Nhìn ra thế giới: Ứng phó hạn hán giảm mối đe dọa với nhân loại

Hạn hán là hiện tượng thiên tai tác động tiêu cực đến môi trường, huỷ hoại các loài động thực vật, làm giảm chất lượng không khí, nước, gây cháy rừng, xói lở đất. Các tác động này có thể kéo dài và không khôi phục được. Hạn hán còn tác động đến kinh tế xã hội khiến giảm năng suất cây trồng, giảm diện tích gieo trồng, giảm sản lượng cây trồng, tăng chi phí sản xuất nông nghiệp, giảm thu nhập.

Theo thống kê của Cơ quan Động vật Hoang dã Kenya, 205 con voi, 512 con linh dương đầu bò, 381 con ngựa vằn, 51 con trâu, 49 con ngựa vằn Grevy và 12 con hươu cao cổ có nguy cơ tuyệt chủng đã chết trong vòng 10 tháng qua ở nước này.

Các nhà chức trách Kenya đã kêu gọi một cuộc điều tra khẩn cấp bằng máy bay về động vật hoang dã ở Amboseli để xác định phạm vi ảnh hưởng của hạn hán đối với động vật sống ở đó. Trong khi đó, các chuyên gia cũng đang đề nghị cung cấp khẩn cấp nước và muối ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hạn hán.

Kunri, một thị trấn miền nam Pakistan được mệnh danh là thủ phủ ớt của châu Á. Tuy nhiên thời tiết khắc nghiệt khiến nông dân bị mất mùa. Ông Leman Raj đang đi khắp vườn để thu hoạch những quả ớt còn sót lại. Ở một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp như Pakistan, các điều kiện khí hậu khắc nghiệt đang tác động mạnh đến nền kinh tế nông thôn và đời sống người nông dân. Pakistan xếp thứ tư trên thế giới về sản xuất ớt, với 60.700 ha trang trại sản xuất 143.000 tấn ớt hàng năm. Nông nghiệp là xương sống của nền kinh tế Pakistan, khiến nước này dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán.

Theo Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên hợp quốc, mỗi năm có khoảng 22 triệu người phải rời bỏ quê hương đến nơi khác sinh sống do biến đổi khí hậu gây ra. Tổ chức này cho biết, khi rời bỏ quê hương, những người này trở nên dễ bị tổn thương hơn trước bạo lực, đói kém và bệnh tật. Và với tình hình thời tiết ngày càng khắc nghiệt trên toàn thế giới như hiện nay, số người di cư dự kiến ​​sẽ tăng lên khoảng 143 triệu người vào giữa thế kỷ này.

Hạn hán gây ra những tác hại khôn lường đến con người và hệ sinh thái, từ đó ảnh hưởng lớn đến phát triên kinh tế. Để khắc phục tình trạng này, nhiều quốc gia đã triển khai các biện pháp nhằm dự trữ và tiết kiệm nước.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Hà Thu