• 4057 lượt xem
  • 20:26 29/03/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: Những câu chuyện sinh động về một giai đoạn lịch sử trong sách ảnh "Trẻ em thời chiến"

Tập sách ảnh mang tên “Trẻ em thời chiến”- một ấn phẩm đặc biệt của Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành. Sách được thực hiện bởi đội ngũ phóng viên kì cựu thuộc các cơ quan báo chí lớn của Việt Nam, cùng các phóng viên chiến trường chuyên nghiệp đến từ Nhật Bản, nên bộ ảnh mãi còn lưu giữ những giá trị tư liệu lịch sử vượt thời gian

Chúng ta cùng tìm hiểu qua phần chia sẻ của nhà báo Lưu Quang Phổ, một cây bút quen thuộc trên báo Thanh Niên, đồng thời là Phó Trưởng ban Lý luận Phê bình, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Tôi cũng là một người sinh ra ở thời chiến và lớn lên trong chiến tranh. Khi cầm quyển sách này thì mình thật sự rất là xúc động. Ở đây chúng ta có thể gặp những hầm chữ A, những mũ rơm, những túi thuốc bông băng đến trường của trẻ em những năm chiến tranh chống Mỹ. Giá trị về giáo dục truyền thống trong quyển sách này nó thể hiện ở những bức ảnh rất sinh động về một giai đoạn lịch sử của dân tộc, trong đó chúng ta có thể thấy các em học sinh phải vất vả như thế nào, gian khổ như thế nào; nhưng trong gian khổ, trong khó khăn đấy thì vẫn vươn lên, vẫn cố gắng trong học tập, trong đời sống, và trên từng gương mặt, chúng ta vẫn thấy sự rạng rỡ, tươi mới của tuổi thơ Việt Nam.

Thời chiến thì máy móc, thiết bị, phim ảnh không thể nào đầy đủ và sẵn sàng được như thời đại kĩ thuật số bây giờ. Các bác các anh phóng viên ngày xưa phải chụp tiết kiệm từng kiểu phim một. Những bức ảnh đã được chụp cách đây khoảng 50 - 60 năm rồi, mà ảnh vẫn tốt như thế này, còn trong trẻo, còn đúng nét như thế này;  rồi chú thích vẫn còn đầy đủ như thế này, đấy là một điều rất quan trọng trong việc tác nghiệp về nhiếp ảnh. Tôi cũng thấy chất lượng nghệ thuật ở đây rất là cao. Những bức ảnh đều có bố cục tốt, các nhân vật đều hiện lên rất rõ ràng và khá là sinh động. Và đặc biệt bộ ảnh tôi rất thích, đó là bộ ảnh chụp nhà thơ Trần đăng Khoa, một thần đồng của văn học Việt Nam những năm 60. Những câu chuyện ấy gắn liền với những bài thơ của anh Trần Đăng Khoa, về những nhân vật có thật, rất là cụ thể.

Chúng tôi cũng rất là khâm phục các bác các anh ấy trong những câu chuyện bằng hình ảnh mà các bác các anh đã kể. Bộ ảnh này chụp từ Bắc vào Nam, từ Tây Nguyên đến Hà Nội, từ thành thị đến nông thôn, đến tận những vùng giải phóng, và tận đến Củ Chi đất thép… Tất cả những bức ảnh đấy nó mang tính tư liệu rất cao. Đây là những hình ảnh rất quý. Đối với thế hệ trẻ bây giờ, nếu như không có những bức ảnh này thì họ sẽ không biết được rằng chiến tranh đã đi qua như thế nào, chiến tranh đã tác động đến trẻ em Việt Nam trong giai đoạn ấy như thế nào.

Đây là cuốn sách có tựa đề “Trẻ em thời chiến”. Chúng tôi cũng có một chút mong muốn rằng nếu có thể được thì những quyển sách lần sau, chúng ta sẽ có những bộ ảnh toàn diện hơn nữa, đầy đủ hơn nữa, để thấy được cái sự khốc liệt của chiến tranh đối với trẻ em, đó là sự mất mát, đau thương. Ở đây không có một bức ảnh nào ở dạng đấy cả; nhưng tôi cứ trộm nghĩ rằng nếu như trong đây có một vài bức ảnh như thế, có cả máu đổ, nhà cháy, có lẽ cũng cần có những dung lượng gọi là vừa phải, để tạo ra những tác động về mặt hình ảnh, để những người thế hệ sau có thể biết được rằng những trẻ em trong thời chiến đã phải trải qua những điều gì.

Dưới góc độ nhiếp ảnh, chúng tôi rất kính phục những người chụp ra bộ ảnh này. Đây là những bức ảnh tư liệu lịch sử; mà đã phàm là tư liệu thì không có cách nào thay thế được nó cả. Khi mà sự kiện, khi mà thời gian đã trôi qua thì chúng ta không thể trở lại được, và lúc đó thì những bức ảnh này nó còn lại mãi.
 

Thiện Đoan