• 1511 lượt xem
  • 19:37 14/05/2022
  • Kinh tế

Nông nghiệp Việt Nam: Chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi khi giá nguyên liệu tăng “phi mã”

Xuất khẩu nông sản tháng 4 tăng mạnh, đạt 4,8 tỷ USD; Chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi khi giá nguyên liệu tăng “phi mã”; Đức: Nở rộ phong trào thuê đất tự trồng rau ... là những tin tức đáng chú ý trong chương trình Nông nghiệp Việt Nam phát sóng 14/5/2022.

Đạt 4,8 tỷ USD, xuất khẩu nông sản tháng 4 tăng mạnh

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng 4, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 4,8 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành từ đầu năm đến nay đạt gần 18 tỷ USD trong đó đã có 5 nhóm sản phẩm đạt trên 1 tỷ USD. Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm, có 5 nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, gồm cà phê, gạo, rau quả, tôm, sản phẩm gỗ. Hiện Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam, đứng thứ 2 là Trung Quốc và tiếp sau đó là các thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nhiều cơ hội đưa gạo Việt Nam vào Bắc Âu

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu nhận định, thời gian tới, nhập khẩu gạo của thị trường này dự kiến sẽ tăng khi châu Âu không tự túc sản xuất gạo. Trong đó, riêng các nước Bắc Âu không trồng lúa gạo, phải nhập khẩu hoàn toàn. Gạo cũng là một trong những mặt hàng được thị trường này đặc biệt ưa chuộng trong thời gian qua, gồm các loại gạo hạt dài và gạo thơm như Bastima và Jasmine.

Cần chuyển đổi mô hình nông nghiệp mới phù hợp biến đổi khí hậu

Cần phải thay đổi cơ cấu cây trồng, phương thức tổ chức sản xuất, chuyển đổi mô hình sản xuất cho phù hợp với tình hình thời tiết thay đổi bất thường là một trong những nội dung được các chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm bàn giải pháp tổng hợp để khắc phục thiệt hại trên cây lúa và hoa màu sau thiên tai do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức.

Thực tế cho thấy, thời tiết ngày càng dị thường, cực đoan, khó lường đã và đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Cây trồng ngày càng mẫn cảm với môi trường. Vì vậy, cần thiết phải thay đổi cơ cấu cây trồng và phương thức tổ chức sản xuất phù hợp với thực tế.

PGS.TS TRẦN THỊ THU HÀ, Giảng viên Trường Đại học Nông lâm Huế: “Để chuẩn bị cho vụ hè thu tới được tốt, bà con cần phải vệ sinh đồng ruộng rộng. Vì vệ sinh đồng ruộng rất quan trọng, mưa lũ đưa đến nhiều vi sinh vật bất lợi và vi sinh vật gây hại. Tiếp theo là giống, PC6 là loại có thể chống chịu được mưa gió, nên đưa vào địa bàn Quảng Trị”.

Bên cạnh tập trung tìm giải pháp thích nghi, giúp ngành nông nghiệp Quảng Trị ứng phó với thời tiết, người dân kiến nghị nhà nước hỗ trợ giống lúa ngắn ngày và lãi suất vốn vay ngân hàng để khôi phục sản xuất. Về lâu dài, mong muốn được đầu tư hoàn thiện, nâng cấp tuyến đê bao ngăn lũ và hệ thống bơm tưới chống ngập úng khi mưa lũ bất thường. 

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG PHƯƠNG, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị: “Việc cùng nhau đánh giá lại thiệt hại vụ sản xuất đông xuân vừa qua đã giúp tìm ra các giải pháp để kịp thời tổ chức sản xuất vụ hè thu cũng như giúp ngành nông nghiệp có những giải pháp đồng hành với bà con, chủ động tổ chức sản xuất ứng phó hiệu quả trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đối với vùng trũng Hải Lăng và Triệu Phong, cần có nghiên cứu đánh giá toàn bộ hệ thống nâng cao năng lực tiêu úng, thoát lũ, đặc biệt là lũ dị thường.” 

Để tổ chức sản xuất thắng lợi vụ hè thu năm nay, trước mắt, tỉnh Quảng Trị cần xin Trung ương hỗ trợ 1.200 tấn giống lúa và hoa màu. Kiến nghị HĐND tỉnh thông qua gói hỗ trợ lãi suất để các hợp tác xã nông nghiệp vay vốn mua phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu giống mới phù hợp với biến đổi khí hậu; quy hoạch, chuyển đổi các hình thức tổ chức sản xuất giữa trồng trọt, chăn nuôi - thủy sản hài hòa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ ngư dân bám biển

Bộ NN&PTNT đã có công văn gửi các địa phương về việc Trung Quốc thông báo tạm ngừng đánh cá có thời hạn từ 1/5 đến 16/8 đối với toàn bộ các nghề trừ nghề câu trên các vùng biển, trong đó có những vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển Đông.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT thông báo và đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương thông báo ngay cho ngư dân biết về việc tạm ngừng đánh cá có thời hạn của phía Trung Quốc và khẳng định việc Trung Quốc tạm ngừng đánh cá đối với những khu vực thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên biển Đông là không có giá trị.

Đồng thời, động viên ngư dân bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển của Việt Nam và hướng dẫn ngư dân tổ chức thành đoàn, đội khi đi sản xuất để hỗ trợ nhau trên biển; kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng về các hành vi vi phạm của tàu cá nước ngoài trong vùng biển của Việt Nam. Các cơ quan chức năng tăng cường giám sát hoạt động khai thác hải sản của tàu cá trên các vùng biển thông qua hệ thống giám sát tàu cá bằng vệ tinh, có biện pháp cảnh báo cho các tàu cá khi cần thiết và đặc biệt quản lý chặt chẽ việc xuất/cập bến của tàu cá hoạt động trong thời gian này.

FAO: Dòng chảy lương thực thế giới sụt giảm kỷ lục

Dự báo mới nhất của Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) cho thấy, dòng chảy thương mại lương thực thế giới năm nay có khả năng sụt giảm mạnh: 1,2% so với năm ngoái. Riêng mặt hàng gạo vẫn tăng 3,8%.

Sự sụt giảm mạnh các giao dịch liên quan đến ngô và các loại ngũ cốc thô khác. Trong khi đó, khối lượng giao dịch thương mại đối với gạo được dự đoán sẽ tăng 3,8% và lúa mì là 1,0%. Bất chấp cuộc khủng hoảng tại khu vực biển Đen và thời tiết bất lợi tại một số vùng sản xuất, FAO dự đoán sản lượng lúa mì thế giới vẫn được mùa trong năm nay, đạt 782 triệu tấn. Đối với ngũ cốc thô, FAO cho rằng, Brazil đang chuẩn bị thu hoạch một vụ ngô kỷ lục 116 triệu tấn trong năm nay, trong khi điều kiện thời tiết bất thuận có khả năng làm giảm sản lượng ngô ở Argentina và Nam Phi.

Ukraine: Gần 25 triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt 

Liên hợp quốc cho biết, gần 25 triệu tấn ngũ cốc đang bị mắc kẹt ở Ukraine, không thể vận chuyển ra khỏi đất nước này do “những thách thức về cơ sở hạ tầng” và các cảng bị phong tỏa ở biển Đen. 

Lô hàng ngũ cốc bị chặn có thể làm trầm trọng thêm giá lương thực tăng cao trên toàn cầu. Chỉ số giá lương thực toàn cầu trong tháng 3 là 159,3 điểm, tăng gần 13% từ tháng 2 đến tháng 3. Đây là mốc kỷ lục kể từ khi được ghi nhận từ năm 1990. Theo số liệu của Hội đồng ngũ cốc quốc tế, trước khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine, nước này từng xuất khẩu ngô lớn thứ 4 thế giới trong niên vụ 2020-2021 và là nước xuất khẩu lúa mỳ đứng thứ 6 thế giới.

Indonesia: Hậu quả của quyết định cấm xuất khẩu dầu cọ 

Quyết định cấm xuất khẩu dầu cọ của Tổng thống Joko Widodo hồi cuối tháng 4 vừa qua tiếp tục gây ra những hậu quả không chỉ đối với quốc gia này mà còn lan ra toàn thế giới.

Việc Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong nước. Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang phải vật lộn với giá cả hàng hóa tăng vọt chưa có hồi kết thì chính sách của Indonesia đã khiến nhiều nhà đầu tư và công ty trong ngành dầu ăn “trở tay không kịp”. Hệ quả là không chỉ giá dầu cọ mà cả đậu tương, hạt cải dầu và hướng dương đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử trùng vào thời điểm hạn hán ở Nam Mỹ và Canada ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng cây lấy dầu.

Nguy cơ thua lỗ khi giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã

Giá phân bón tăng cao ảnh hưởng tới sản xuất của người dân. Không chỉ phân bón, thời điểm hiện tại, giá thức ăn chăn nuôi cũng liên tục tăng với tốc độ “phi mã” khiến cho chi phí “đầu vào” tăng theo. Tính từ cuối năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp đã điều chỉnh tăng giá hơn 10 lần liên tiếp nên dù hiện nay giá các loại sản phẩm gia súc, gia cầm đã “nhúc nhích” tăng trở lại nhưng phía trước người chăn nuôi vẫn là thách thức. 

Trang trại gia đình ông Nguyễn Kim Mạnh (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) giờ đã hoang hóa. Năm 2021, gia đình ông nuôi 1.500 con vịt để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, khi giá thức ăn tăng cao, ông phải giảm 500 con trong tổng số đàn. Đầu năm 2022, do giá thức ăn tiếp tục phi mã, không còn cách nào khác, ông buộc phải đóng chuồng để bảo toàn vốn.

Ông NGUYỄN KIM MẠNH - xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội: "Mọi thứ lên quá cao, chăn nuôi không có lãi, không có đồng công. Bây giờ nuôi 1,2 nghìn vịt, công 1 ngày được 1,2 trăm nghìn đồng thì nghỉ thôi, nếu rủi ro nữa phải bắt buộc nghỉ, chưa kể dịch bệnh, chưa kể vấn đề khác".

Trang trại nuôi gà đẻ trứng của gia đình ông Cấn Văn Thủy (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội) có số lượng 20 nghìn con, mỗi tháng tốn khoảng 7 tấn cám. Giá cám từ năm 2021 đến nay tăng vù vù khiến chi phí đội lên, trong khi thương phẩm bán ra lại rẻ. Lãi thì không thấy đâu nhưng lỗ là điều hiển hiện trước mắt và không biết trang trại có thể cầm cự được đến khi nào.

Ông CẤN VĂN THỦY, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội: "Giá cám từ đầu năm 2022 đến nay chỉ vào khoảng 210 nghìn đồng/bao, từ 2 tháng nay tăng thêm 50 nghìn đồng/bao. Công ty báo cuối tháng lại chuẩn bị tăng tiếp, người chăn nuôi rất khó khăn. Đã chăn (nuôi) rồi thì mình vẫn phải chăn (nuôi) không lẽ giờ lại bỏ không."

Theo các đại lý thức ăn chăn nuôi, năm 2021, giá một bao cám khoảng 380 nghìn đồng thì năm nay đã tăng lên thêm 100 nghìn đồng. Giá thức ăn chăn nuôi tăng kéo theo sản lượng tiêu thụ giảm mạnh khiến người dân không mặn mà với việc tái đàn.

Anh NGUYỄN ANH TUẤN, Đại lý thức ăn chăn nuôi Tuấn Thắm, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội: "Sản lượng kể cả thức ăn chăn nuôi, thú y kéo theo giảm rất nhiều, giảm tầm 45%, thậm chí 50% so với sản lượng của những năm trước."

Nhiều địa phương cho biết, giá cả thức ăn chăn nuôi tăng liên tục từ năm 2021 đến nay khoảng 12 lần. Không cầm cự được do giá cả tăng mạnh, hàng loạt hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Quốc Oai phải đóng chuồng, trại.

Ông NGUYỄN TUẤN VĂN, Chủ tịch Hội nông dân xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội: "So với cùng kỳ năm 2021, số hộ chăn gia cầm đã giảm xuống 35 - 37 hộ và số lượng gia cầm trên toàn địa bàn đến thời điểm hiện tại là 58 nghìn con, giảm 15 - 16 nghìn con".

Phóng viên PHẠM CƯỜNG: Có một nghịch lý là giá thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng phi mã nhưng sản phẩm đầu ra lại giảm. Ví dụ, 1 quả trứng gà như thế này giá bán buôn ngoài thị trường trước đây là 2.700 đồng, nay giá chỉ còn khoảng 2.400 đồng.

Tác động thức ăn chăn nuôi tăng cao

Không chỉ tại Hà Nội, nguyên liệu đầu vào tăng cao đã tác động tới ngành chăn nuôi cả nước. Nguyên nhân và tác động cụ thể như thế nào, phóng viên THQH đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dương, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi – một chuyên gia trong lĩnh vực này

Phóng viên HÀ LAN: Thưa ông, nguyên nhân nào khiến giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong thời gian qua?

Ông NGUYỄN XUÂN DƯƠNG, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Trước hết, giá thức ăn chăn nuôi tăng vì nguyên liệu đầu vào tăng. Từ tháng 10/2000 đến nay, các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhất là ngũ cốc đã thiết lập một bảng giá mới. Ví dụ, ngô có lúc lên tới 10.000 đồng/kg, lúa mì lên tới 9.000 - 10.000 đồng/kg. Như vậy, mặt bằng sữa ngũ cốc của thế giới cũng tăng lên chủ yếu do dịch Covid 19 tác động và chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Sau đó, lại có tác động từ những xung đột và giá dầu tại Ukraina và Nga. Các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chủ yếu là nhóm ngũ cốc, đã tăng lên. Điều đó là nguyên nhân chính. Tuy nhiên mức độ và tốc độ tăng của nguyên liệu vẫn tăng nhiều hơn là thức ăn chăn nuôi thành phẩm. Mặc dù trong hai năm (từ cuối năm 2020 đến giờ) đã có rất nhiều lần tăng giá thức ăn chăn nuôi, mỗi một lần tăng từ 200 - 300 đồng, tăng khoảng 30%. Trong khi đó, nguyên liệu như ngô, đỗ tương lại tăng đến 50%. Tôi cho rằng, giá thức ăn chăn nuôi vẫn còn có thể tăng một vài lần nữa trong thời gian tới thì mới có khả năng giảm xuống.”

Phóng viên HÀ LAN: Giá nguyên liệu tăng liên tục như vậy đã tác động như thế nào tới hoạt động chăn nuôi, thưa ông?

Ông NGUYỄN XUÂN DƯƠNG, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Rất khó khăn vì nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và giá thức ăn chăn nuôi quyết định tới 65% - 70 % giá thành các sản phẩm chăn nuôi. Như vậy, người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn khi giá thực phẩm lại không tăng tương ứng, vì nhiều lý do như sức cẩn trọng, sức mua trong nước, dịch Covid-19. Nhập khẩu thực phẩm đã làm cho giá lợn, gia cầm không tăng tương thích với giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thực phẩm. Điều này gây khó khăn cho những hộ chăn nuôi, chủ yếu là hộ sản xuất nhỏ lẻ từ con giống. Còn các doanh nghiệp lớn sản xuất theo chuỗi sẽ đỡ khó khăn hơn.”

Tập đoàn TH chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi

Thực tế cho thấy, hiện nay, nguồn thức ăn chăn nuôi cho ngành nông nghiệp Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu. Vì vậy, giải pháp trong thời điểm khó khăn đối với ngành chăn nuôi lúc này là phải chủ động nguồn thức ăn. Và câu chuyện về cụm trang trại khép kín với những cánh đồng cỏ Mombasa đạt kỷ lục lớn nhất thế giới tại Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An của Tập đoàn TH sẽ góp phần tự chủ cho nguồn nguyên liệu thức ăn tươi xanh cho hàng ngàn cô bò sữa.

Bà VY THỊ THU HẰNG, Giám đốc Trung tâm thức ăn và dinh dưỡng, Công ty CP Thực phẩm sữa TH: "Ở đây, chúng tôi có đầy đủ cơ sở vật chất, hạ tầng nhà máy cám, trung tâm thức ăn để phối trộn để cung cấp cho bò. Mỗi ngày, chúng tôi cung cấp gần 2 nghìn tấn thức ăn cho đàn bò sữa của TH."

Hàng chục năm nay, người ta không còn nhắc đến miền Tây xứ Nghệ với nắng cháy, khô cằn nữa… mà khắp các vùng quê nơi đây đã được phủ một màu xanh mướt của những cánh đồng cỏ Mombasa như thế này. Đây là nguồn nguyên liệu thô xanh, khẩu phần ăn cơ bản của gia súc nhai lại. Cánh đồng cỏ này có diện tích 2.300ha, quy mô lớn nhất Đông Nam Á và hàng đầu thế giới để đáp ứng nguồn thức ăn cho khoảng 45.000 cô bò sữa.

Ông NGUYỄN LÊ THĂNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty AGITEC, Tập đoàn TH: "Năm 2010, khi các chuyên gia Israel cùng với 1 số nhà khoa học Việt Nam tư vấn cho dự án này đã đưa ra nhiều phương án. Sau đó, chúng tôi trồng thử nghiệm 30 loại giống ngô, cỏ khác nhau và phát hiện cỏ Mombasa là giống thích ứng tốt nhất cho vùng này. Giống Mombasa có lợi thế là trồng 1 lần cho thu hoạch liên tục 6, 8, 10 lần/năm và gốc cứ lưu năm này qua năm khác, nó thể hiện được ưu thế vượt trội về chất lượng, năng suất, tính thích nghi."

Để có được cánh đồng cỏ Mombasa xanh mướt và cho năng suất cao như ngày hôm nay, đội ngũ chuyên gia về nông nghiệp đã phải mất vài năm đầu để cải tạo, đánh giá dinh dưỡng của đất nơi đây. 

Ông NGUYỄN LÊ THĂNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty AGITEC, Tập đoàn TH: "Phủ Quỳ phải nói là 1 vùng đất rất tốt nhưng người ta đã sử dụng các loại cây lâm nghiệp, canh tác thiếu khoa học, thiếu đầu tư nên đất bị cằn cỗi, phân mảnh ra rất nhiều. Giai đoạn bắt đầu, chúng tôi mất nhiều thời gian dồn thửa lại, chúng tôi cần quá trình lớn để cải tạo, sau đó các nhà khoa học về đất đã phân tích đất để tìm ra nguyên tố vi lượng thiếu hụt như thế nào, rồi tiến hành cải tạo mất hàng năm trời."

Bên cạnh đó, để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng phục vụ cho đàn bò, trang trại thành lập hẳn một đội khảo nghiệm nghiên cứu giống, đánh giá giống cây trồng có phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng trước khi đưa vào trồng đại trà.

Anh NGUYỄN VĂN THANH, Phụ trách giám sát, thí điểm giống cây trồng, Công ty AGITEC, Tập đoàn TH: "Bước thứ nhất là khảo nghiệm cơ bản, sau khi khảo nghiệm cơ bản mà có triển vọng chúng tôi khảo nghiệm mang tính diện rộng. Khảo nghiệm diện rộng có diện tích khá rộng, từ 2-5ha. Sau khi khảo nghiệm diện rộng, thấy đạt được mục đích yêu cầu, chúng tôi tiến hành trồng đại trà. Trong khảo nghiệm diện rộng, chúng tôi sản xuất hoàn toàn bằng máy móc, cơ giới hóa 100% đáp ứng điều kiện kỹ thuật của công ty."

Để phát triển đồng cỏ Mombasa và các loại nông sản khác, Tập đoàn TH đã thành lập một công ty chuyên trách kỹ thuật trồng trọt, sở hữu các máy xúc, ủi, gieo hạt, bón phân, các máy thu hoạch đa năng với số lượng và độ hiện đại đứng hàng đầu trong các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam và thế giới.

Anh NGUYỄN ĐĂNG HỢI, điều phối viên phụ trách gieo trồng, làm đất, Công ty AGITEC, Tập đoàn TH: "Từ khi dùng công nghệ gieo trồng của Isarel, mật độ cây trồng đảm bảo được 1m dài 7-8 cây đều đặn, khi đó các chất dinh dưỡng cho từng cây đồng đều, năng suất sẽ cao. Một vạt đất như thế này khoảng 30ha, với công nghệ của TH, chỉ gieo trong khoảng 5 tiếng đồng hồ."

Cánh tay khổng lồ phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với cánh đồng rộng lớn hàng nghìn hecta như vậy, chúng sẽ được tưới tiêu như thế nào và vận hành ra sao? Câu trả lời là sử dụng hệ thống tưới tiêu khổng lồ để phục vụ cho cánh đồng cỏ Mombasa của TH.

Hệ thống cánh tay khổng lồ có độ dài khoảng 500m. Cánh tay tưới có nhiều đoạn nối với nhau bằng khớp nối để điều chỉnh theo diện tích của cánh đồng. Hệ thống này được vận hành tự động kết nối với phần mềm, tưới được cả triệu mét vuông, tương đương 100ha đồng ruộng mỗi lần, thay thế cho hàng trăm nhân công.

Ông NGUYỄN LÊ THĂNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty AGITEC, Tập đoàn TH: "Hệ thống tưới này tự động hoàn toàn, có cảm biến tự động về độ ẩm, đất, lượng mưa, độ ẩm không khí từ đó có được ma trận để biết được thời điểm nào thì máy sẽ kích hoạch hệ thống tưới và khi đang tưới  nếu gặp mưa, lượng mưa đó bao nhiêu thì nó sẽ ngừng hoạt động."

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp từ khâu làm đất cho đến thu hoạch đều được vận hành máy móc, hệ thống tự động góp phần nâng cao năng suất, chất lượng. Để điều hành, vận hành được hệ thống máy móc hiện đại thì khâu đào tạo, chuyển giao công nghệ là vấn đề cấp thiết đối với trang trại này.

Ông NGUYỄN LÊ THĂNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty AGITEC, Tập đoàn TH: "Mới đầu bắt buộc phải thuê những người nông dân Isarel sang điều khiển. Họ ở đây cả năm trời cùng làm việc, bây giờ đội ngũ ở các lĩnh vực, từ hệ thống hệ điều hành, tưới, vận hành bảo dưỡng máy móc, chúng tôi đều làm được. Chúng tôi đạt được nhiều kỷ lục nhỏ nhỏ như thu hoạch 1 ngày đạt  3 nghìn tấn cỏ, hay tốc độ gieo nhanh nhất, ví dụ ngày xưa chỉ gieo được 5ha/ngày, sau làm tốt có thể 60 - 70 ha/ngày. Ví dụ, nông dân đang khoán 12 công/ha, nghĩa là 600- 700 người bằng 1 cái máy làm trên 1 cánh đồng."

Cỏ mombasa được trồng quanh năm, 2-3 tháng sẽ cho thu hoạch 1 lần và mỗi năm sẽ cho thu hoạch từ 5- 6 lần. Loại cây này đặc biệt phù hợp với khí hậu nóng ẩm của miền Trung. Sau khi thu hoạch, nếu sản lượng dư thừa sẽ được ủ chua hoặc đóng bánh làm lương khô dự trữ cho đàn bò quanh năm. Do có nguồn thức ăn chăn nuôi đa dạng, được tính toán cho cả năm nên việc giá cả thức ăn chăn nuôi ngoài thị trường tăng giá gần như không ảnh hưởng gì đến trang trại của TH.

Chủ động nguồn cung thức ăn chăn nuôi trong nước

Thực tế cho thấy, sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới. Cụ thể, mỗi năm cả nước cần hơn 33 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, nhưng thị trường trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn (chiếm 40%), số còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu. 

Vậy làm thế nào để chủ động nguồn thức ăn cho người chăn nuôi?

Phóng viên HÀ LAN: Giảm chi phí nguyên liệu đầu vào đang là ''bài toán'' khó cho ngành chăn nuôi. Cần làm gì để giảm chi phí thức ăn, tận dụng và tạo ra nguồn cung thức ăn chăn nuôi ổn định trong nước, thưa ông?

Ông NGUYỄN XUÂN DƯƠNG, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta đều giảm chi phí đầu vào để giảm chi phí sản xuất và từ đó làm giảm thành phẩm chăn nuôi. 

Có ba vấn đề cần được quan tâm, trước hết là việc nhập khẩu vẫn phải tiếp tục được nhập khẩu nhưng chúng ta phải giảm chi phí nhập khẩu. Giảm ở khâu nào? Tốt nhất là giảm ở khu logistic. 

Thứ hai là từ các nguyên liệu nhập khẩu và trong nước. Trong nước, những gì có thể làm thức ăn chăn nuôi thì phải tận dụng, không phải là sử dụng thô mà phải áp dụng các kĩ thuật để chế biến ở mức nâng cao. 

Thứ ba là chi phí trong quá trình sản xuất, người sản xuất hoặc các công ty sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi phải giảm mọi chi phí để hạ giá thành thức ăn chăn nuôi và người chăn nuôi thì sử dụng thức ăn chăn nuôi một cách có hiệu quả nhất. Hiệu quả ở đây là con giống tốt, kiểm soát dịch bệnh tốt, chuồng nuôi tốt để con vật chỉ ăn và tập trung cho tiết sữa, cho tăng trọng, cho đẻ trứng”.

Phóng viên HÀ LAN: Áp dụng khoa học kỹ thuật, đào tạo, hỗ trợ người dân trong chăn nuôi cần được chú trọng như thế nào nhằm góp phần giúp họ chủ động sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào thị trường?

Ông NGUYỄN XUÂN DƯƠNG, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Chúng ta cứ chăm chăm tìm mọi cách để giảm giá thức ăn trong khi ra thức ăn chúng ta nhập khẩu đến 80 - 70% thức ăn tinh, còn thức ăn chăn nuôi công nghiệp nhập khẩu từ 80 - 90%. Chúng ta chăm chăm giảm nhưng vấn đề này lại không nằm trong tay chúng ta. Có nhiều biện pháp nằm trong tay mà chúng ta cần phải tăng cường để giảm các chi phí sản xuất, đó là quy trình chăn nuôi, kỹ thuật chăn nuôi, chất lượng con giống - những vấn đề này chúng ta chưa đáp ứng được ngưỡng thì người chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nông hộ cần phải chú ý điều này. 

Phải áp dụng thật tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học để tránh dịch bệnh, tránh ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay là chăn nuôi tuần hoàn để tận dụng các sản phẩm của quá trình chăn nuôi. Chúng ta sẽ tăng cường kiến thức cho người dân nhất là những chăn nuôi nông hộ, đó là hệ thống khuyến nông để làm sao người chăn nuôi là công nhân kĩ thuật ở trình độ thâm canh cao được học tập đào tạo thì mới quản trị được kỹ thuật, quản trị thị trường trong quá trình tổ chức sản xuất chăn nuôi.”

Trung Quốc - giải pháp tự chủ nguồn cung thức ăn chăn nuôi

Còn trên thế giới thì sao, các quốc gia chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn như thế nào? Tại Trung Quốc đã phát triển công nghệ biến khí thải công nghiệp thành thức ăn chăn nuôi trên quy mô lớn, động thái có thể giúp nước này giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu thô. 

Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu nông sản do thiếu đất canh tác và nhu cầu ngày càng tăng. Ngoài ra, quốc gia này phải nỗ lực tăng sản lượng và giảm tải lãng phí lương thực. Đây cũng là một trong những quốc gia nhập khẩu đậu tương hàng đầu trên thế giới. Trung Quốc đã phải mua khối lượng lớn đậu tương từ các quốc gia bao gồm Brazil, Argentina và Mỹ, chủ yếu dùng làm thức ăn cho gia súc.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết, họ đã phát triển công nghệ biến khí thải công nghiệp thành thức ăn chăn nuôi trên quy mô lớn, động thái có thể giúp nước này giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu thô, như đậu tương. Viện Nghiên cứu Thức ăn chăn nuôi, thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc (CAAS) cho biết, họ đã phát triển thành công phương pháp tổng hợp khí thải công nghiệp có chứa CO và CO2 để tạo ra một loạt protein tế bào tổng hợp. Theo đó, khí thải sẽ trải qua một loạt các quá trình xử lý bao gồm lên men, oxy hóa, chưng cất và khử nước, giúp chuyển hoá nitơ và carbon thành chất hữu cơ. Theo các nhà khoa học, sản lượng có thể đạt hàng chục nghìn tấn mỗi năm.

Rõ ràng, ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đã và đang đối mặt với không ít vấn đề nội tại khi phần lớn nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu. Không chỉ bị ảnh hưởng nặng nề bởi chi phí “đầu vào” tăng cao, ngành chăn nuôi nước ta còn phải đối mặt với những bất ổn từ thị trường, dẫn đến phát triển thiếu bền vững. Do vậy, rất cần những giải pháp căn cơ để Việt Nam chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi cung ứng cho thị trường trong nước.

Gìn giữ văn hóa lúa mùa

Lúa mùa được người nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long trồng hằng trăm năm qua là nhóm lúa có thời gian sinh trưởng, trổ bông và thu hoạch theo mùa, đặc biệt không sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, trước tác động về giá trị kinh tế, cây lúa mùa dần bị thay thế bởi những giống lúa cao sản, ngắn ngày. Với tình yêu dành cho cây lúa mùa, ông Lê Quốc Việt ở thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang đã xây dựng một nông trại rộng hơn 2,5 ha để trồng cây lúa mùa, đồng thời gìn giữ những nét văn hoá lúa mùa của người dân miền Tây Nam Bộ.

Mỗi năm chỉ làm 1 vụ lúa mùa với thời gian khoảng 7 đến 8 tháng, thời gian còn lại, ông Việt cho mảnh ruộng được nghỉ ngơi, khác hoàn toàn với những giống lúa cao sản, canh tác đến 2-3 vụ trong năm.

Ông LÊ QUỐC VIỆT, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang: “Canh tác lúa cao sản liên tục sẽ làm cho đất, nước, môi trường sống bị ô nhiễm. Vì vậy, khi mình phục hồi lại lúa mùa thì môi trường sẽ được cải thiện.”

Ông Việt chia sẻ, trồng cây lúa mùa không đơn thuần là gìn giữ lối canh tác thuận theo tự nhiên, bảo vệ môi trường mà còn là gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo từ cây lúa mang lại. Đó là nét văn hoá mang đậm tình làng nghĩa xóm, chân chất và mộc mạc của người dân miền Tây Nam bộ tự bao đời.

Ông LÊ QUỐC VIỆT, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang: “Cái ý nghĩa quan trọng nhất của việc bảo tồn cây lúa mùa này là cho các thế hệ trẻ biết được ông bà ta ngày xưa sống và làm như thế nào. Có câu này của nhà văn Sơn Nam rất hay “chỉ có hiểu rõ về quá khứ mới vững bước trong tương lai.”

Với tình yêu lớn dành cho cây lúa mùa, ông Việt đã dày công sưu tầm, lưu giữ và bảo tồn nhiều loại nông cụ từ lúc xuống giống cho đến thu hoạch lúa. Ngay cả việc thả cá vào đồng ruộng hay nuôi vịt xen kẽ cũng được ông tái hiện ở nông trại.

Ông LÊ QUỐC VIỆT, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang: “Mong mỏi lớn nhất của tôi là càng nhiều người nhớ hoặc biết đến văn hóa lúa mùa tôi càng hạnh phúc. Mỗi một lần có nhóm sinh viên xuống để nghe về văn hóa lúa mùa là tôi hạnh phúc cả ngày.”

Hiên nông trại lúa mùa của ông Việt đang lưu giữ nhiều giống lúa mùa thơm, chất lượng gạo tốt, nấu thành cơm rất ngon. Vì thế, ngoài giá trị gìn giữ văn hóa lúa mùa, nông trại của ông Việt còn tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, hướng tới mục tiêu tạo nguồn lúa gạo xuất khẩu giá trị cao cho đất nước.

Đức: Nở rộ phong trào thuê đất tự trồng rau 

Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tại Đức đã phát triển một mô hình trồng rau xanh vô cùng đặc biệt. Thay vì ra chợ hay siêu thị để mua các loại rau củ, người dân Đức bắt đầu có thói quen tự mình canh tác những thực phẩm thường ngày xuất hiện trên bàn ăn của gia đình. Cũng nhờ đó, mô hình cho thuê đất canh tác tại Đức đã phát triển nở rộ. Đặc biệt, trong bối cảnh giá thực phẩm tăng cao những tháng gần đây, nhu cầu thuê đất tự trồng rau lại càng lớn.

Số liệu lạm phát tháng 3 cho thấy, giá rau tươi tại Đức đã tăng 15% trong một năm. Ngay lập tức, vấn đề giá lương thực tăng cao đã xuất hiện trong chương trình nghị sự quốc gia, nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn. 

Meine Ernte là công ty cho thuê các lô đất trồng rau diện tích nhỏ trên khắp nước Đức. Tính đến thời điểm hiện tại, công ty này đã mở rộng nguồn cung lên tới 3.500 lô đất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về rau củ tự thu hoạch của người dân. Đại dịch Covid-19 và tình hình xung đột ở Ukraine là những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về nguồn rau tự cung tự cấp này. 

Bà NATALIE KIRCHBAUMER, Nhà đồng sáng lập Meine Ernte: "Mọi người thấy rằng thực phẩm ngày càng đắt đỏ và khan hiếm. Và nếu bạn thuê một khu vườn, tất nhiên bạn có cơ hội tự cung cấp thực phẩm cho mình ở một mức độ nhất định."

Với chi phí 229 euro (khoảng 241USD), sẽ có được một mảnh đất trồng rau có diện tích 49m2. Người thuê cũng được hướng dẫn cách chăm sóc khu vườn của mình, sau đó có thể thu hoạch nông sản tươi do chính tay mình chăm sóc.

Ông ALEXANDER STRAUCH, người dân Đức: "Ở đây, chúng tôi không chỉ thu về nông sản với giá phải chăng, mà được tạo cơ hội thư giãn, trải nghiệm. Chúng tôi có thể tự tưới nước cho cây của mình, sau đó lại thu hoạch chúng. Tôi thấy mức giá khá hợp lý.”

Theo các nhà sáng lập công ty, những người trồng trọt sẽ tiết kiệm được từ một nửa đến hai phần ba chi phí sản xuất và việc thu hoạch sẽ phụ thuộc vào thời tiết và mức độ chăm sóc cây trồng. Một gia đình đã tự sản xuất được 450kg rau trong một vụ duy nhất.

Hà Lan