Nhìn ra thế giới: Đảm bảo môi trường học tập cho thế hệ tương lai

Xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh để thế hệ tương lai có thể phát triển một cách toàn diện là mục tiêu của mọi quốc gia.Tuy nhiên, một loạt thách thức đã và đang đe dọa môi trường học tập của hàng triệu trẻ em trên toàn cầu từ xung đột, thảm họa, những tác động nghiêm trọng của đại dịch, đến bạo lực súng đạn.

Những vấn đề này đòi hỏi phản ứng nhanh chóng và quyết liệt của toàn xã hội. Đảm bảo môi trường học tập cho thế hệ tương lai là xây dựng nền tảng cho tương lai tươi sáng về bền vững.

Bà RAGHIDA ABDEL EL HAMID CHAMSIN, Hiệu trưởng Trường Takmiliyat Al Kobba: “Trường của chúng tôi nằm tại vùng xung đột dai dẳng, giữa hai khu vực Jabel Mohsen và Bab al-Tabbaneh. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều cuộc xung đột bạo lực diễn ra. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến trường của chúng tôi. Nếu bạo lực xảy ra khi giáo viên và học sinh đang có mặt tại trường, chúng tôi sẽ phải tìm cách sơ tán.”

LI-BĂNG: ĐƯA ỨNG PHÓ VỚI THẢM HỌA VÀ XUNG ĐỘT VÀO CHƯƠNG TRÌNH GIẢNG DẠY

Chúng tôi có thể chạy ra khỏi trường, nhưng khi ấy mọi việc rất hỗn loạn. Có nhiều điều mà chúng tôi không thể dự đoán trước. Điều này kéo dài trong nhiều năm.”

Sau khi chiến sự bùng nổ tại Syria, bạo lực cũng bắt đầu leo thang tại Tripoli, Li-băng. Đây được coi là tình trạng bạo lực tồi tệ nhất tại quốc gia này, kể từ cuộc nội chiến kéo dài từ năm 1975-1990. Kể từ năm 2015, hòa bình đã trở lại với quốc gia này, nhưng vẫn còn khá mong manh. 

Chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm cách thức để bảo vệ bản thân mình, và giúp cho ngôi trường này có thể đứng vững trước khủng hoảng, đối mặt với vấn nạn bạo lực leo thang.”

“Hôm nay, chúng ta sẽ học cách bảo vệ cho chính mình.

Ông KASSEM CHAALAN, Bộ phận Giảm thiểu nguy cơ thảm họa, Hội chữ thập đỏ Li-băng: “Khu vực này phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm do chính con người tạo ra, nguy hiểm từ xung đột vũ trang. Bên cạnh đó, còn có các mối nguy hiểm đến từ động đất hay các vụ cháy. Thế nhưng, nguy cơ lớn nhất vẫn là các cuộc xung đột. Vì sao ư? Vì chúng ta chứng kiến xung đột gần như mỗi ngày. Nhiều người đã bị thương, thậm chí có nhiều người thiệt mạng. Những tổn thất do xung đột có thể nhìn thấy ở khắp nơi, và cả một thế hệ phải lớn lên, chứng kiến những mất mát như vậy. Chúng tôi nghĩ rằng trường học chính là nơi chúng ta có thể đặt nền móng cho những thay đổi về văn hóa của cả cộng đồng. Từ đó, cộng đồng này có thể đối mặt với mọi mối nguy hiểm đang rình rập.”

Hội chữ thập đỏ Li-băng đã phối hợp với cơ quan chức năng để gia tăng khả năng ứng phó với cả hai mối nguy hiện hữu, đó là thảm họa, và xung đột. 

Em LINE MOHAMMAD, 10 tuổi: “Em cảm thấy rất sợ hãi. Em rất sợ khi nghe thấy tiếng súng nổ. Cho đến tận bây giờ, em vẫn còn cảm thấy ám ảnh. Nhưng sau khi tham gia vào buổi diễn tập ngày hôm nay, em cảm thấy đỡ sợ hơn. Ở đây, em cảm thấy được an toàn.”

Anh HOUSSAM KHADDOOJ, 18 tuổi: “Tôi tới học tại đây khi tôi 10 tuổi. Tôi vẫn còn nhớ rằng, khi đang ngồi trong lớp học, chúng tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng súng. Khi ấy, chúng tôi sẽ trốn xuống dưới gầm bàn. Sau đó, cô hiệu trưởng sẽ tới từng lớp học để hướng dẫn chúng tôi sơ tán, từng người một sẽ được hướng dẫn để tới nơi an toàn. Chúng tôi sẽ di chuyển xuống dưới nhà bằng đường cầu thang, sau đó sẽ rời đi nơi khác. Hoàn cảnh khi đó rất nguy hiểm. Chúng tôi có thể thấy đạn bắn xuống từ đây. Trở lại nơi đây khiến tôi nhớ lại hoàn cảnh khó khăn khi ấy, và nhớ lại rằng chúng tôi đã gặp phải nhiều trở ngại trong quá trình học tập như thế nào.”

Không chỉ phải đối mặt với xung đột, Li-băng còn là quốc gia dễ bị tổn thương bởi thiên tai, như các trận động đất, sạt lở đất hay sóng thần. 

Nam: “Hiện nay, Hội chữ thập đỏ Li-băng đang triển khai hoạt động tại 200 trường công lập. Phần lớn trong số đó đều nằm trong các khu vực xảy ra xung đột vũ trang. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể xem nhẹ mối đe dọa từ thảm họa tự nhiên. Chúng tôi đang cố gắng đối diện với tất cả các mối đe dọa đó. Để có thể giúp cộng đồng trở nên sẵn sàng hơn, chúng ta sẽ cần phải xem xét mọi mối nguy hiểm mà cộng đồng đó có thể phải đối mặt.”

Nữ: “Điều đầu tiên chúng ta phải làm là hãy quỳ xuống bằng đầu gối.”

Nam: “Trong các bài học về cách thức giảm nhẹ nguy cơ từ thảm họa, chúng tôi cố gắng nhắc mọi người nhớ về những trận động đất đã từng xảy ra tại Li-băng. Ví dụ như trận động đất tại Beirut vào năm 2008, gây thiệt hại về cả sinh mạng và cơ sở vật chất.”

Li-băng nằm tại khu vực địa chất dễ bị ảnh hưởng bởi động đất.

Nữ: “Học sinh tại trường của chúng tôi đã từng được học về thảm họa tự nhiên và xung đột qua sách vở, nhưng lại chẳng được luyện tập và thực hành. Sau đó, chúng tôi bắt đầu hợp tác với Hội chữ thập đỏ. Từ đó, mọi thứ trở nên rõ ràng hơn, và các em học sinh được rèn luyện tinh thần cảnh giác cao độ hơn. Giờ đây, các em biết cần phải làm gì mỗi khi nghe thấy tiếng còi báo động. Những khóa huấn luyện như thế này thực sự dạy cho chúng tôi rất nhiều điều.”

Em AMAL IBRAHIM, 14 tuổi: “Giáo viên dạy địa lý nói với chúng em rằng, Li-băng nằm trên vành đai địa chất dễ xảy ra động đất. Vì vậy, động đất có thể xảy đến bất cứ khi nào. Chúng em cần phải luôn luôn cảnh giác trước những thảm họa như vậy. Đó là lý do Hội chữ thập đỏ có mặt ở đây để trợ giúp chúng em. Đầu tiên, em cảm thấy rất sợ hãi, nhưng sau đó em bình tĩnh hơn. Nhờ vậy, em cũng cảnh giác hơn trước mọi việc có thể xảy ra. Như vậy, chúng em sẽ không bị rơi vào tình huống nguy hiểm.”

Nam: “Trước đây, chúng tôi không biết làm thế nào để bảo vệ cho bản thân. Các em học sinh cần phải được dạy cách phản ứng, và chăm sóc cho chính bản thân mình khi xung đột xảy đến. Nếu chúng tôi học được những kiến thức này sớm hơn, chắc chắn rằng chúng tôi sẽ có khả năng phản ứng nhanh hơn, đối diện tốt hơn với xung đột. Chúng tôi sẽ chăm sóc được cho bản thân mình.”

Nữ: “Trường học là nơi mà chúng ta bắt đầu. Đây chính là nền tảng. Và chúng ta sẽ xây dựng mọi thứ dựa trên nền tảng này. Chính vì vậy chúng ta cần phải chuẩn bị sẵn sàng để các em có thể đương đầu với mọi biến động của thế giới bên ngoài.”  

ĐẠI DỊCH COVID-19 - NHỮNG HẬU QUẢ ĐỂ LẠI

Trong suốt hai năm qua, do tác động của đại dịch Covid-19, các trường học tại thành phố La Paz, Bolivia phải đóng cửa. Các lớp học được chuyển sang hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, sự thay đổi này tạo ra không ít khó khăn. Chị Maribel Sanchez có 2 con trai, 11 tuổi và 8 tuổi. Do gia đình không có máy tính, hai cậu bé phải chia nhau sử dụng chiếc điện thoại thông minh của mẹ. Nếu lịch học trùng nhau, thì một trong hai cậu bé buộc phải nghỉ học.

Chị MARIBEL SANCHEZ, Người dân Bolivia: “Các con tôi hầu như không học được gì khi phải học online. Đứa nhỏ thì dễ bị sao nhãng. Còn đứa lớn thì có tham gia các lớp học nhưng không thu nạp được kiến thức gì. Cháu chỉ bắt đầu hiểu bài khi được đi học trực tiếp.”

Gia đình chị Sanchez không phải là trường hợp duy nhất. Đại dịch đã gây ra tác động to lớn tới quá trình học tập của hàng triệu học sinh tại khu vực Mỹ Latinh. Theo báo cáo công bố mới đây bởi Ngân hàng Thế giới, Mỹ Latinh là một trong những khu vực có thời gian đóng cửa trường học lâu nhất trên thế giới, tất cả do tác động của dịch bệnh. Từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2022, học sinh tại đây phải ở nhà và học trực tuyến trong tổng cộng 60 tuần, do trường học đóng cửa hoàn toàn hoặc đóng cửa một phần. Con số này gấp đôi thời gian đóng cửa trường học tại khu vực châu Âu, Trung Á và Đông Á, và cả khu vực Thái Bình Dương. 

Ông ANDRES UZIN PACHECO, Giám đốc Trường Kinh doanh Olave: “Các nghiên cứu cho thấy rằng, đại dịch đã dẫn đến suy giảm kinh tế, việc tạo ra các mạng lưới kinh doanh sẽ gặp rủi ro trong ít nhất 10 năm. Với nền giáo dục, thiệt hại còn sâu sắc hơn thế. Thế hệ trẻ hôm nay có thể sẽ phải gánh chịu hậu quả, không phải chỉ trong 5 năm tới, mà thậm chí trong 20-30 năm tới, không chỉ trong sự nghiệp học hành, mà còn cả đối với công việc sau này.”

Các chuyên gia cảnh báo, việc đóng cửa trường học trong thời gian dài và chuyển sang hình thức học trực tuyến, vốn không hiệu quả đối với nhiều học sinh, có thể sẽ kéo lùi trình độ học vấn của cả một thế hệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập trong tương lai của các em. 

Bà MERCEDES PORTO, Giám đốc Truyền thông, Quỹ Cimientos: “Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế do đại dịch, nhiều học sinh cuối cấp 2 đã buộc phải tham gia vào thị trường lao động. Các bé trai thường phải đảm nhận các công việc chân tay không chính thức, trong khi các bé giá sẽ phải chăm lo cho gia đình, trông các em nhỏ, do bố mẹ phải ra ngoài đi làm. Bối cảnh kinh tế xã hội sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến con đường giáo dục và sự thành công của các em.”

Trong khi đó, Chile lại đang phải đối diện với một vấn đề khác đối với nền giáo dục trong bối cảnh hậu đại dịch. Đó là sự gia tăng của tình trạng bạo lực trong học sinh, sinh viên. Nhiều học sinh đã bỏ học để tham gia vào các phong trào kêu gọi cải cách nền giáo dục, thậm chí châm ngòi cho các hành vi bạo lực trong nhà trường. Một số trường học tại Chile đã buộc phải đóng cửa khi tình trạng bạo lực gia tăng đáng báo động. Báo cáo mới đây cho thấy, số vụ bạo lực đã tăng 62% so với năm 2018 và 2019, tức là thời kỳ trước đại dịch. 

Bà VANIA MARTINEZ, Chuyên gia tâm lý trẻ em và trẻ vị thành niên: “Thanh thiếu niên đang ở trong một giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển bản thân. Đây là thời điểm họ tìm kiếm sự tự chủ và bản thể của chính mình. Ở giai đoạn này, họ sẽ có nhu cầu kết nối, giao lưu với nhau. Tuy nhiên, do đại dịch bùng phát, mối liên hệ này đã bị cắt đứt. Họ cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều luồng thông tin sai lệch trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông và thậm chí là phim ảnh. Những yếu tố này đã góp phần vào tình trạng bạo lực gia tăng.”

Bà FRANCISCA MORALES, Chuyên gia Giáo dục tại Chile, UNICEF: “Không có lời biện minh nào cho bạo lực. Nhưng chúng tôi cũng kêu gọi có những giải pháp tháo gỡ những vấn đề hiện nay, để học sinh có thể tận hưởng nền giáo dục chất lượng cao, được tạo điều kiện để nghiên cứu và học tập một cách tốt nhất có thể.”

Các trường học tại Chile mới chỉ mở cửa trở lại vào cuối tháng 3/2022. Trước đó, tất cả các học sinh tại Chile đã phải học trực tuyến, hoặc kết hợp học trực tiếp và trực tuyến trong suốt 70 tuần.

BẠO LỰC SÚNG ĐẠN ĐE DỌA AN TOÀN TRƯỜNG HỌC TẠI MỸ

Đã nhiều tuần trôi qua kể từ vụ xả súng kinh hoàng tại trường tiểu học Robb, thành phố Uvalde, bang Texas, Mỹ, cướp đi sinh mạng của 19 học sinh và 2 giáo viên, không khí tại đây vẫn mang nặng sự đau thương, mất mát. 

Trường học, lẽ ra phải là nơi an toàn nhất đối với trẻ em, thì giờ đây, lại trở thành mục tiêu của bạo lực súng đạn. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra trên toàn nước Mỹ.

Người biểu tình (Nam): “Nếu có ai đó chĩa súng vào bạn, thì đến người lớn còn sợ hãi. Giờ đây, hãy tưởng tượng một số em nhỏ đang ở trong lớp học, bị ai đó chĩa súng vào nhưng không thể chạy trốn. Điều đó thực sự kinh khủng… Chúng ta thường nói rằng, trẻ em là tương lai, nhưng với hàng trăm em nhỏ, các em không còn được nhìn thấy tương lai của chính mình nữa. Điều đó thực sự đáng buồn.”

Để phản ứng tức thời trước vấn nạn bạo lực súng đạn nhắm vào trường học, anh Kevin Goodman, đội trưởng đội cứu hỏa bang Arizona, và cũng là bố của 4 con nhỏ, đã thiết kế một chiếc áo chống đạn đặc biệt có thể đựng vừa trong ba lô đi học. Mục tiêu của anh là: để không còn một trẻ em nào phải bỏ mạng vì nổ súng tại trường học. Bên cạnh chiếc áo chống đạn có thể gấp gọn. Anh Kevin Goodman cũng chế tạo một tấm chắn chống đạn có thể tích hợp vào ba lô đi học của trẻ em. 

Anh KEVIN GOODMAN, Đội trưởng Đội cứu hỏa bang Arizona: “Tôi có 4 đứa con. Nghĩ đến việc các con tôi có thể sẽ phải đối mặt với một vụ xả súng tại trường học, tôi thực sự cảm thấy thật kinh khủng. Vì vậy, tôi muốn bọn trẻ có được mọi cơ hội, mọi điều kiện thuận lợi nhất nếu thảm kịch xảy ra. Tôi đã tạo ra một chiếc áo chống đạn có những đặc điểm ưu việt hơn những sản phẩm cùng loại hiện có trên thị trường, để giúp các con tôi và bạn bè đồng trang lứa có thể sử dụng nếu không may xảy ra xả súng tại tường học.”

Vụ xả súng tại Uvalde gây nên tác động cộng hưởng mạnh mẽ, không chỉ trong cộng đồng, mà còn đối với các nhà lập pháp Mỹ. Sau vụ xả súng tại trường tiểu học Robb, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay lập tức kêu gọi các nhà lập pháp thông qua luật kiểm soát súng đạn. Ngày 23/6, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật kiểm soát súng đạn quan trọng “Vì cộng đồng an toàn hơn”. 

Ông CHRIS MURPHY, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ: “Chúng ta đang làm gì? Tại sao chúng ta có mặt ở đây? Hôm nay, chúng ta đang trả lời những câu hỏi đó, theo một cách chưa hoàn toàn đầy đủ, nhưng với sức mạnh đủ để các ông bố, bà mẹ và trẻ em trên khắp đất nước này có thể thức dậy vào ngày mai, và cảm thấy tin tưởng rằng những người điều hành đất nước thực sự quan tâm đến sự an toàn của họ.”

Với 234 phiếu thuận và 193 phiếu chống, ngày 24/6, Hạ viện Mỹ đã tán thành dự luật lưỡng đảng về kiểm soát súng đạn. 

Và ngày 25/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành đạo luật được đánh giá là quy định về vũ khí quan trọng nhất trong gần 30 năm qua.

Dự luật này phê duyệt gói 11 tỷ USD tài trợ cho vấn đề sức khỏe tâm thần, 2 tỷ USD cho các chương trình đảm bảo an toàn học đường, các chương trình can thiệp khủng hoảng và khuyến khích các bang đưa hồ sơ vị thành niên vào Hệ thống Kiểm tra lý lịch hình sự quốc gia. Dự luật cũng đưa ra những thay đổi đáng kể về quy định mua súng đối với các đối tượng ở độ tuổi từ 18 đến 21. Đặc biệt, Chính phủ Mỹ sẽ chi một khoản tiền lên tới 1 tỷ USD để tài trợ cho "các chương trình sau giờ học, trước khi tới trường và chương trình học hè", trong đó chi 300 triệu USD để huấn luyện học sinh và giáo viên "cách ngăn chặn và ứng phó với bạo lực cho bản thân và người khác".

Được đánh giá là một bước đi ý nghĩa của cơ quan lập pháp Mỹ nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực súng đạn tại nước này, đạo luật được thông qua cũng tạo thêm niềm tin về một môi trường học tập an toàn hơn cho thế hệ tương lai của nước Mỹ.

Kim Ngọc