Những nghệ nhân Cơ Tu cuối cùng của làng gốm thất truyền

Hơn 200 năm trước, người Cơ Tu sống dọc biên giới Việt - Lào ở miền Trung luôn tự hào về một làng gốm truyền thống đã đem lại sự giàu có, thịnh vượng cho bà con trong vùng. Thế nhưng mấy chục năm nay làng gốm đó đã biến mất, chỉ còn một vài nghệ nhân, đã ở tuổi gần đất xa trời. Cả một nét văn hóa độc đáo đang đứng trước nguy cơ mai một bởi nghề gốm nay đã thất truyền.

Năm 1964, Mỹ đưa quân đóng trên đồi T’râm cạnh làng Knonh (Cơ-nong), chàng thanh niên Kêr Tic (Cơ-tích) trong một lần đi lấy đất sét đã bị địch bắn và bắt lại. Sau 4 tháng giam giữ tra tấn, chúng thả anh ra. Căm hận giặc, Kêr Tic nhập ngũ và quay trở lại nhiều lần đánh đồn. Cũng từ đó anh bỏ nghề làm gốm.

2 chị em nghệ nhân Kêr Tic nay đều đã ngoài 80, chỉ còn giữ lại duy nhất 1 kỷ vật từ nghề gốm, là chiếc ché gần trăm tuổi của mẹ. Hồi bé, 2 chị em theo mẹ tới chỗ duy nhất có loại đất sét phù hợp gần làng, rồi nhìn theo mẹ để học vuốt gốm. Những đồ gốm đó đã nuôi lớn anh chị em nhà Kêr Tic.

A Kêr Tic nghe các cụ trong làng kể, hơn 200 năm trước, 1 phụ nữ gốc Đại Lộc lưu lạc lên đây, vô tình phát hiện ra ở gần làng có một mỏ đất sét phù hợp, bà tự làm các vật dụng và dạy lại cho dân làng. Sau đó người Cơ Tu của làng Champasak bên Lào đã sang xin người phụ nữ về với giá 30 con bò.

Gốm Cơ Tu được vuốt bằng vỏ hoa chuối và thanh tre tạo hình sau đó được nung bằng gỗ thông trong nhiều ngày cho đen bóng. Thứ gốm này dày, chắc cứng và rất bền. Cứ 5 cái Ghiri (tức là cái ché) như thế này là đổi được con heo, thậm chí con bò. Người cơ tu ở khắp nơi tìm tới làng Knonh để đổi hàng lấy các vật dụng như ché, nồi niêu, chảo, ấm, bếp… bằng gốm. Dân làng Knonh giàu lên trông thấy. 

Nghệ nhân Ưu tú A KÊR TIC - Làng Knonh, xã Axan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam: “Xưa dân mình nghèo ruộng, nghèo gạo. Mới đem cái này qua tận Lào bán cái này để đổi lấy heo lấy gà lấy ruộng. Giờ tiếc lắm, không ai chịu làm cái này nữa, vì làm bằng tay hết, vì làm cái này nó bẩn, bụi lắm, lấm chân lấm tay cả người nữa”.

Chị gái của ông, bà Z’râm Thị Tờ Bel vẫn duy trì làm đến những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, nhưng vì cuộc sống khó khăn, đến nay đã bán hết cho người sưu tầm. Giờ tuổi già, bà cũng chẳng đủ sức làm nữa.

Bà Z’RÂM THỊ TỜ BEL - Làng Knonh, xã Axan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam: “Nấu bằng nồi gốm cơm ngon lắm, hơn hẳn nồi nhôm ngày nay ấy. Khi xưa mẹ tôi dạy tôi làm đấy. Bây giờ tôi muốn dạy các con các cháu mình, nhưng chẳng đứa nào chịu học. Tôi tiếc lắm vì chẳng còn nghề này nữa”.

Mỗi khi chạm vào chiếc ché kỷ vật, gia đình Kêr Tic lại đem ra rửa bằng nước suối nguồn để bày tỏ sự biết ơn và lòng thương nhớ tới bố mẹ, tổ tiên, đã cho cơm ăn, nhà ở…  

Giờ đây người cựu chiến binh - Nghệ nhân ưu tú A Kêr Tic chỉ còn ngồi với những kỷ niệm, huân huy chương, bằng chứng nhận nghệ nhân… những thứ mà ông không thể mang theo được một khi sang thế giới bên kia gặp mẹ. Ông buồn vì một làng nghề đã mai một./.

Việt Hà