Nỗ lực hàn gắn thế giới của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres sinh năm 1949 tại Bồ Đào Nha. Trước khi trở thành người đứng đầu Tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, ông Guterres từng đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng tại Bồ Đào Nha, Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc. Với hai nhiệm kỳ liên tiếp trên vai trò Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres đã thể hiện trách nhiệm trong giải quyết thách thức toàn cầu

Bước vào chính trường Bồ Đào Nha vào năm 1976, ông Antonio Guterres nhanh chóng trở thành một chính trị gia có tiếng và được bầu làm thủ tướng nước này vào năm 1995.

Từng là lãnh đạo Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc trong suốt 10 năm (2005-2015), ông Guterres đã góp phần quan trọng giải quyết những cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới, tại Syria, Afghanistan và Iraq.

Năm 2016, ông Guterres trở thành Tổng thư ký Liên hợp quốc với số phiếu ủng hộ áp đảo, được đặt kỳ vọng sẽ "đưa Liên Hiệp Quốc lên một tầm cao mới".

Năm 2021, ông tiếp tục được bổ nhiệm đảm nhận cương vị Tổng thư ký Liên hợp quốc nhiệm kỳ thứ hai (2022-2026).

NỖ LỰC HÀN GẮN THẾ GIỚI

Tổng thư ký Liên hợp quốc ANTONIO GUTERRES: “Đây là thời khắc mang tính quyết định. Tất cả mọi người ở đây ngày hôm nay cho tôi hy vọng lớn lao rằng chúng ta có thể vạch ra một lộ trình mới. Chúng ta có thể đưa các mục tiêu phát triển bền vững đi đúng hướng để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, để không ai bị bỏ lại phía sau. Chúng ta có một danh sách dài những việc cần phải làm.”

Với trọng trách và sứ mệnh của mình, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres luôn đồng hành cùng các quốc gia giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu, duy trì hòa bình, an ninh quốc tế.

Trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine trở thành vấn đề nóng, chi phối toàn cảnh thế giới, một trong những điểm sáng trong hơn 8 tháng xung đột là thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đồng bảo trợ, nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, trong đó không thể không nhắc đến những nỗ lực không ngừng nghỉ của Tổng thư ký LHQ.

Ông Guterres cũng có mặt tại những khu vực cần sự trợ giúp nhất, như tại Pakistan, khi thảm họa lũ lụt cướp đi sinh mạng của hơn 1.700 người, kêu gọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn các thảm họa nhân đạo.

Sự đồng hành của ông Guterres với các nhà lãnh đạo thế giới cũng thể hiện vai trò quan trọng của Liên hợp quốc trong kết nối các quốc gia, định hướng cho các vấn đề mang tính toàn cầu như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Diễn ra đúng dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam trở thành thành viên của Liên hợp quốc, chuyến thăm của ông Antonio Guterres tới Việt Nam lần này, với các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, đã khẳng định rằng Việt Nam là một trong những thành viên không thể thiếu của Liên hợp quốc. Đây cũng là minh chứng cho các cam kết và nỗ lực của Việt Nam, trong đó có thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và duy trì hoà bình, an ninh quốc tế, những mục tiêu mà Liên hợp quốc luôn hướng tới.