Những “anh lính chiến” ở thành Điện Hải

Năm 2023, tròn 165 năm liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng xâm lược Đà Nẵng với cái cớ “trừng phạt Hoàng đế An Nam đã tàn sát giáo dân và các nhà truyền giáo Pháp”, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp tại Việt Nam. Ngày nay, di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải vẫn sừng sững, những khẩu thần công vẫn hướng về phía cửa Hàn như nhắc nhớ về một thời kỳ lịch sử oai hùng.

Vào thế kỷ XIX, sau khi vua Gia Long lên ngôi, lập ra vương triều Nguyễn, trong tất cả cửa biển của nước ta, cửa biển Đà Nẵng được xác định là cửa biển ngoại giao, ngoại thương duy nhất của đất nước. Gần 100 pháo đài, đồn bảo, cửa tấn đã được xây dựng dọc theo vùng bờ biển và trên các đảo trong thời kỳ vương triều Nguyễn độc lập. Và thành Điện Hải là một trong số đó. 

Thành Điện Hải nằm ở tả ngạn phía Tây sông Hàn, được xây chủ yếu bằng gạch mang thiết kế kiểu Vauban châu Âu. Năm 1847, thành được mở rộng với chiều cao hơn 5m, chu vi 556m, được bao quanh bởi các hào sâu 3m. Đáng chú ý, Thành Điện Hải có 30 pháo đài, ban đầu được bố trí 30 súng thần công. Tuy nhiên, tổng số súng các loại thì có đến 107 khẩu. Những khẩu đại bác đều được bố trí trên các ụ súng, quay mặt ra phía biển sẵn sàng nghênh chiến với tàu nước ngoài đột nhập. 

Ngày 1/9/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa tư bản Pháp ở Việt Nam. Ngày nay, tại Bảo tàng Đà Nẵng vẫn còn 11 khẩu súng thần công được trưng bày trong khuôn viên của thành. Khi được tìm thấy, hầu hết các khẩu thần công đã bị hư hỏng nặng nhưng thân súng hầu như vẫn còn nguyên vẹn.

Những khẩu thần công ở đây trên mình còn chằng chịt các vết thương đã thành sẹo. Nó đã phát huy vai trò của mình là súng chiến, súng lệnh, “tướng đâu thì súng đó”. Gần 165 năm đã trôi qua, những khẩu súng thần công ngày nào đã trở thành chứng nhân lịch sử, cho một quá khứ hào hùng nhưng quá đỗi đau thương với biết bao anh hùng, nghĩa sĩ, đồng bào yêu nước đã ngã xuống. Họ đã đánh giặc không chỉ bằng chiến lũy, hầm chông, súng hỏa mai mà bằng cả những khẩu đại bác ra đời từ ý thức yêu nước sâu sắc và tinh thần chống giặc ngoại xâm ngoan cường.

Lê Quang