Những hiện vật kể câu chuyện hòa bình

Trong dịp lễ kỉ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris, có nhiều sự kiện văn hóa - chính trị được tổ chức đồng loạt ở nhiều địa điểm. Bên cạnh hàng trăm tư liệu ảnh, hiện vật và bài viết, công chúng còn được tiếp cận với một số hiện vật độc bản, nguyên gốc, lần đầu tiên công bố.

Những kỷ vật ấy sẽ mãi là minh chứng trước thời gian, qua đó kể với chúng ta câu chuyện lịch sử về chặng đường trước, trong và sau khi đàm phán thành công Hiệp định Paris, để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình trên đất nước Việt Nam.

Dịp này, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phối hợp tích cực với các cơ quan lưu trữ và cơ quan ngoại giao, để tập hợp được khối tư liệu, hiện vật tiêu biểu nhất, phục vụ cho việc trưng bày trong triển lãm mang tên "Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình".

Giữa cả khối tài liệu đa dạng, có thể nói những kỷ vật của các nhân vật lịch sử đã tạo thành điểm nhấn. Một trong những bằng chứng lịch sử sinh động nhất chính là bộ 4 chiếc bút dạ, đã từng được các đồng chí: Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Bình sử dụng để ký Hiệp định Paris. Bộ bút đặc biệt này sau đó được mang về nước và trao lại cho Văn phòng Trung ương Đảng. Đến năm 1986, Văn phòng Trung ương đã bàn giao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để bảo quản và phát huy giá trị lâu dài.

Triển lãm lần này cũng trưng bày bộ chén mà Tiến sĩ Henry Kissinger tặng đồng chí Lê Đức Thọ trong cuộc gặp gỡ, trao đổi bên lề Hội nghị năm 1973. Hiện vật đó phần nào nói lên sự nể phục của một học giả tiếng tăm ở phía đối phương dành cho vị cố vấn đặc biệt phía Việt Nam.

Là khách mời trong triển lãm, ông Lê Nam Thắng - con trai của đồng chí Lê Đức Thọ - còn mang tâm trạng bồi hồi khi nhớ về những tháng ngày lịch sử. Sau khi hoàn thành xuất sắc sứ mệnh đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, đồng chí Lê Đức Thọ trở lại chiến trường Nam bộ, tiếp tục đóng góp tâm sức trong quá trình chỉ đạo chiến dịch Hồ Chí Minh giành toàn thắng. Hiện một số kỷ vật như Huy hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh, hay khẩu súng mà đồng chí Lê Đức Thọ sử dụng khi đi chiến dịch năm 1975 cũng nhận được sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là các nhà nghiên cứu.

Việc đàm phán thành công Hiệp định Paris là một bước ngoặt lịch sử, tạo đà cho những bước xoay chuyển vững chắc, để tiến tới đại thắng mùa xuân năm 1975. Tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, bên cạnh một số tấm ảnh đắt giá, lưu lại những khoảnh khắc có một không hai trong lịch sử, công chúng còn được tiếp cận với các hiện vật như huy hiệu, kính và bút của cố Đại sứ Hà Văn Lâu - một trong các thành viên của đoàn đàm phán về Hiệp định Paris. Và cuối cùng, đặc biệt hơn cả là bộ sưu tập 10 tấm thiệp chúc Tết của Bác Hồ, được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, như một di sản tinh thần vô giá. Đó thực sự là hình ảnh gây xúc động, gợi nhớ kỉ niệm về những thời khắc thiêng liêng, khi toàn quân toàn dân ta cùng náo nức mong chờ đón nghe thơ chúc xuân của Bác. Nửa thế kỷ trôi qua, có bao điều ý nghĩa đã được thời gian chưng cất; và theo đó, những vật dụng giản dị, bình thường cũng có thể trở thành kỷ vật trong tấm lòng trân quý của nhân dân.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!  

Trương Tùng