nghệ hiện đại bao gồm nuôi cấy không cần đất và trồng thủy canh. 

Ông PHURBU UDRUP, Cán bộ quản lý trồng trọt: "Chúng tôi đã áp dụng rất nhiều công nghệ hiện đại và hiện thực hóa phương pháp canh tác hữu cơ, xanh. Bây giờ chúng tôi hiện có ba giống bắp cải ở đây. Chúng tôi sẽ chọn loại có năng suất cao nhất, chất lượng tốt nhất và mở rộng diện tích trồng sau này."

Ngoài ra, cùng với sự vận hành trơn tru của hệ thống đường sắt địa phương và giao thông đường cao tốc, huyện Bạch Lãng cũng đã xây dựng cho mình những cơ sở trồng rau hữu cơ, lúa mạch cao nguyên hữu cơ. 

Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của nông dân trong huyện là hơn 19.000 nhân dân tệ (khoảng 2.810 đô la Mỹ), thúc đẩy tăng trưởng thu nhập của 1.573 hộ gia đình ở 50 làng trong khu vực. Cư dân cho biết họ đang sống một cuộc sống hạnh phúc và thịnh vượng.

Nông dân địa phương: "Hiện gia đình tôi sở hữu bốn nhà kính và sản lượng trung bình hàng năm của mỗi nhà kính đạt 20.000 nhân dân tệ. Chúng đã mang lại những thay đổi lớn cho chúng tôi. Ví dụ, gia đình tôi đã mua một chiếc ô tô, một máy xúc cỡ nhỏ và nhiều loại dụng cụ khác nhau.”

Nông dân địa phương: "Tôi sở hữu ba nhà kính và kiếm được 50.000 nhân dân tệ mỗi năm. Thu nhập hàng năm của gia đình tôi lên tới 200.000 nhân dân tệ”.

Ngoài ra, huyện Bạch Lãng cũng đã thành lập khu phức hợp "du lịch nông thôn" đầu tiên của Tây Tạng, với tên gọi Công viên Hội chợ Triển lãm Đổi mới Công nghệ và Khoa học Nông nghiệp Shigatse Qomolangma, giúp cho khách tham quan có thể tìm hiểu về các loài thực vật ôn đới và nhiệt đới.

QUẢNG BÌNH: HIỆU QUẢ SỬ DỤNG MÁY CẤY TRÊN RUỘNG ĐỒNG

Áp dụng phương pháp cấy lúa bằng máy bước đầu đã tiết kiệm chi phí sản xuất, giải phóng sức lao động và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Việc đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp còn đáp ứng được yêu cầu sản xuất về nông nghiệp trên diện tích quy mô lớn. Trong phần cuối chương trình hôm nay  chúng tôi sẽ giới thiệu tới quý vị mô hình này tại tỉnh Quảng Bình.

Đây là lần đầu tiên máy cấy được đưa vào ứng dụng cấy lúa trên những cánh đồng tại tỉnh Quảng Bình. Điều này không chỉ giúp giải phóng sức lao động mà còn giảm chi phí trong sản xuất.

Bà LÊ THỊ HỒNG, Xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình: “Ngày xưa cấy tay thì lâu, một sào cấy hơn một buổi, giờ có máy cấy thì một sào chỉ cần một hai tiếng, vừa nhanh vừa lợi công và khỏe cho người nông dân.”

Ông NGUYỄN LÊ MINH, Xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình: “Khi áp dụng máy cấy vào đồng ruộng thì đem lại hiệu quả lớn, thứ nhất là lượng giống giảm đi một nữa. Ngày xưa nông dân gieo sạ bình thường mất 5 đến 6 cân giống tuy nhiên khi đưa máy vào làm thì mất tầm hơn 2 cân, thứ hai là không sử dụng thuốc trừ cỏ nên bảo vệ được cho đồng ruộng.”

Theo người dân địa phương, mỗi sào ruộng 500 mét vuông khi gieo cấy thủ công mất 2 ngày, trong khi máy cấy thì chỉ mất 2 giờ đồng hồ. Người nông dân vừa tiết kiệm được ngày công vừa đảm bảo đúng kế hoạch sản xuất vụ mùa.

Ông NGUYỄN DOÃN DỰC, Giám đốc HTX Hoành Vinh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình: “Trên đồng ruộng mà đưa cơ giới hóa vào sẽ giảm chi phí, phục vụ đúng tiến độ trong vấn đề cày cấy, thu hoạch và các phương diện liên quan đến sản xuất nông nghiệp thì sẽ giảm chi phí cho người nông dân. Mô hình này nếu nhân rộng thì sẽ giảm rất nhiều chi phí cho sản xuất nông nghiệp và năng xuất được tăng lên.”

Áp dụng máy cấy trong sản xuất mang lại hiệu quả rõ rệt như giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, đẩy nhanh tiến độ sản xuất bảo đảm khung thời vụ tốt nhất, kỹ thuật cấy lúa bảo đảm, hạn chế sâu bệnh, qua đó góp phần tăng hiệu quả sản xuất lúa. Đây là hướng đi phù hợp trong giai đoạn hiện nay, khi ngành nông nghiệp đang hướng đến sản xuất tập trung, quy mô lớn.

Hà Lan