Những vấn đề nổi lên trong công tác quy hoạch

Tiếp tục phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 17/02, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả bước đầu về việc triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.

Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày đã cho thấy kết quả lập, thẩm định và quyết định phê duyệt các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 – 2030. Theo đó, đến thời điểm hiện nay, trong các quy hoạch cấp quốc gia (bao gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia) mới có quy hoạch sử dụng đất quốc gia và 4/38 quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt. Trách nhiệm chính là của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan; chỉ có Bộ Giao thông và Vận tải là đã được phê duyệt 4/5 quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực của Bộ. Tất cả các quy hoạch đều được phê duyệt chậm hơn thời hạn ngày 31/12/2020 theo yêu cầu tại Nghị quyết 11 của Chính phủ

Về quy hoạch vùng, đến thời điểm hiện nay chưa có quy hoạch vùng nào được phê duyệt, trong đó mới chỉ có quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức lập quy hoạch vùng theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật Quy hoạch và được Hội đồng thẩm định đã thông qua. Quy hoạch của 05 vùng còn lại vẫn chưa xong nhiệm vụ lập quy hoạch. Về quy hoạch tỉnh đến nay có 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành lập, trình thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh.

Báo cáo cũng nêu lên các tồn tại, hạn chế trong việc lập, thẩm định, quyết định/phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; Đồng thời chỉ rõ nguyên nhân, trong đó nhấn mạnh chủ yếu do những bất cập liên quan đến nội dung các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản chỉ đạo, điều hành và các quy định pháp luật có liên quan. Nhất là Luật Quy hoạch có nhiều quy định mới cả về nội dung và phương pháp lập quy hoạch, quản lý nhà nước theo hướng tích hợp, phối hợp đa ngành và áp dụng công nghệ tiên tiến, nên việc xây dựng các văn bản hướng dẫn cần nhiều thời gian nghiên cứu, thống nhất giữa các Bộ, ngành để ban hành.

Cũng theo báo cáo, kế hoạch hoạt động trong thời gian tới, Đoàn giám sát sẽ làm việc với 6 Bộ liên quan bao gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đồng thời, tổ chức các buổi làm việc với 8 tỉnh thành phố và làm việc với Lãnh đạo Chính phủ./. 

Hoàng Hương