Nông nghiệp Lai Châu chưa khai thác hết tiềm năng công nghệ trong sản xuất

Khoa học, công nghệ góp phần nâng cao chất lượng, thay đổi phương thức canh tác truyền thống trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên không thuận lợi nên việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế .

Gia đình chị Sử có hơn 3 héc-ta chè đang trong thời kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, do không áp dụng đúng quy trình chăm sóc và ứng dụng kỹ thuật nên cây chè cằn cỗi, sâu bệnh và cho ít búp. Nếu như cùng diện tích như trên thì tại các vùng chè của huyện Tân Yên, huyện Phong Thổ của tỉnh Lai Châu ,mỗi năm cho thu hoạch khoảng 300 triệu đồng thì đồi chè của chị Sử chỉ thu được vẻn vẹn hơn 20 triệu đồng. Nghĩa là thấp hơn đến 15 lần.

Còn với vườn sâm của gia đình ông Phương ở bản Mao Sao Phìn. Điều kiện tự nhiên và khí hậu rất thuận lợi nhưng cây sâm chủ yếu vẫn trồng và chăm sóc theo phương pháp truyền thống nên chưa khai thác tối đa giá trị cây sâm, thị trường tiêu thụ cũng khá bấp bênh.

Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông ngiệp ở huyện Sìn Hồ chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Địa hình đồi núi chia cắt, thu nhập của người dân còn thấp trong khi chi phí đầu tư máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp lại tương đối cao là nguyên nhân chính dẫn đến quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm chưa tạo được thương hiệu trên thị trường.

Thay đổi tập quán canh tác, từng bước thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. Về lâu dài, Sìn Hồ cần phân vùng hình thành các vùng sản xuất tập trung, tập trung chế biến sâu và tạo liên kết bền vững trong tiêu thụ sản phẩm.

Vũ Thắng