Nỗi niềm cắm bản “gieo chữ” vùng cao

Vượt qua sự gian nan vất vả, với sự nhiệt huyết, yêu nghề, tình thương dành cho học sinh đồng bào dân tộc, nhiều thầy cô giáo tại vùng sâu vùng xa Đắk Lắk đã dành hết thanh xuân để cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, gieo con chữ cho những mảnh đất “nghèo”.

Năm nay là năm thứ 9, thầy Lê Vũ Yên gắn bó với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Nhà cách trường hơn 120km, thầy Yên ở trường nhiều hơn ở nhà. Với nhiều học sinh, đặc biệt là 44 em phải ở lại sinh hoạt, học tập tại trường, luôn được thầy quan tâm, xem như những đứa con của mình.

Còn với những thầy cô giáo ở ngôi trường Tô Hiệu, thường xuyên phải đi hơn 50km đến trường, mùa nắng thì bụi, mùa mưa thì lầy lội. Nhiều thầy cô không may bị té, bị thương. Công tác ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn nữa là phải duy trì sĩ số học sinh ổn định, tránh để học sinh bỏ học. Vất vả nhưng không vì vậy mà nản lòng, các thầy cô vẫn kiên trì bám trường, bám lớp.

Năm học này, Đắk Lắk có hơn 484.000 học sinh các cấp, trong đó chiến gần 35% là dân tộc thiểu số. Ở những vùng còn khó khăn, người dân nhận thức còn hạn chế, bố mẹ rất ít quan tâm đến việc học tập của học sinh. Thậm chí không cho con em đến tuổi đi học đến trường hoặc để con em bỏ học giữa chừng, ở nhà lập gia đình hoặc làm nương rẫy. Không chỉ dạy học, những giáo viên “cắm bản” nơi đây còn phải thông thạo địa bàn, lo lắng từ ăn ở, từng hoàn cảnh học sinh để thường xuyên đến nhà thăm hỏi, vận động. Bỏ lại sau lưng hạnh phúc riêng, những giáo viên vẫn nỗ lực động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Học sinh đến trường đều đặn, phấn đấu trong học tập chính là động lực cố gắng của thầy cô.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!  

Kim Liên