Nhìn ra thế giới: Thế giới chung tay vì một hệ sinh thái đa dạng và bền vững

Theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, từ năm 1990 đến nay, khoảng 420 triệu ha rừng bị mất do chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Hơn 1 triệu loài động vật, thực vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, 75% diện tích mặt đất và 66% diện tích đại dương thay đổi. Thực trạng đa dạng sinh học suy thoái nghiêm trọng, đặt ra yêu cầu cấp bách cần có những chính sách chung và giải pháp phù hợp.

TRUNG QUỐC VỚI CAM KẾT BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC

Trung Quốc là một trong 17 quốc gia có thiên nhiên đa dạng của Liên hợp quốc.Tuy nhiên, theo thời gian, sự du nhập của các loài động thực vật ngoại lai, đô thị hóa, phá rừng, biến đổi khí hậu và thiếu biện pháp bảo vệ hiệu quả đã đẩy nguy cơ tuyệt chủng của các loài động vật và thực vật lên trên mức trung bình toàn cầu.

Đây cũng là lý do vì sao vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong bài phát biểu tại một phiên họp trực tuyến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2022 từ Thủ đô Bắc Kinh. 

Chủ tịch Trung Quốc TẬP CẬN BÌNH: “Trung Quốc sẽ tiếp tục cam kết thúc đẩy bảo tồn hệ sinh thái. Như tôi đã nói nhiều lần, chúng ta không bao giờ nên phát triển kinh tế với cái giá là cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường, nhưng cũng không hy sinh tăng trưởng để bảo vệ môi trường. Chúng tôi làm mọi cách để bảo tồn hệ thống sinh thái, tăng cường ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm, cải thiện môi trường sống và làm việc cho người dân."

Trước đó, tháng 10/2021, tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học (COP15) diễn ra ở Côn Minh, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát động thành lập quỹ bảo tồn sinh học cho các quốc gia đang phát triển.

Chủ tịch Trung Quốc TẬP CẬN BÌNH: “Trung Quốc hiện đang xây dựng hệ thống công viên quốc gia lớn nhất thế giới. Năm 2021, chúng tôi cũng đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị COP15, với những đóng góp của Trung Quốc cho một thế giới sạch, đẹp hơn.”

Một ví dụ tiêu biểu cho cam kết của chính quyền Trung Quốc trong việc bảo tồn đa dạng sinh học là lệnh cấm đánh bắt cá trên sông Dương Tử. Ngày 1/1/2021, chính quyền Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đánh bắt kéo dài 10 năm trên con sông dài nhất châu Á này nhằm mục tiêu bổ sung trữ lượng cá và bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Kể từ đó đến nay, sự đa dạng của các loài cá đặc hữu trên sông Chishui, một nhánh của sông Dương Tử, đã cải thiện đáng kể, và trữ lượng tài nguyên sinh vật cũng đã tăng gấp đôi so với trước khi lệnh cấm được ban hành.

Ông YAO WEIZHI - Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học vùng Thượng lưu sông Dương Tử, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc: “Nhóm của tôi đã phát hiện được 3 con cá tầm trong một chiếc lưới đặt tại Triều Thiên Môn, Trùng Khánh nhằm mục đích theo dõi tài nguyên sinh vật. Hiện tượng này trước đây hầu như không thể xảy ra, nên lệnh cấm đánh bắt chắc chắn đã có tác dụng.”

Theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, các tàu an ninh đã thực hiện tổng cộng 159.000 cuộc tuần tra trong năm 2021, xoá bỏ 9.140 tàu đánh cá bất hợp pháp và 27,5 triệu lưới đánh bắt bất hợp pháp. 

Ông MA YI - Văn phòng Quản lý sông Dương Tử, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc: “Chúng tôi đã truy quét khoảng 12.000 trường hợp đánh bắt cá trái phép, trung bình khoảng 1.000 vụ/tháng. Số trường hợp trong nửa cuối năm 2021 đã giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2020. Hơn 400 vụ đã được đưa ra xét xử, giảm hơn 45% so với năm trước.”

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn nước này cùng các ban ngành liên quan sẽ trang bị thêm cho các tàu an ninh thực hiện nhiệm vụ tuần tra, cũng như vận động người dân địa phương cung cấp manh mối về các vụ đánh bắt trái phép và đặt ra các chế độ khen thưởng xứng đáng. 

Bên cạnh các biện pháp bảo vệ cứng rắn, chính phủ Trung Quốc cũng tận dụng các hoạt động du lịch sinh thái, vừa hỗ trợ sinh kế cho người dân lại vừa có thể bảo tồn được môi trường tự nhiên và các loài động vật. Trong đó, phải kể đến là hoạt động ngắm chim di cư tại hồ Bà Dương, tỉnh Giang Tây, phía đông Trung Quốc.

Khách du lịch khi tới đây đều sẽ được ghép theo đoàn và được người dân địa phương hướng dẫn cụ thể. Khung cảnh này hoàn toàn khác so với thời điểm cách đây vài năm, khi những đoàn chim di cư này lại là nhân tố gây ảnh hưởng tới cuộc sống và kinh tế của người dân địa phương.

Ông JIANG LIANGQING - Người dân địa phương: “Trước đây, các loài chim di cư hay tới đây và phá hỏng các ruộng lúa của chúng tôi. Chúng tôi cũng không thể thu hoạch khi lúa chưa đến độ chín. Do vậy, chúng tôi thường sử dụng pháo hoa và tạo ra các tiếng ồn lớn để đuổi chúng đi.”

Tình trạng này cuối cùng cũng chấm dứt khi chính quyền địa phương quyết định phân chia các khu vực cho người dân và chim di cư, trong đó khoảng 66 ha đất cho người nông dân trồng trọt. Bên cạnh đó, sau khi quy định về bảo vệ chim di cư của tỉnh bắt đầu có hiệu lực từ năm 2022, huyện Yugan cũng đã thành lập một nhóm gồm các quan chức, cảnh sát và tình nguyện viên để tiến hành các cuộc tuần tra hàng ngày nhằm đảm bảo an toàn cho các loài chim.

Ông SHENG ZHIPING - Cảnh sát huyện Yugan, tỉnh Giang Tây: “Tại hồ Ba Dương, chúng tôi đã thiết lập 6 chốt bảo vệ và có 3 người canh gác tại mỗi điểm. Mỗi ngày, chúng tôi sẽ thực hiện 4-5 lần tuần tra, mỗi lần kéo dài khoảng 2-3 tiếng.”

Khi số lượng chim di cư tăng lên, số lượng khách du lịch tới đây ngắm cảnh cũng tăng theo, từ đó mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân kinh doanh homestay tại địa phương.

Bà FAN HONGMEI - Chủ Homestay địa phương: “Ở đây chúng tôi có danh sách khách du lịch đã đặt chỗ trước. Bạn có thể thấy họ đến từ Vân Nam, Thượng Hải, An Huy, Chiết Giang, … Họ lựa chọn nơi đây vì nó khá đẹp và có nhiều loài chim di cư. Chúng tôi thật sự rất vui vì ở độ tuổi này còn có thể kiếm thêm thu nhập.”

Chính sách bảo tồn đa dạng sinh học mới kết hợp giữa ý chí chính trị, việc triển khai lao động và áp dụng công nghệ có thể trở thành một mô hình cho các khu bảo tồn thiên nhiên khác ở Trung Quốc và tạo ra một hành lang hiệu quả cho môi trường tự nhiên.

CẦU VƯỢT HOANG DÃ - GIẢI PHÁP BẢO VỆ ĐỘNG VẬT SỐNG GẦN CAO TỐC

Lilu là một con báo sư tử nặng 37 kg. Đã đến lúc phải thay pin cho chiếc vòng cổ GPS của Lilu. Sau khi ngấm thuốc an thần, nhóm nghiên cứu đã có thể đổi chiếc vòng cổ của Lilu, kiểm tra tình trạng sức khoẻ và tiêm cho nó một loại thuốc để nó có thể thức dậy.

Lilu là một trong những con báo sư tử nằm trong dự án bảo tồn mang tên Olympic Cougar, một dự án hợp tác giữa liên minh các bộ lạc thổ dân châu Mỹ, chuyên gia báo sư tử và Bộ Giao thông Vận tải bang Washington. Dự án Olympic Cougar được triển khai nhằm mục đích nghiên cứu thói quen và đời sống của loài báo sư tử sống gần đường cao tốc, từ đó tạo ra các “wildlife crossing”, tạm dịch là “cầu vượt hoang dã” để chúng có thể cải thiện môi trường sống và tránh được những tai nạn trên đường cao tốc không đáng có.

Ông MARK ELBROCH - Chuyên gia về Báo sư tử thuộc Dự án Olympic Cougar: “Báo sư tử có rất nhiều mối liên hệ với các loài động vật, thực vật và côn trùng, tức là có liên hệ với tất cả các thành phần trong hệ sinh thái. Chúng làm phong phú hệ sinh thái, giúp các dưỡng chất và các dòng năng lượng di chuyển liên tục. Nhưng nó cũng đóng vai trò duy trì và củng cố hệ sinh thái trở nên khoẻ hơn.”

Các nhà sinh vật học cho biết, những con báo sư tử trên Bán đảo Olympic có sự đa dạng di truyền thấp hơn so với phần còn lại của bang Washington do môi trường sống của chúng bị xa lộ Liên tiểu bang I-5 bao quanh, từ đó bị cắt đứt khỏi các đối tác sinh sản tự nhiên ở vùng núi Cascade.

Ông GLEN KALISZ - Nhà sinh vật học, Bộ Giao thông vận tải bang Washington: “Xa lộ Liên tiểu bang I-5 là một rào cản đối với loài báo sư tử hay bất kỳ loài động vật hoang dã nào và chúng ta cần phải làm gì đó để giải quyết điều này. Hiện chúng tôi vẫn đang ở trong giai đoạn thu thập thông tin. Chúng tôi cần thu thập từ camera, từ vòng cổ GPS của dự án Olympic Cougar. Và sau đó, họ sẽ phân tích và cho ra kết quả về nhu cầu kết nối trên I-5. Nhưng theo tôi, để có thể xây dựng cấu trúc “cầu vượt hoang dã” đạt hiệu quả, vẫn còn cần thêm rất nhiều thời gian nữa.”

“Cầu vượt hoang dã” là một phương pháp được sử dụng nhiều trong việc bảo tồn môi trường sống của các loài động vật. Nó có thể hiểu là những cây cầu cắt ngang đường, được thiết kế sao cho giống một con đường trong tự nhiên nhất để giúp các loài vật băng qua đường một cách thoải mái và an toàn. 

Ông GLEN KALISZ - Nhà sinh vật học, Bộ Giao thông vận tải bang Washington:Nếu được xây dựng hiệu quả, các cấu trúc “Cầu vượt hoang dã” mang lại nhiều lợi ích trong việc kết nối môi trường sống, tại những nơi mà các loài động vật hoang dã di chuyển nhiều.”

Tham gia vào dự án Olympic Cougar còn có đại diện đến từ các bộ lạc thổ dân châu Mỹ. Họ đóng vai trò là những chuyên gia cố vấn kiến thức về các loài động vật hoang dã và môi trường sống.

Dù lớn hay nhỏ, những công trình vượt đường này đã chứng minh được hiệu quả cực cao trong thực tế. Theo Bộ giao thông vận tải Colorado, Mỹ, từ khi xây dựng 2 cây cầu và 5 đường hầm hoang dã trên các tuyến đường nguy hiểm, tỉ lệ va chạm đã giảm tới 87%. Tại nhiều quốc gia, công trình cắt đường cho động vật hoang dã là một phần bắt buộc khi xây dựng đường cao tốc, bởi nó cho thấy con người và động vật hoàn toàn có thể chung sống với nhau.

KHÔI PHỤC VÀ BẢO TỒN SAN HÔ - VÌ MỘT ĐẠI DƯƠNG XANH

Đại dương là một nhân tố quan trọng trong cuộc sống trên hành tinh của chúng ta và yếu tố chính giúp hệ sinh thái biển bền vững chính là san hô. Các san hô đá liên kết với nhau tạo một bộ xương canxi carbonate, hay còn gọi là bộ xương đá vôi. Sau nhiều năm, những bộ xương này sẽ tạo thành các rạn san hô. Một rạn san hô có thể hỗ trợ sự sống cho hơn 90.000 loài sinh vật biển. 

San hô là một loài động vật, và chúng có liên hệ với loài hải quỳ. Chúng có mối quan hệ cộng sinh với tảo, hấp thụ CO2 và thải ra khí oxy, giúp làm sạch nguồn nước. Khi san hô chết đi, chúng có màu trắng. 75% san hô trên thế giới đang ở trong tình trạng nguy hiểm. 

Người thanh niên này là một nhân viên cứu hộ trên biển. Anh đã cam kết sẽ bảo tồn san hô tại tất cả các vùng biển ngoài khơi Nhật Bản. Anh ấy tên là Kishi Daigo. Anh Kishi đã nghiên cứu về san hô kể từ khi anh còn đang học đại học. 

Anh KISHI DAIGO: “San hô khoẻ mạnh sẽ giúp đại dương trong và sạch hơn, và các rạn san hô sẽ giúp phát triển một hệ sinh thái phong phú và đa dạng hơn.”

Thành phố Nichinan nằm trên bờ biển Thái Bình Dương của đảo Kyushu, thành phố Miyazaki. Anh Kishi có kế hoạch nuôi trồng san hô trên vùng biển này. Bờ biển Nichinan là nơi sinh sống của hơn 120 loài san hô, bao gồm cả rất nhiều loài san hô mềm. Rất hiếm khi có thể tìm được san hô mềm và san hô cứng ở cùng nhau, trên cùng một rạn như vậy. Nhưng vì sao các loài san hô khác nhau này lại có thể cùng tồn tại ở vùng biển này? Câu trả lời có thể sẽ là chìa khoá cho vấn đề tái tạo san hô. 

Công việc của anh Kishi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ phía địa phương. Một trong những người giúp đỡ anh nhiều nhất là Giáo sư Fukami Hironobu ở Đại học Miyazaki. Ông là một nhà nghiên cứu lâu năm về san hô ở bờ biển này. 

Ông FUKAMI HIRONOBU - Giáo sư, Khoa Sinh vật biển và Khoa học Môi trường, Trường Đại học Miyazaki: “Các san hô đá như thế này rất cứng và sống rất lâu. Còn các loài có họ hàng với chúng thì yếu hơn nhưng chúng lớn rất nhanh, do vậy sử dụng chúng để nuôi trồng là hoàn toàn lý tưởng.”

Anh KISHI DAIGO: “Tôi hy vọng có thể hợp tác với Giáo sư Fukami trong việc tái tạo lại hệ sinh thái san hô.”

Lần đầu tiên Kishi quyết định theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu về san hô là khi anh đang học tại Fiji. Ở thời điểm đó, khi tham gia vào dự án bảo tồn cá mập, anh đã hoàn toàn bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp của những rạn san hô dưới biển. 

Anh KISHI DAIGO: “Tôi nhận ra việc bảo vệ các loài cá mập chỉ là một phần của một bức tranh tổng thể mà thôi. Chúng ta cần phải bảo vệ toàn bộ đại dương. Nghĩ về việc tôi có thể đóng góp sức mình như thế nào, tôi đã quyết định theo đuổi nghiên cứu về san hô.”

Liên quan đến dự án nuôi trồng san hô, anh Kishi cần phải thu thập càng nhiều thông tin càng tốt. Trợ giúp anh trong quá trình khảo sát thông tin là ông Fukuda Michiyoshi, người đã dành hơn 20 năm dọn sạch sao biển khỏi các rạn san hô. 

Ông FUKUDA MICHIYOSHI - Người hướng dẫn lặn: “Có vẻ như việc nuôi trồng san hô sẽ là chìa khoá cho vấn đề tái tạo các rạn san hô lớn.”

Anh Kishi thường xuyên kiểm tra tình trạng của các rạn san hô ở đây. Anh đã tìm thấy một số san hô trắng.

Anh KISHI DAIGO: “Từ màu sắc, tôi có thể khẳng định san hô này chỉ mới chết cách đây vài ngày.”

Một chủ nhà hàng địa phương cũng đang hỗ trợ anh Kishi có địa điểm để nuôi trồng san hô. 

Anh TANIGAWA YOSHIYUKI: “Tham gia vào cuộc nghiên cứu này cũng giúp ích cho tôi rất nhiều. Trồng san hô trong các bể nuôi cá sẽ giúp làm sạch nước, có lợi cho những loại cá mà chúng tôi có tại đây.”

Bãi biển này là nơi anh Kishi làm việc như một nhân viên cứu hộ trên biển. Anh mong muốn có thể ghép san hô nuôi cấy vào với san hô dưới biển để mở rộng và bảo tồn các rạn san hô. 

Anh KISHI DAIGO: “Có rất nhiều người ngỏ lời muốn giúp tôi. Tôi sẽ dành cả cuộc đời mình để thực hiện dự án này, và tôi đang cố gắng để xây dựng một nền tảng vững chắc cho các thế hệ sau này có thể tiếp tục.”

Và đó là niềm đam mê của một người trẻ, một người muốn mang lại sự sống cho những rạn san hô ngoài khơi bờ biển Nhật Bản. 

HƠN 700 TRIỆU USD GIÚP BẢO TỒN RẠN SAN HÔ GREAT BARRIER

Great Barrier là hệ thống rạn san hô lớn nhất thế giới, với hơn 2.900 rạn san hô riêng rẽ và 900 hòn đảo trải dài trên 2.300 km, với tổng diện tích 344.400 km2. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học cho thấy, tình trạng san hô bị tẩy trắng đã ảnh hưởng đến 98% rạn san hô Great Barrier từ năm 1998, chỉ còn một phần nhỏ không bị ảnh hưởng.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Australia đang nỗ lực triển khai các biện pháp với hy vọng ngăn chặn nguy cơ quần thể san hô rộng lớn này bị xóa tên khỏi danh sách Di sản Thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO).

Thủ tướng Australia SCOTT MORRISON: “Chúng tôi đã đầu tư hàng tỷ AUD để bảo vệ rạn san hô và chúng tôi tiếp tục cam kết đầu tư đầu tư hơn 703 triệu đô la Mỹ trong 9 năm tới để chăm sóc cho rạn san hô Great Barrier. Chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau để cải thiện chất lượng nước, triển khai hệ thống giám sát tại quần thể và chống các loài xâm lấn. Chúng tôi ủng hộ bảo vệ rạn san hô và tương lai kinh tế của các hãng du lịch, các nhà cung cấp dịch vụ khách sạn và các cộng đồng dân cư ở Queensland vốn rất gắn bó với nền kinh tế san hô”.

Tiến sỹ JODIE RUMMER - Đại học James Cook: “Vấn đề biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với rạn san hô Great Barrier. Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu, làm khoa học và hướng tới bảo tồn rạn san hô này. Tất cả những nỗ lực này đều hướng tới việc cải thiện chất lượng nước, khắc phục tình trạng xói mòn, ngăn chặn xâm lấn… Tuy nhiên, những giải pháp này sẽ không thật sự phát huy tối đa hiệu quả nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề chính mà rạn san hô đang phải đối mặt - đó là sự nóng lên đang xảy ra và vấn đề biến đổi khí hậu.”

Trước đó, khi UNESCO cảnh báo về tình trạng của Di sản Thế giới này vào năm 2015, Australia đã lập một kế hoạch mang tên "San hô 2050" và chi hàng tỷ AUD để bảo vệ quần thể thiên nhiên này. Các biện pháp này được cho là đã giúp làm chậm đà xuống cấp của rạn san hô nhưng nhiều phần trong quần thể này đã bị hư hại.

Đỗ Lê Ngọc Anh