• 2692 lượt xem
  • 04:09 03/10/2022
  • Xã hội

Những thách thức khi sáp nhập trung tâm dân số vào trung tâm y tế

Thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XII về "Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; Đến nay trên cả nước 100% đơn vị cấp huyện có trung tâm y tế huyện, trong đó 59/63 tỉnh đã sáp nhập trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình vào trung tâm y tế huyện.

Sự thay đổi này đã giảm hàng trăm đầu mối quản lý dân số, y tế cấp quận/huyện. Tuy nhiên, quá trình sáp nhập cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, nhiều thách thức, khó khăn. Sau đây là ghi nhận thực tế này tại tỉnh Lạng Sơn. 

Sáp nhập về trung tâm y tế kể từ cuối năm 2018, các cán bộ trung tâm dân số huyện Bình Gia đã chuyển sang hoạt động với vai trò của một phòng chức năng về dân số. Bộ máy tổ chức cũng vì thế có nhiều thay đổi; kéo theo đó là cách thức hoạt động cũng không còn như trước.

Số lượng giảm, đồng nghĩa áp lực của 4 cán bộ phòng dân số hiện tại tăng lên khi phải quản lý 18 xã và 1 thị trấn. Đối với chị Xuyên chỉ quản lý dân số trên địa bàn thị trấn Bình Gia đã là một thách thức, bởi năm 2020 thực hiện phương án sáp nhập thì địa bàn thị trấn đã rộng hơn, dân số cũng tăng lên. Không những thế đội ngũ y tế thôn bản – cánh tay nối dài giúp chị nắm bắt tình tình cũng không còn mặn mà do thiếu chế độ quan tâm.

Khó khăn hơn cả chính là vấn đề nguồn lực, bởi sau khi sáp nhập nhiều nguồn kinh phí của phòng dân số phải phụ thuộc vào trung tâm y tế. Không những thế sau sáp nhập phòng cũng phải thực hiện tự chủ. Đặc biệt đến nay các hướng dẫn cụ thể về phân bổ ngân sách chi cho công tác này thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn chưa có. Tất cả đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo đời sống cán bộ nói riêng và chất lượng hoạt động công tác dân số nói chung.

Làm thế nào để đạt được hiệu quả hoạt động, cũng như đạt mục tiêu mà Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế đề ra sau khi sáp nhập đang là một câu hỏi lớn đối với những người làm công tác dân số ở cơ sở. Giải pháp trước hết vẫn là đòi hỏi bộ máy làm công tác dân số phải sớm ổn định, kiện toàn; Trong đó cần sớm ban hành văn bản để hướng dẫn về cơ chế và nguồn lực hoạt động của phòng chức năng này.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Như Thảo