Những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong tháng 8 của Quốc hội là gì?

Sáng 5/8, tại Nhà Quốc hội, Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc họp giao ban hàng tháng giữa Lãnh đạo Quốc hội với lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhằm đánh giá kết quả công tác tháng 7 và dự kiến những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8.

Trong tháng 7, với khối lượng công việc nhiều nhưng các cơ quan của Quốc hội đã cơ bản đã hoàn thành. Trọng tâm là tham mưu, phục vụ tổ chức thành công 2 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó tổ chức thành công phiên họp đột xuất ngày 6/7 để xem xét, quyết định điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn về mức sàn trong Biểu khung thuế suất, được cử tri và Nhân dân tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao. Nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8 là tiếp tục tham mưu, phục vụ chuẩn bị kịp thời, kỹ lưỡng các nội dung để tổ chức Phiên họp thứ 14 và Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tham mưu chuẩn bị các nội dung của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2022 dự kiến đầu tháng 9/2022.

Trao đổi làm rõ thêm những nhiệm vụ cần triển khai, các đại biểu đề nghị, do khối lượng luật cho ý kiến tại phiên họp Thường vụ 14 cũng như kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 là rất nhiều, có những dự án luật khó, phức tạp, vì vậy đề nghị Tổng thư ký Quốc hội đôn đốc Chính phủ, các cơ quan liên quan, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình dự thảo để các cơ quan của Quốc hội đảm bảo công tác thẩm tra. Tiếp tục siết lại kỷ luật kỷ cương trong công tác lập pháp, kiên quyết từ chối các dự án trình chậm, không đảm bảo chất lượng. Về việc chuẩn bị Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2022, đề nghị Văn phòng Quốc hội và các bên liên quan tích cực phối hợp để đảm bảo chu toàn mọi mặt.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao những kết quả nổi bật đạt được trong tháng 7, cũng như những nỗ lực của các cơ quan trong cải tiến, đổi mới hoạt động. Lưu ý, với khối lượng công việc chỉ tăng, không giảm, nhiều việc áp lực về tiến độ, thì cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, từ sớm, từ xa, nghiêm túc, trách nhiệm, khẩn trương, sâu sát, quyết liệt. Bên cạnh việc giao nhiệm vụ cụ thể cho Văn phòng Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu phải chú trọng công tác giám sát đối với những quyết sách lớn đã thông qua.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội TRẦN THANH MẪN: “Tăng cường việc giám sát quá trình thực hiện chính sách, cơ chế quan trọng thời gian qua Quốc hội và Chính phủ đã ban hành, tôi nói gọn là gói phục hồi kinh tế, 350 nghìn tỷ thực hiện trong năm 2022 và 2023, rồi gói gần 400 nghìn tỷ liên quan tới 5 dự án đường cao tốc, liên quan tới Ủy ban Tài chính Ngân sách, Ủy ban Kinh tế, Hội đồng dân tộc. Cần phát huy vai trò giám sát của ĐBQH và Hội đồng nhân dân để giám sát các gói chính sách này .”

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu các cơ quan cần lưu ý, đôn đốc, theo dõi tiến độ các công việc được giao, sớm khắc phục một số nhiệm vụ đang chậm trễ tiến độ đã được chỉ rõ. 

Lan Phương