• 1399 lượt xem
  • 06:39 30/05/2022
  • Kinh tế

Nhìn từ Hà Nội |Số 2|: Thế giới đối mặt với “bão” lạm phát

Khi đại dịch Covid-19 vừa cơ bản được kiềm chế, thế giới bắt đầu mở cửa trở lại với niềm hy vọng phục hồi sau đại dịch, thì nhiều quốc gia trên toàn cầu lại đang phải đối mặt với một thách thức mới. Đó là lạm phát. Hàng loạt mặt hàng tăng giá nhanh chóng.

Trong một thời gian ngắn, hàng loạt “kỷ lục” về lạm phát đã được ghi nhận trên toàn thế giới, với mức lạm phát lên đến 8,9, hay thậm chí là 10%. Gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung do đại dịch, chiến sự tại Ukraine hay chính những chính sách trong nội tại mỗi quốc gia mới là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? Kinh tế toàn cầu đang chịu những tác động ra sao trước cơn bão lạm phát và nguy cơ suy thoái? 

NƯỚC MỸ ĐỐI MẶT VỚI BÃO LẠM PHÁT

Không cần là một chuyên gia kinh tế để hiểu được “sức nóng” của lạm phát. Lạm phát tăng cao có nghĩa là giá cả hàng hóa tăng lên – thêm gánh nặng cho túi tiền của người tiêu dùng. 

Chị ZERN HARTLEY, Người dân Mỹ: “Tôi đến cửa hàng tạp hóa một vài tuần trước, vài củ hành tây nhỏ thôi mà giá lên tới hơn 5 USD. Tôi đã nói với nhân viên thu ngân, hình như có gì nhầm lẫn ở đây, giá vài củ hành tây không thể cao thế này được.”

 Không chỉ giá thực phẩm, mà giá xăng tại Mỹ cũng đạt mức cao kỷ lục 4,59 đô la Mỹ 1 gallon. Theo các chuyên gia, Mỹ đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong 50 năm trở lại đây. 

Anh BILL EDGAR, Người dân Mỹ: “Tôi sống ở Maryland và làm việc tại Virginia. Ở một số nơi, giá xăng đã tăng đến 5 đô la. Khá tốn kém khi đổ đầy bình.”

Bà SARAH HAGEN, Người dân Mỹ: “Những người có thu nhập thấp là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Họ sẽ phải chọn chi tiêu cho thực phẩm hay xăng xe, chi cho cái này nhiều thì chắc chắn cái kia sẽ phải tiêu ít đi.”

Tổng thống Mỹ JOE BIDEN: “Tôi muốn mọi người dân Mỹ biết rằng tôi đang rất chú trọng vấn đề lạm phát. Đó là ưu tiên hàng đầu của tôi. Nguyên nhân đầu tiên của lạm phát là đại dịch Covid-19. Đại dịch khiến cho nền kinh tế toàn cầu của chúng ta phải đóng cửa, gây bất ổn đối với chuỗi cung ứng và nhu cầu về hàng hóa. Những thách thức về nguồn cung này càng trầm trọng hơn bởi sự tấn công của biến thể Delta và Omicron. Và năm nay, chúng ta lại đối mặt với nguyên nhân thứ hai của lạm phát, đó chính là xung đột tại Ukraine. 60% lạm phát trong tháng 3 vừa qua là do giá xăng tăng. Cuộc xung đột cũng khiến giá lương thực tăng cao."

Tồng thống Mỹ Joe Biden nhận định rằng đại dịch COVID-19 và tình hình căng thẳng tại Ukraine là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng lạm phát tại Mỹ. Và không chỉ nước Mỹ, mà Châu Âu cũng là khu vực đang hứng chịu tác động trực tiếp từ những yếu tố này. Tình hình lạm phát tại châu Âu cũng không hề tươi sáng hơn.   

LẠM PHÁT KỶ LỤC TẠI CHÂU ÂU

Tại Anh, tình hình cũng không tươi sáng hơn. Lạm phát đang buộc người dân phải thay đổi để thích ứng. 

Chị CELENA DUBERRY, Đầu bếp: “Tôi phải viết ra những thứ không thực sự cần thiết. Thói quen chi tiêu cũng phải thay đổi. Hai tháng vừa qua thực sự khủng hoảng. Tôi phải kiếm thêm nghề tay trái, và giờ đây đang kiếm thêm một công việc nữa.”

Ông CHOUDHRY AMJAD, Chủ cửa hàng cá: “Chúng tôi không sống nổi nữa. Bạn biết đấy, mọi người không còn khả năng chi trả. Mọi thứ đã tăng giá quá mức, thậm chí là gấp đôi.”

Ông HAMA HENIN, Chủ cửa hàng tạp hóa: “Việc kinh doanh của tôi bị ảnh hưởng ít nhất là 50%. Tiền điện, tiền gas, mọi thứ đều tăng cao, nên giờ đây mọi người chỉ mua những thứ họ thực sự cần.”

Lạm phát tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng đạt mức kỷ lục 7,5% trong tháng 4 vừa qua.  

Ông ALEXANDER KRIWOLUZKY, Viện nghiên cứu Kinh tế Đức: “Giá lương thực tăng mạnh. Nhiều hộ gia đình không có đủ tiền để mua tất cả các loại thực phẩm mà họ muốn.”

Đức: Lạm phát tăng 7,4%. Kỷ lục trong 40 năm

Áo: Lạm phát tăng 7,2%. Kỷ lục trong 41 năm 

Đan Mạch: Lạm phát tăng 6,7%. Kỷ lục trong gần 40 năm

Hy Lạp: Lạm phát tăng 10,2%. Kỷ lục trong 28 năm. Chỉ trong 1 năm, Giá gas tăng 122,6%. Giá điện tăng 88,8%.Giá dầu tăng 65,1%  

Bài toán đặt ra cho các quốc gia trên thế giới hiện nay, đặc biệt là Mỹ và các nước châu Âu, là vừa phải kiềm chế lạm phát, vừa ngăn chặn nguy cơ suy thoái. Và trước tình trạng lạm phát liên tục ghi nhận các mức cao kỷ lục, các ngân hàng trung ương cũng ngay lập tức có những bước đi được đánh giá là chưa từng có.   

 NỖ LỰC HẠ NHIỆT LẠM PHÁT

 Ngày 16/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, lên 0,25-0,5%. Đây là lần đầu tiên Fed tăng lãi suất cơ bản kể từ năm 2018 và là lần điều chỉnh đầu tiên kể từ sau khi dịch COVID-19 bùng phát đầu năm 2020.

Ngày 4/5, FED công bố đợt tăng lãi suất cơ bản thứ hai trong năm 2022 và cũng là đợt tăng lớn nhất kể từ đầu thế kỷ 21 tới nay, với mức tăng 0,5 điểm phần trăm. Lãi suất cho vay áp dụng cho các ngân hàng trên toàn liên bang được nâng từ biên độ 0,25-0,5% lên biên độ 0,75-1%.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn trực tuyến với tờ Thời báo phố Wall ngày 17/5, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED Jerome Powell hứa sẽ tăng lãi suất cho đến khi lạm phát “hạ nhiệt”.

Ông JEROME POWELL, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED): "Nếu việc kiểm soát lạm phát đòi hỏi phải tăng lãi suất vượt quá mức mà mọi người cho là trung tính, chúng tôi sẽ không ngại làm việc đó. Chúng tôi sẽ tăng lãi suất cho tới khi cảm thấy đã đạt tới một trạng thái mà chúng ta có thể nói rằng các điều kiện tài chính đã hợp lý và lạm phát giảm xuống. Sẽ không có bất kỳ một sự ngần ngại nào”

Ngày 5/5, Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 13 năm qua, với mức tăng 0,25 điểm phần trăm lên 1%, để ứng phó với tình trạng lạm phát tăng vọt. Ngân hàng trung ương của các quốc gia trong Liên minh châu Âu cũng đã bắt đầu tăng lãi suất để cố gắng điều tiết đà tăng lạm phát. 

Trong tuyên bố mới nhất, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết ECB có thể sẽ chấm dứt kỷ nguyên lãi suất âm vào tháng 9 tới. Nếu thực thi, đây sẽ là lần đầu ECB nâng lãi suất trong hơn một thập kỷ.

VIỆT NAM ĐỐI MẶT VỚI ÁP LỰC LẠM PHÁT

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Mỹ và EU đều là các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam khó có thể nằm ngoài tầm ảnh hưởng của cơn bão lạm phát toàn cầu.   

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Việt Nam tăng 0,18% so với tháng 3 và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Những nguyên nhân chính là do: Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng theo giá nguyên liệu đầu vào sản xuất; Dịch vụ giáo dục tăng trở lại tại một số địa phương sau thời gian miễn giảm học phí; Giá ăn uống ngoài gia đình và Dịch vụ du lịch tăng theo nhu cầu tiêu dùng.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo chỉ số lạm phát của Việt Nam đạt 3,9% vào cuối năm nay. Trong khi đó, Ngân hàng Standard Chartered đưa ra viễn cảnh lạm phát vượt 4% trong năm 2022 và có thể đạt mức 5,5% vào 2023. 

Để bàn luận thêm về vấn đề này, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có trao đổi với ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam. Theo đó, Giám đốc ADB tại Việt Nam  Andrew Jeffries đã có đánh giá về tình hình lạm phát tại Mỹ và EU và tác động của nó đến nền kinh tế Việt Nam; đưa ra đánh giá của ADB về nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trước sức ép lạm phát toàn cầu; dự báo của ADB về tỷ lệ lạm phát của Việt Nam năm 2022 và 2023 và các khuyến nghị đối với Việt Nam để ứng phó trước áp lực lạm phát toàn cầu và kiềm chế tỷ lệ lạm phát ở mức 4%.

Xin mời quý vị theo dõi chương trình.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam