Quyết sách kịp thời nhìn từ cao tốc Bắc Nam phía Đông

Tại kỳ họp bất thường vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025. Đây là dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng, cần sớm được triển khai nhằm cụ thể hóa nghị quyết của Đảng, cũng như đáp ứng yêu cầu bức thiết trong quá trình phục hồi, phát triển nền kinh tế.

Không chỉ được thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội với quy trình, thủ tục rút gọn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, Nghị quyết còn được thông qua với nhiều cơ chế đặc thù, đặc biệt, một lần nữa cho thấy, trong bối cảnh đặc biệt, Quốc hội luôn có các quyết đáp kịp thời, nỗ lực cùng Chính phủ thực hiện các mục tiêu quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước.

Hành lang vận tải trên trục Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, có thể nói đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước. Trên hành lang vận tải này, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo quy hoạch dài 2.063 km, đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư. Với vai trò là trục huyết mạch, cần sớm hoàn thành để tạo động lực, sức lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.

Ông NGUYỄN VĂN THỂ - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: “ Việc Quốc hội có kỳ hơp bất thường và ra nghị quyết triển khai cao tốc Bắc Nam sớm trước 5 tháng có ý nghĩa quan trọng, đồng hành với chính phủ để tạo điều kiện thời gian để chính phủ thực hiện thắng lợi dự án này"

Không chỉ sớm được phê duyệt, việc Quốc hội cho phép dự án cao tốc Bắc – Nam được áp dụng chủ trương đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần đã giải quyết được thách thức lớn nhất đối với nhiều dự án giao thông đó là thách thức về vốn. Bài học từ dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn trước cho thấy, 8 trên 11 dự án thành phần theo phương thức đối tác công tư PPP đã không  lựa chọn được nhà đầu tư và huy động vốn, khiến dự án chậm tiến độ gần 2 năm.  

Ông NGUYỄN QUỐC HÙNG - Tổng Thư ký, Hiệp hội Ngân hàng: “Trong bối cảnh hiện nay việc thu phí tăng theo lộ trình không hiệu quả nên việc đầu tư cho các dự án giao thông có thu phí là các tổ chức tín dụng cần phải tính toán kỹ"

Ông LÊ KIM THÀNH - Vụ trưởng Vụ đối tác công – tư, Bộ Giao thông Vận tải: “Với đầu tư công sẽ đảm bảo chắc chắn thành công dự án, phấn đấu đảm bảo tiến độ đề ra như Quốc hội yêu cầu…"

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 này cũng được thông qua cùng với các cơ chế đặc thù tại Nghị quyết tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chuơng trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.  Các cơ chế đó là: Chỉ định thầu đối với các gói thầu: tư vấn, phục vụ và thực hiện đền bù, gói thầu thực hiện giải phóng mặt bằng tái định cư; đồng thời, chủ đầu tư được khai thác các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng dự án làm vật liệu xây dựng thông thường, không phải thực hiện thủ tục cấp phép. Một dự án trọng điểm Quốc gia cần phải hoàn thành trong thời gian rất nhanh, chính vì vậy, việc trao cơ chế đặc thù là cách làm đặc biệt, tạo ra xung lực đột phá cho việc triển khai dự án

Ông DƯƠNG VIẾT ROÃN - Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long: “Việc lựa chọn nhà thầu tư vốn mất 6 tháng, nay có cơ chế này sẽ rút ngắn được tiến độ. Cơ chế 2 là công tác giải phóng mặt bằng cũng nhanh hơn, thuận lợi hơn…”

Ông NGUYỄN MINH SƠN -  Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội: “Để tháo gỡ những bất cập về giải phóng mặt bằng, giá nguyên vật liệu tăng, vật liệu đất đắp thiếu. Điều này đã được chúng tôi giám sát từ trước, Quốc hội đã đồng ý với Chính phủ sử dụng cơ chế đặc thù cho các dự án giai đoạn 2"

Sau khi được Quốc hội và Chính phủ thông qua, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cùng các địa phương tiến hành giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch năm 2023 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng và từ năm 2025 - 2026 sẽ cơ bản hoàn thành, trong quá trình lập dự án, chuẩn bị đầu tư sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá kỹ các mỏ để hình thành hệ thống cung cấp vật liệu liên tục cho giai đoạn 2 của dự án để hình thành trục cao tốc đường bộ Bắc - Nam nối từ Lạng Sơn đến Cà Mau sẽ được xuyên suốt. 

Việc Quốc hội sớm ra nghị quyết và trao các cơ chế đặc thù giúp toàn bộ 12 dự án thành phần với chiều dài 729km sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2025, theo đúng tinh thần của Quốc hội đề ra, tiếp thêm sức mạnh và tạo điều kiện cần thiết để Chính phủ có thể vừa khống chế dịch bệnh, vừa bảo đảm an sinh xã hội và phục hồi nền kinh tế.
 

Ninh Tùng