Nhìn ra thế giới: Những người phụ nữ mang điện mặt trời về cho các bản làng nghèo

Tại Zanzibar, một khu vực của Tanzania, một nửa dân số sống dưới mức nghèo đói. Số phụ nữ không được đi học gấp đôi nam giới. Nhiều gia đình nghèo ở vùng nông thôn phải sống trong tình cảnh thiếu điện. Để khắc phục thực trạng này, một chương trình đào tạo kỹ sư năng lượng mặt trời dành riêng cho những phụ nữ trong độ tuổi từ 35-55 đã được thành lập.

Dự án nhằm giải quyết vấn đề thực tế là phụ nữ ít có khả năng rời khỏi làng quê do nghèo đói và phải chăm lo gia đình, đồng thời trao quyền cho phụ nữ bằng cách cung cấp cho họ việc làm với mức lương cao.

Chị AISHA ALI KHATIB, học viên: “Tôi thường xuyên tập thể dục để rèn luyện sức khỏe. Điều này cũng giúp mọi người thêm hiểu nhau. Chúng ta đến từ những nơi khác nhau, nhưng khi chúng tôi gặp nhau tại đây, chúng tôi sẽ hiểu nhau hơn.”

Chị SALAMA HUSEIN HAJA, học viên: “Tôi vốn là một nông dân, trồng rau. Tôi làm công việc này từ khi 18 tuổi, nhưng tôi đã tạm gác lại công việc đó để đến đây. Tôi đến đây để tìm hiểu về kỹ thuật năng lượng mặt trời.”

MANG ÁNH SÁNG TỚI BẢN LÀNG NGHÈO

Chị SALAMA HUSEIN HAJA, học viên: “Ở đây, điện là một thứ rất xa xỉ. Rất khó để có thể được sử dụng điện. Khi chúng tôi muốn sạc điện thoại, chúng tôi phải đi rất xa. Không có điện, chúng tôi không thể làm những việc như dạy dỗ con cái. Chúng tôi buộc phải thắp đèn dầu nhưng nó nhả khói độc ảnh hưởng tới mắt và phổi.”

Zanzibar là một quần đảo ngoài khơi Tanzania. Một nửa dân số tại đây sống dưới mức nghèo. 

Ông MAULID SHRAZ HASSAN, Công ty điện Zanzibar: “Tại Zanzibar, sẽ còn rất nhiều việc cần phải làm để có thể mang điện đến cho tất cả người dân. Chỉ có 53% hộ gia đình tại đây được tiếp cận với lưới điện. 47% còn lại vẫn chưa có điện. Bên cạnh đó, Zanzibar hoàn toàn phụ thuộc vào mạng lưới điện từ đất liền. Năm 2009, hệ thống cáp điện ngầm đã bị hư hại. Do đó, vào năm 2010, chúng tôi phải sống trong tình cảnh không có điện suốt 3 tháng trời. Chính vì điều này, chúng tôi bắt đầu nghĩ đến việc làm thế nào để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn điện từ đất liền. Và giải pháp lý tưởng nhất chính là khai thác nguồn năng lượng tái tạo.”

Chị AISHA ALI KHATIB, học viên: “Khi bạn sử dụng năng lượng mặt trời, bạn có thể tiết kiệm được tiền mua dầu hỏa. Một muỗng dầu hỏa để thắp đèn có giá 200 shilling (0,09 USD), số tiền mà tôi không thể kiếm nổi trong hai ngày làm việc. Đó là lý do tại sao chúng tôi quyết định tới ngôi trường này để tìm hiểu về năng lượng mặt trời. Tôi đến đây để học tập.”

Chị PENDO FAVDI, Điều phối viên trường Barefoot: “Barefoot (Trường đào tạo kỹ sư năng lượng mặt trời Barefoot, tại làng Kinyasini, Zanzibar - PV) là một ngôi trường được lập ra để trao quyền cho phụ nữ. Chúng tôi hiện có mặt ở 92 quốc gia, nhưng tại Đông Phi, chúng tôi chỉ có một chi nhánh duy nhất ở Zanzibar.

Trường của chúng tôi tiếp nhận các học viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau chẳng hạn như vùng đất liền của Tanzania, Kenya, Uganda và Malawi. Khi theo học tại đây, các học viên sẽ ở lại đây 5 tháng và không về nhà. Họ được dạy những kiến thức về năng lượng mặt trời, để có thể trở thành các kỹ sư năng lượng mặt trời thực thụ". 

Một giảng viên: “Đây là pin và kia là một tấm pin mặt trời. Đây là một hệ thống thắp sáng dành cho các hộ gia đình. Khi lắp đặt hệ thống này tại nhà, bạn phải cần đến những cái dây này. Bạn cần phải uốn thẳng sợi dây này. Các bạn đã nhìn thấy loại dây này bao giờ chưa? Như thế này đã ổn chưa?”.

Chị FATIMA JUMA HAJI, chuyên gia đào tạo kỹ sư năng lượng mặt trời: "Tại trường, một số học viên nói tiếng địa phương Bantu, một số học viên lại nghe hiểu tiếng Anh. Vì vậy, khi giảng dạy, tôi nói cả 2 thứ tiếng: tiếng Bantu và cả tiếng Anh. 

Trong cuộc sống, điều quan trọng nhất mà bạn có thể làm là mang ánh sáng đến cho những bản làng không có điện. Tôi quản lý toàn bộ ngôi trường và coi sóc mọi thứ. Tôi rất yêu thích công việc này bởi vì tôi có thể giáo dục người dân tại đây." 

Chị PENDO FAVDI, điều phối viên Trường Barefoot: "Các ngôi làng cần phải đáp ứng các điều kiện của chúng tôi trước khi được chúng tôi lựa chọn. Đó phải là những ngôi làng cách xa đường quốc lộ. Ngoài ra, ngôi làng đó phải có hơn 100 hộ gia đình. Các hộ gia đình chỉ phải trả 3 USD một tháng tiền điện. Một phần tiền được trích ra để trả lương cho kỹ sư, đổi lấy việc người này sẽ bảo trì thiết bị. Tiền gây quỹ cũng có thể được sử dụng vào các dự án cộng đồng. Tính đến nay, chúng tôi mới chỉ có 8 ngôi làng được sử dụng năng lượng mặt trời. Còn rất nhiều ngôi làng khác cần sự hỗ trợ của chúng tôi."

Chị FATIMA JUMA HAJI, chuyên gia đào tạo kỹ sư năng lượng mặt trời: “Người dân tại các ngôi làng tham gia dự án phải đề cử hai phụ nữ trong độ tuổi 35-55 tham gia khóa đào tạo kỹ sư năng lượng mặt trời. Họ phải là người có khả năng lãnh đạo và truyền đạt lại kiến thức đến cho người dân trong làng. Chúng tôi yêu cầu những phụ nữ từ 35 tuổi trở lên, bởi vì họ là những người đã kết hôn và muốn gắn bó sâu sắc với cuộc sống thôn quê. Đó là mục đích của chúng tôi.”

Chị SALAMA HUSEIN HAJA, học viên: “Chúng tôi là những người được dân làng đề cử. Họ cử chúng tôi đi học không chỉ bởi vì yêu mến chúng tôi mà còn bởi vì họ biết, điều đó sẽ giúp ích cho cuộc sống của dân làng. Tại trường, tôi được tìm hiểu nhiều kiến thức bổ ích. Mặc dù khá khó nhưng tôi cũng dần hiểu được. Cuộc sống tại trường rất tốt. Thông thường ở nhà, vào mỗi buổi sáng khi thức dậy, tôi phải xách nước để tưới rau. Đó là công việc hàng ngày của tôi. Nhưng khi đến đây, chúng tôi có cơ hội được nghỉ ngơi một chút. Thật vậy đó. Tôi là mẹ đơn thân nên tôi phải xoay xở đủ nghề để nuôi nấng các con."

Chị AISHA ALI KHATIB, học viên: “Tôi đến từ Pemba. Tôi đi thuyền 12 tiếng mới đến được đây. Chúa đã mang tới cho tôi 10 người con, nhưng 1 bé đã qua đời, giờ tôi còn 9 người con. Để chăm sóc 9 đứa nhỏ là điều không hề dễ dàng đối với một người phụ nữ. Họ đến các ngôi làng để tìm kiếm học viên và người dân trong làng đã quyết định cử tôi và một người nữa tới đây để học về năng lượng mặt trời. Tôi nói với họ rằng tôi không thể xa gia đình trong 5 tháng. Nhưng mọi người vẫn động viên tôi nên đi học. Họ đã chốt danh sách. Khi thấy mọi người tin tưởng mình như vậy, tôi không muốn khiến dân làng thất vọng. Vì vậy, tôi đã quyết định tới đây.” 

Bà MAUDLINE CASTICO, Bộ trưởng Trao quyền Phúc lợi xã hội cho phụ nữ trẻ và trẻ em: “Đào tạo một người phụ nữ là bạn đang đào tạo cả một gia đình. Chồng con họ được hưởng lợi, người thân trong gia đình được hưởng lợi và hàng xóm xung quanh họ cũng đều được hưởng lợi.

Trở thành một kĩ sư không phải là một lời nói đùa. Nếu một người đàn ông nhận được khóa đào tạo này, họ có thể sẽ chuyển đến nơi khác. Họ có thể sẽ bắt đầu cuộc sống mới và kinh doanh ở một nơi khác. Nhưng khi những người phụ nữ hoàn thành khóa học này, có ai rời bỏ quê hương không? Có ai rời đi không?

Chính phủ Tanzania chi trả mọi chi phí. Đó là một sự hỗ trợ dành cho những nơi mà chúng tôi chưa thể cung cấp điện cho người dân. Tôi biết chi phí khá đắt đỏ, nhưng nếu chúng ta chỉ nghĩ đến chi phí, thì chúng ta không thể giúp đỡ người dân được. 

Có một điều may mắn là, tại Tanzania chúng tôi có rất nhiều nắng, mỗi ngày chúng tôi có tới 12 giờ nắng." 

Chị FATIMA JUMA HAJI, chuyên gia đào tạo kỹ sư năng lượng mặt trời: “Điều khó nhất là phải ứng dụng những gì chúng tôi đã được dạy về năng lượng mặt trời. Chúng tôi phải thực hành những gì đã được dạy.”

Chị AMINA SALAEH SHAMATA, chuyên gia đào tạo kỹ sư năng lượng mặt trời: “Tôi học cách mắc bóng đèn và ổ sạc với nhau. Chúng tôi học cách lắp đặt. Tôi dạy các học viên của mình và cùng lắp đặt các thiết bị trong nhà.”

Chị AISHA ALI KHATIB, học viên: “Tôi tạm thời rời xa gia đình và con cái để đến đây học. Tại đây, mọi thứ đều ổn, chỉ là thi thoảng tôi cảm thấy nhớ nhà. Khi các con hỏi tôi có ổn không, tôi bảo rằng mẹ ổn. Tôi chỉ lo cho mẹ tôi vì bà đã cao tuổi rồi. Khi gọi điện về nhà, tôi muốn nghe giọng của mẹ mình. Hỏi xem tình hình sức khỏe của bà ra sao. Khi biết được bà vẫn khỏe, tôi sẽ hỏi thăm lũ trẻ. Sau đó, tôi sẽ trò chuyện với từng đứa. Tôi cảm thấy rất vui khi mọi người ở nhà đều khỏe. tôi cảm thấy như mình đang ở nhà vậy".

Chị AMINA SALAEH SHAMATA, chuyên gia đào tạo kỹ sư năng lượng mặt trời: “Tôi rất vui vì tôi có thể giúp đỡ mọi người trong làng và tôi cũng được hưởng lợi. Họ được hưởng lợi và tôi cũng vậy tại chính ngôi làng của mình.”

Một người dân cho hay: Khi gặp vấn đề gì, chúng tôi đều gọi cho cô ấy. Cô ấy có mặt ngay, thậm chí cả nửa đêm. Thi thoảng đèn không sáng, chúng tôi đều gọi cho cô ấy, cô ấy sẽ sửa chữa giúp chúng tôi. 

Một người dân khác: Thi thoảng pin không hoạt động, không có điện, chúng tôi cũng gọi cô ấy đến sửa. Thi thoảng lũ trẻ nấu nướng mà người lớn không có ở nhà, rất dễ gây ra cháy nhà. Khi ngủ, đèn dầu cũng rất có thể gây cháy. Nhưng giờ thì mọi thứ an toàn hơn, chúng tôi cảm thấy rất mừng". 

Chị PENDO FAVDI, Điều phối viên trường Barefoot: “Đây thực sự là việc làm giúp trao quyền cho phụ nữ. Bởi vì bạn đang lựa chọn những người phụ nữ, mà họ thậm chí còn chưa từng rời khỏi ngôi làng của mình. Nhưng họ sẵn sàng vượt mọi khó khăn để đến học tại ngôi trường này. Rồi sau 5 tháng học tập, họ có thể trở thành những kỹ sư năng lượng mặt trời thực thụ. Sau đó, họ quay trở lại làng và mang điện về cho quê hương mình. Điều đó thực sự rất đáng trân quý.”

Bà MAUDLINE CASTICO, Bộ trưởng Trao quyền Phúc lợi xã hội cho phụ nữ trẻ và trẻ em: “Tôi thực sự mong muốn mọi người hãy thay đổi tư duy. Thậm chí vẫn có những ông chồng còn chia sẻ rằng: “Khi vợ tôi muốn đến trường học, tôi rất băn khoăn”. Nhưng khi các bà vợ học xong trở về, họ lại mang về rất nhiều lợi ích.”

Chị SALAMA HUSEIN HAJA, học viên: “Đối với chúng tôi, phụ nữ là những người nghèo, nhưng giờ đây chúng tôi đã được trao quyền, chúng tôi được hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bởi vì, ở đây, phụ nữ thường không được coi trọng, nhưng chúng tôi muốn có cơ hội để vươn lên và có quyền bình đẳng. Tôi vốn là người không có tiếng nói trong làng, nhưng khi hoàn thành khóa đào tạo kỹ sự và quay trở về làng, tôi sẽ có tiếng nói và địa vị. Tôi có tri thức và sẽ tự hào về bản thân mình.”

Chị AISHA ALI KHATIB, học viên: “Tôi là một phụ nữ hồi giáo, tôn giáo của tôi không ngăn cản một người phụ nữ có khát khao nâng cao chất lượng cuộc sống của mình. Tôi sẽ trở thành một kĩ sư làm việc cho chính ngôi làng của mình. Một người mang năng lượng mặt trời đến cho dân làng.”

Đinh Giang