Những người say mê “kể chuyện Bác Hồ” tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên

Những ngày tháng 5 này, dòng người đổ về Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An) thăm ngôi nhà tranh, những kỷ vật đơn sơ, cứ nối dài với đủ mọi lứa tuổi, vùng miền. Những câu chuyện kể của những cán bộ thuyết minh với chất giọng Nghệ đầm ấm, sâu lắng đã làm sống dậy hình ảnh của một vĩ nhân, để lòng kính yêu Bác cứ vậy mà âm thầm lan tỏa.

Gần 26 năm làm thuyết minh viên tại quê Bác, chị Phùng Thị Hương Giang không nhớ nổi mình đã đón và kể chuyện về Bác cho bao nhiêu đoàn khách tham quan. Chỉ biết rằng mỗi ngày, chị Phùng Thị Hương Giang thường đón và thuyết minh cho khoảng hơn 20 đoàn khách. Những ngày cuối tuần và ngày lễ, con số này tăng lên gấp bội. Được tiếp đón và phục vụ khách tham quan trên quê hương Người càng khiến chị tự hào và yêu quý công việc của mình hơn.

Chị Phùng Thị Hương Giang - Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, Nghệ An: “26 năm được phục vụ Bác và làm việc trên quê hương Bác, những cảm xúc đó vẫn còn nguyên vẹn như những ngày đầu. Hàng ngày, mình nói về Bác thì càng cảm phục Bác và coi Bác như tấm gương để học tập làm theo”.

Còn với chị Phạm Thị Oanh, suốt 12 năm gắn bó với công việc thuyết minh tại quê Bác, chị luôn cảm nhận được sự gần gũi, thân quen của Bác còn vương bên những mái nhà tranh, nơi Bác đã sinh ra và sống những tháng ngày thời niên thiếu. Với mỗi đoàn khách đến tham quan, bằng chất giọng Nghệ đầm ấm, sâu lắng của mình, chị lại truyền hơi ấm, tình yêu bao la của Bác đến tất cả đồng bào trên mọi miền Tổ quốc.

Chị Phạm Thị Oanh - Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, Nghệ An: “Mỗi đoàn khách với lứa tuổi, vùng miền, ngành nghề khác nhau đều có những kỷ niệm, tình cảm khác nhau mà Bác Hồ dành cho họ nên không phải đoàn nào mình cũng nói giống nhau mà phải có sự liên hệ để thấy Bác rất gần gũi với bản thân mình”.

Không kể này nắng hay mưa, lễ tết hay ngày thường, những cán bộ thuyết minh vẫn miệt mài, say mê kể chuyện về Bác Hồ cho du khách. Chứng kiến tình cảm của đồng bào cả nước dành cho Bác, đó chính là động lực để các chị luôn cố gắng, nỗ lực hết mình, làm mới nội dung và hình thức thuyết minh.

Ông Vũ Văn Côn – Thành phố Hà Nội: “Qua những lời thuyết minh, chúng tôi thấy các chị đã đưa hết cảm xúc của mình vào câu chuyện khiến chúng tôi rất cảm động”. 

Ông Nguyễn Bảo Tuấn - Giám đốc Ban quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên: “Các cán bộ thuyết minh luôn có ý thức học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, yêu nghề, trách nhiệm với công việc, luôn nêu cao tinh thần phụ vụ nhân dân, phục vụ du khách. Ban quan lý đang chú trọng đào tạo tiếng nước ngoài cho các thuyết minh, hiện đã có 6 cán bộ thuyết minh thành thạo bằng tiếng Anh, 1 cán bộ thuyết minh tiếng Pháp và đang đào tạo 5 cán bộ thuyết minh tiếng Lào”.

Khu di tích Kim Liên được thành lập từ năm 1956, đến năm 1989 mới tiến hành thi tuyển những hướng dẫn viên chuyên nghiệp đầu tiên. Hiện Khu di tích Kim Liên có 17 thuyết minh viên, tất cả đều là người xứ Nghệ, đều sở hữu chất giọng nhẹ nhàng, ngọt ngào, đầm ấm. Âm thầm, lặng lẽ, các chị góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, gìn giữ những tài sản thiêng liêng về vật chất và tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lan tỏa hình ảnh một vĩ nhân song có cuộc sống đời thường rất đỗi đơn sơ, giản dị đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.