Những kỷ lục đáng nhớ của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31

Như vậy là kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 đã khép lại với những thành tích xuất sắc của đoàn thể thao Việt Nam, với hình ảnh ấn tượng về con người, đất nước tươi đẹp gửi tới bạn bè quốc tế và cả những cảm xúc không thể nào quên của người hâm mộ.

Với 205 huy chương Vàng trong tổng số 446 huy chương giành được, đoàn thể thao Việt Nam đã chính thức vượt qua kỷ lục mà đoàn Indonesia từng thiết lập tại SEA Games Jakarta 1997. Điều này đã thể hiện sự tiến bộ vượt bậc về chuyên môn của từng nội dung thi đấu. 

Trong đó, đầu tiên phải nhắc đến điền kinh - môn thể thao được cho là một trong những thế mạnh của Việt Nam. Tại giải đấu lần này, vận động viên Nguyễn Thị Oanh đã vượt qua kỷ lục cũ do chính mình tạo ra ở nội dung chạy 3.000m vượt chướng ngại vật với thành tích 9 phút 52 giây 44. Còn ở nội dung ném lao nữ, vận động viên Lò Thị Hoàng đã đạt thành tích ấn tượng 56m37, vượt qua kỷ lục cũ đã tồn tại suốt 15 năm qua tại các kỳ đại hội. Không những thế, các vận động viên điền kinh Việt Nam còn thiết lập 3 kỷ lục quốc gia khác tại các nội dung: 7 môn phối hợp nữ, 4x400m hỗn hợp nam nữ và 4x100m nam.

Vận động viên NGUYỄN LINH NA- Phá kỷ lục Quốc gia nội dung 7 môn phối hợp nữ: “Thi với các bạn nước khác thì em đã thi vài giải rồi nhưng đây là giải đấu em tâm huyết nhất nên em đã dốc hết sức vào giải này”.

Ở bộ môn bơi, mặc dù không có sự tham gia của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, đội tuyển bơi Việt Nam vẫn gặt hái được thành công ngoài mong đợi. Mục tiêu là giành từ 6-8 huy chương Vàng, nhưng các vận động viên đã bất ngờ đoạt được 11 tấm huy chương Vàng danh giá. Trong đó, một mình kình ngư Nguyễn Huy Hoàng đã có tới 5 huy chương Vàng và thiết lập kỷ lục mới ở nội dung 400m tự do nam, giành 2 suất tham dự giải vô địch thế giới năm 2022. Ở bộ môn lặn, các vận động viên Phạm Thị Thu, Phạm Thành Lộc, Cao Thị Duyên, Kim Anh Kiệt không chỉ dành được huy chương Vàng mà còn phá kỷ lục các nội dung thi đấu.

Vận động viên KIM ANH KIỆT - Phá kỷ lục/ Huy chương Vàng nội dung 1.500m vòi hơi chân vịt nam: “Em đã trải qua một thời gian tập luyện 13 tháng khó khăn. Cả huấn luyện viên và vận động viên chúng em đều cố gắng để đạt được thành quả ngày hôm nay”.

Võ thuật cũng là một trong những môn thể thao thế mạnh của Việt Nam và đã có được nhiều chiến thắng ngoạn mục trước các võ sỹ trong khu vực. Kết thúc đại hội, Đoàn thể thao Việt Nam có thành tích gồm: 10 huy chương Vàng Wushu, 9 huy chương Vàng Judo, 9 huy chương Vàng Taekwondo, 7 huy chương Vàng Karate, 6 Huy chương Vàng Pencak Silat, 6 huy chương Vàng Vovinam, 5 huy chương Vàng Kickboxing, 5 huy chương Vàng Muay và 2 huy chương Vàng Jujitsu.

Còn ở môn thể thao vua, nền bóng đá nước nhà đã có 1 khoảng thời gian tìm kiếm lại niềm tin của người hâm mộ và điều này đã tiếp tục được khẳng định tại SEA Games 31 khi cả 2 đội tuyển nam và nữ đều mang về huy chương Vàng. Giới chuyên môn trong và ngoài nước đều có chung nhận định rằng, bóng đá Việt Nam đã vươn lên một tầm cao mới trong khu vực.

Ngoài ra, các bộ môn thể thao Olympic như đấu kiếm, thể dục, cử tạ, vật, boxing, bắn súng, quần vợt,... cũng được các vận động viên thi đấu thành công ở các nội dung, chiếm hơn 30% tổng số huy chương Vàng mà đoàn thể thao Việt Nam giành được tại SEA Games 31.
 

Tùng Dương