Nhìn ra thế giới: Hạn hán khắc nghiệt - Mối đe dọa cho toàn cầu

Biến đổi khí hậu mà biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng đã tạo nên các hiện tượng thời tiết cực đoan. Hạn hán làm cạn kiệt nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền nông nghiệp của nhiều quốc gia. Hậu quả là sản lượng và nguồn cung cấp lương thực bị đe dọa, một lượng lớn dân số trên trái đất đang và sẽ chịu cảnh đòi nghèo.

HẠN HÁN HOÀNH HÀNH TẠI CHÂU MỸ

Tác động từ biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ tăng cao, đi kèm vời tình trạng hạn hán kéo dài đang hoành hành tại California, Mỹ.

Những bãi cỏ tươi tốt, những khu vườn phủ đầy cây xanh – có thể sẽ trở thành dĩ vãng tại Nam California, khi các lệnh hạn chế được ban hành để đối phó với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng tại đây. Mặc dù là bang đông dân nhất của nước Mỹ - quốc gia có nhiều nguồn nước khác nhau, nhưng Dự án Nước của bang California đang dần cạn kiệt.

Ông ADEL HAGEKHALIL - Tổng giám đốc Công ty cấp nước đô thị của Nam California: "Chúng tôi không nghĩ rằng chúng tôi có đủ nguồn cung cấp nước để duy trì trong năm tới. vì vậy, chúng tôi cần phải hành động ngay bây giờ. Đó là trường hợp khẩn cấp. Cần phải hành động ngay bây giờ để thực sự có nước để sinh hoạt, để uống và vì sức khỏe và sự an toàn của chúng ta. Vì vậy, đây là một cuộc khủng hoảng. Đây là điều chưa từng có và chúng ta cần phải làm gì đó ngay bây giờ.”

California hiện đã trải qua năm hạn hán thứ 3 và các nhà khoa học cho rằng xu hướng có liên quan đến biến đổi khí hậu. Tình trạng buộc tiểu bang phải ban hành các hạn chế chưa từng có đối với hàng triệu cư dân. Ước tính, khoảng 6 triệu cư dân, hàng chục thành phố và quận ở Nam California sẽ bị ảnh hưởng, khi các lệnh hạn chế sử dụng nước có hiệu lực vào ngày 1/6/2022. Theo đó, cấm người dân tưới cỏ và cây nhiều hơn một ngày mỗi tuần.

Ông ADEL HAGEKHALIL - Tổng giám đốc Công ty cấp nước đô thị của Nam California: "Điều đầu tiên mà tôi muốn nói với mọi người là tắt vòi phun nước và nếu cần, thì hãy chỉ bật chúng một ngày một tuần, hãy làm điều đó. Điều thứ hai là đi kiểm tra các thiết bị trong gia đình. Xem có vòi nước nào bị rò rỉ không? Đã đến lúc sửa. Các bạn cũng hãy tiết kiệm nước ngay khi giặt giũ quần áo.”

Công ty cấp nước đô thị Nam California cho biết, các khu vực sử dụng Dự án Nước của bang cần phải giảm mức sử dụng xuống 35% để đảm bảo nguồn cung cấp nước được duy trì. Tình trạng thiếu nước chủ yếu xuất phát từ việc thiếu tuyết ở vùng núi Sierra Nevada ở Bắc California, nơi cung cấp cho Dự án Nước của Bang. Trong khi đó, ở phần phía nam của bang, nơi những tháng đầu năm 2022 vừa trở thành khoảng thời gian khô hạn nhất trong lịch sử, nhiệt độ trung bình tiếp tục tăng với tốc độ nhanh hơn các khu vực khác của đất nước.

Ông ADEL HAGEKHALIL - Tổng giám đốc Công ty cấp nước đô thị của Nam California: "Băng tuyết đã giảm từ 165% bình thường vào tháng 12 xuống 35% bình thường vào tháng 4. Không có tuyết để tan và đó là sự thay đổi của khí hậu. Chúng tôi biết điều đó."

Công ty cấp nước đô thị của Nam California lấy nước từ Dự án nước của bang, dự án này dẫn nước từ các con sông ở phía bắc của bang về phía nam cho 27 triệu cư dân bên cạnh nguồn nước sông Colorado. Khoảng 40 triệu người ở tây nam sống dựa vào nguồn nước của sông Colorado. Tình trạng hạn hán đã khiến nguồn cung cấp từ sông bị suy giảm trầm trọng.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã xác định mối liên hệ giữa hạn hán và biến đổi khí hậu, với nhiệt độ ấm hơn làm tăng tốc độ bốc hơi, làm khô đất và sự sống của thực vật. Theo NASA, hạn hán là một phần tự nhiên của chu kỳ khí hậu, nhưng khi bầu khí quyển của Trái đất tiếp tục ấm lên do biến đổi khí hậu, hạn hán ngày càng trở nên thường xuyên, nghiêm trọng và lan rộng. NASA cho rằng, 20 năm qua là một trong những giai đoạn khô hạn nhất ở miền Tây nước Mỹ.

Nằm ở khu vực Nam Mỹ, Chile cũng đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng.

Bà VALENTINA VEGA - Người quán lý các dự án xanh tại Providencia: “Năm 2021 là một trong những năm khô hạn nhất trong lịch sử Chile. Providencia có 730.000 mét vuông không gian xanh, hầu hết là cỏ. Cỏ là một trong những loài tiêu thụ nhiều nước nhất, tiêu thụ khoảng sáu lít mỗi mét vuông. Hầu hết trong số 730.000 mét vuông này được làm bằng cỏ. chúng ta đã tiến hành kiểm tra, nhiều khu vực trồng cỏ gần như đã chết. và chúng chỉ để trang trí.”

Tại thủ đô Santiago của Chile, cỏ đang trở thành một thứ xa xỉ hiếm hoi trong bối cảnh hạn hán kéo dài hàng thập kỷ đã buộc giới chức thành phố phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp để hạn chế sử dụng nước, đồng thời khiến chính quyền địa phương và những người làm vườn phải thay thế những cây xanh tươi tốt bằng hệ thực vật sa mạc.

Tại Vega, chính quyền địa phương đang lên kế hoạch chuyển đổi các khu vực dọc theo những tuyến cao tốc từ không gian xanh thành các khu vườn bền vững với các loại cây tiêu thụ ít nước và sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt.

Bà VALENTINA VEGA - Người quán lý các dự án xanh tại Providencia: "Thảm thực vật kiểu này sẽ giúp tiết kiệm gần như 90% lượng nước so với một hệ thống cảnh quan truyền thống."

Việc thay đổi cảnh quan tại thành phố 6 triệu dân này là minh chứng rõ ràng cho thấy, cách quốc gia Andean, một nhà sản xuất lương thực lớn, đang phải thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu và các đợt hạn hán kéo dài đã xảy ra trong 13 năm liên tiếp.

Đầu tháng Tư vừa qua, Chile đã công bố kế hoạch cung cấp nước ở thủ đô – một kế hoạch chưa từng có trong lịch sử gần 500 năm của thành phố, với hệ thống cảnh báo bốn cấp độ từ xanh đến đỏ và cắt nước luân phiên trong vòng 24 giờ đối với 1,7 triệu khách hàng. Hệ thống cảnh báo dựa trên sức chứa của sông Maipo và Mapocho cung cấp phần lớn nước cho thủ đô và đang chứng kiến mực nước suy giảm do hạn hán kéo dài.

Tại công viên đô thị Santiago, các kênh dẫn nước từ sông Maipo và Mapocho đến công viên có lưu lượng thấp hơn 80% so với bình thường. Ban quản lý công viên đã phải tiến hành khắc phục các sự cố rò rỉ, nâng cấp hệ thống tưới tiêu và phát triển các khu vườn "hạt nhân bản địa" với những loại cây thích nghi tốt hơn với khí hậu khô hạn.

Nhờ sáng kiến này, tổng diện tích cỏ rộng 5 ha tại công viên và nhiều nơi khác trên khắp Santiago đã được thay thế. Điều này giúp tiết kiệm 300.000 lít nước trong mỗi chu kỳ tưới.

Ông EDUARDO VILLALOBOS - Phó giám đốc công viên đô thị Santiago: "Hạn hán ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta phải cùng tham gia vào chiến dịch bền vững này. Tính bền vững không chỉ xuất phát từ thói quen hàng ngày của chúng ta mà còn đến từ việc thay đổi một số mô hình nhất định."

Thực trạng đang xảy ra ở Chile đã dóng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu thực sự hiện hữu và vấn đề này không chỉ mang tính toàn cầu mà còn mang tính địa phương.

HẠN HÁN – CƠN ÁC MỘNG TẠI CHÂU PHI

Không chỉ gây ra tình trạng khan hiếm nước và đe dọa hệ sinh thái, hạn hán còn là cơn ác mộng, là nguồn cơn của đói nghèo tại châu Phi.

Hàng chục đứa trẻ bị suy dinh dưỡng đang phải điều trị tại khoa nhi của một bệnh viện ở thành phố Gode của Ethiopia, khi đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm qua đã khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh đói nghèo, và phải rời bỏ nhà cửa để tìm kiếm viện trợ.

Chị NIMO MOHAMMED MUHUMMED - Người di tản : "Đợt hạn hán này đã tàn phá gia đình tôi, nó khiến tôi phải rời khỏi nhà. Tôi đến đây tay trắng, tôi không có nhà, không có quần áo tử tế, không có trường học cho các con và chúng tôi không có thức ăn. Con cái chúng tôi chỉ được ăn 1 bữa trong ngày. Người lớn chấp nhận nhịn đói để nhường đồ ăn cho trẻ nhỏ. Đó là cách chúng tôi sống sót qua đợt hạn hán này, nó đã ảnh hưởng nặng nề đến tất cả chúng tôi."

Chị Nimo Mohammed, một bà mẹ 35 tuổi, hiện đang sống cùng cả gia đình trong một trại tị nạn trong thành phố, nằm ở vùng Đông Nam Ethiopia. Chị chỉ là 1 trong số hơn 10.000 người - hầu hết trong số họ là phụ nữ và trẻ em, đang sống nhờ cứu trợ.

Chị NIMO MOHAMMED MUHUMMED - Người di tản: "Tôi có chín đứa con, tôi cũng có nhà và tài sản như mọi người. Tôi đang mang thai và nếu tôi sinh con, đây là nơi tôi sẽ ngủ. Mọi thứ thật khó khăn. Đây là nơi chúng tôi sống - 11 người - và chúng tôi đang ở trong tình trạng này vì hạn hán."

Tại Bệnh viện Đa khoa Gode, hơn 10 em nhỏ bị suy dinh dưỡng đang được điều trị. Số trẻ em bị suy sinh dưỡng bắt đầu tăng đột biến vào khoảng năm tháng trước. Bệnh viện này đã điều trị cho khoảng140 trẻ em suy dinh dưỡng, trong đó có 4 em đã tử vong.

Ông MOHAMMED BADI - Bệnh viên Gode: "Có một số lượng ngày càng tăng (trẻ em suy dinh dưỡng), nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hạn hán. Thậm chí chúng tôi còn thấy rằng, một gia đình, có tới hai hoặc ba trẻ em đến (nhập viện) cùng 1 lúc vì suy dinh dưỡng.”

Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP), khu vực Sừng châu Phi đang phải đối mặt với điều kiện thời tiết khô hạn nhất trong hơn 4 thập kỷ sau khi 3 mùa mưa liên tiếp có lượng mưa thấp. WFP cho biết, khoảng 15 triệu người tại khu vực này đang cần được hỗ trợ lương thực, con số có thể tăng lên 20 triệu người vào cuối năm nay.

Bà CLAIRE NEVILL - Người phát ngôn Chương trình Lương thực Thế giới: "Với 7,2 triệu người bị mất an ninh lương thực ở Ethiopia, con số này đã tăng thêm hai triệu người trong hai tháng qua và chúng tôi đang chứng kiến hàng triệu người khác rơi vào khủng hoảng đói trầm trọng. Hơn một phần tư trẻ em đang phải bị suy dinh dưỡng và hơn một phần ba phụ nữ mang thai và cho con bú bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng vì đợt hạn hán này. Vì vậy, điều cần thiết là chúng ta phải cung cấp thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho họ ngay bây giờ trước khi quá muộn."

Liên Hợp Quốc cảnh báo, đợt hạn hán này là một trong loạt các cú sốc khí hậu đã "làm gia tăng tình hình mất an ninh lương thực" tại châu Phi. Hiện các nhu cầu ở vùng sừng châu Phi đã vượt quá khả năng do hạn chế về nguồn lực. Do đó, khu vực này rất cần thêm kinh phí để cứu sống và tạo sinh kế nhằm giảm thiểu tình trạng di dời và ngăn chặn nguy cơ lớn hơn trong tương lai.

Bà CLAIRE NEVILL - Người phát ngôn Chương trình Lương thực Thế giới: "Đã có một loạt các cú sốc khí hậu làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực và làm trầm trọng thêm các yếu tố hiện có, chẳng hạn như môi trường kinh tế kém, đại dịch COVID19 và các cuộc xung đột ở miền Bắc, đang gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn. Và bây giờ, trên hết, chúng ta đối mặt với hạn hán."

HẠN HÁN CÓ THỂ LÀ ĐẠI NẠN TIẾP THEO

Tình trạng hạn hán và khan hiếm nước có thể gây thiệt hại trên quy mô ngang với đại dịch COVID-19 với nguy cơ gia tăng nhanh chóng do nhiệt độ toàn cầu tăng lên. Đây là cảnh báo được Liên hợp quốc đưa ra.

Bà MAMI MIZUTORI - Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về giảm thiểu rủi ro thiên tai: “Hạn hán đang trên đà trở thành đại nạn tiếp theo và không có vắc xin nào có thể chữa khỏi. Tính đến nay, hạn hán đã ảnh hưởng trực tiếp đến 1,5 tỷ người trong thế kỷ này và con số này sẽ tăng lên đáng kể, nếu thế giới không quản lý tốt hơn nguy cơ này và tìm ra được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và hành động để ngăn chặn chúng. Hạn hán là nguyên nhân và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội và kinh tế đã ăn sâu vào hệ thống của chúng ta và ảnh hưởng nặng nề nhất đến những người dễ bị tổn thương nhất.”

Theo LHQ, hạn hán đã gây ra thiệt hại kinh tế ít nhất 124 tỷ USD và ảnh hưởng đến hơn 1,5 tỷ người từ năm 1998 đến năm 2017. Hiện nay Trái Đất nóng lên đã làm gia tăng hạn hán ở Nam Âu, Tây Phi và số lượng nạn nhân sẽ "tăng lên đáng kể" trừ khi thế giới hành động. 

Khoảng 130 quốc gia có thể đối mặt với nguy cơ hạn hán lớn trong thế kỷ này theo kịch bản khí phát thải cao của Liên hợp quốc, 23 quốc gia khác sẽ đối mặt với tình trạng thiếu nước vì gia tăng dân số, và 38 quốc gia bị ảnh hưởng bởi cả hai yếu tố trên. 

Bà Mizutori ví hạn hán giống như một loại virus - có xu hướng kéo dài, có phạm vi địa lý rộng và gây thiệt hại nghiêm trọng. Các quốc gia không bị hạn hán nhưng vẫn bị ảnh hưởng gián tiếp thông qua tình trạng mất an ninh lương thực và tăng giá lương thực. Liên hợp quốc dự báo hạn hán sẽ xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn ở hầu hết khu vực châu Phi, Trung và Nam Mỹ, Trung Á, Nam Australia, Nam Âu, Mexico và Mỹ.

Ông IBRAHIM THIAW - Thư ký điều hành công ước của LHQ về chống sa mạc hóa: “Tất cả chúng ta phải hành động ngay bây giờ để đảm bảo rằng hạn hán không cản trở nhân loại trong nỗ lực xây dựng một tương lai bền vững.”
 

Đinh Giang