Nơi này năm xưa: Võng La - Nơi ra đời bản Đề cương văn hóa cứu Quốc

Xã Võng La, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội cả xã có 12 gia đình là cơ sở cách mạng nuôi giấu và bảo vệ các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng thời kỳ hoạt động bí mật đó là các đồng chí: Trường Chinh; Hoàng Văn Thụ; Hoàng Quốc Việt; Nguyễn Lương Bằng...

Các cơ sở cách mạng trên cũng là nơi an toàn tổ chức nhiều hội nghị quan trọng quyết định đến vận mệnh của dân tộc và đất nước. Từ làng Chài (Võng La), ánh sáng của Đảng chiếu rọi đến các làng, xã ven bờ Bắc sông Hồng như Vĩnh Ngọc, Hải Bối, Xuân Trạch… đã biến Đông Anh thành vành đai bảo vệ Trung ương.

Đình làng Chài chính là địa điểm Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp bàn việc mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất và xúc tiến khởi nghĩa vũ trang từ ngày 25 đến 28.2.1943 đã bàn biện pháp đối phó với tình hình thù trong giặc ngoài của phong kiến, thực dân và phát xít. Tại hội nghị quan trọng này, Đề cương về Văn hoá Việt Nam của Đảng ra đời năm 1943 được xem như là một bộ phận bổ sung cho Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, những cương lĩnh quan trọng đầu tiên của Đảng thời kỳ kháng chiến, kiến quốc.

9 năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954), có hơn 4 năm bị giặc chiếm đóng, Chi bộ Đảng và nhân dân Võng La đã anh dũng chiến đấu với gần 30 trận chống càn, diệt hàng trăm tên địch trong nhiều trận đánh nổi tiếng. Toàn xã có 12 gia đình có công với nước, 32 gia đình có công với cách mạng, 11 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 157 liệt sĩ, 62 thương binh... Với những cống hiến, hy sinh to lớn đó, năm 2005, xã Võng La đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp.

80 năm kể từ ngày ra đời bản Đề cương về văn hoá Việt Nam, hầu hết những người nuôi giấu cán bộ giai đoạn tiền khởi nghĩa ở đây nay không còn nữa. Song lòng yêu nước, kiên trung,  một lòng sắt son đi theo Đảng vẫn được gìn giữ và tiếp nối.  Có thể thấy trên mảnh đất Võng La một quá khứ anh hùng, một di sản tinh thần vô giá vẫn hiển hiện trong sự trân trọng, tự hào của thế hệ hôm nay, và họ vẫn đang tiếp tục bồi đắp, đóng góp sức mình cho khát vọng phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc.

Bích Liên