• 1416 lượt xem
  • 04:32 28/04/2022
  • Kinh tế

Nỗi lo lạm phát phủ bóng thế giới

Theo dự báo của ngân hàng thế giới World Bank, cuộc xung đột tại Ukraine sẽ khiến giá thực phẩm và năng lượng đắt đỏ trong vòng 3 năm tới, làm dấy lên quan ngại rằng nền kinh tế toàn cầu đang hướng đến vòng xoáy tăng trưởng kém và lạm phát cao của thập niên 1970.

Giá năng lượng tăng cao và lạm phát ở Hy Lạp khiến nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ vốn đã phải chịu áp lực từ đại dịch, nay lại phải tìm mọi cách để giảm chi phí.

Ông SAVAS, Chủ cửa hàng sửa chữa ô tô: "Một chiếc lốp xe bình thường có giá là 100 Euro và bây giờ là 125 Euro. Bởi vì lốp có xuất xứ từ Đức, nên chi phí chuyển nhượng cao.”

Chủ cửa hàng sửa chữa ô tô này thậm chí không dám bật lò sưởi mà dùng màn nhựa để ngăn không khí lạnh vào cửa hàng. Theo Cơ quan thống kê Hy Lạp, tỷ lệ lạm phát của Hy Lạp đã tăng lên 8,9% trong tháng 3, mức cao kỷ lục trong 27 năm. Hơn 60% dân số đang làm việc ở Hy Lạp đang làm việc trong các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, những nơi đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Sự gia tăng của lạm phát được cho là do một số yếu tố, bao gồm giá năng lượng, nguyên liệu nông nghiệp và thực phẩm tăng.

Tại Anh, giá năng lượng tăng đã ảnh hưởng tới khoảng 22 triệu người dân nước này. Niềm tin của người tiêu dùng Anh vào tháng 4 đã giảm xuống mức gần như thấp nhất trong lịch sử. Các chuyên gia cho biết chi phí sinh hoạt ngày càng tăng và lương ít hơn đã dẫn đến áp lực lên các hộ gia đình, đồng thời khuyến nghị chính phủ nên đưa ra các biện pháp để hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương và các gia đình có thu nhập thấp.

Còn tại Đức, theo công ty nghiên cứu thị trường GFK, chỉ số tâm lý người tiêu dùng tại nước này thậm chí còn thấp hơn thời điểm bùng nổ đại dịch Covid-19 do chi phí tăng cao. 

Ông ROLF BUERKL, Chuyên gia tiêu dùng thuộc công ty GFK: "Một điểm quyết định đối với tâm trạng ảm đạm của người tiêu dùng là lạm phát hiện nay, chủ yếu do giá năng lượng thúc đẩy. Chúng tôi đã chứng kiến sự tăng giá mạnh mẽ của dầu sưởi, khí đốt và xăng dầu trong những tuần gần đây. Do đó, lạm phát ở Đức hiện đang ở mức hơn 7%. Đó là mức cao nhất mà chúng tôi từng thấy trong 40 năm."

Sự sụt giảm trong tâm lý người tiêu dùng đã được đẩy nhanh bởi sự gia tăng đáng kể trong xu hướng tiết kiệm trong tháng 4. Chính phủ Đức dự kiến sẽ cắt giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu cho năm 2022 từ 3,6% xuống 2,2%. 

Quỳnh Hoa