Nhìn ra thế giới: Công nghệ mới thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp thế giới

Sự phát triển của khoa học công nghệ đang mang đến những thay đổi toàn diện trong mọi lĩnh vực, trong đó có ngành nông nghiệp. Những phát minh mới giúp không chỉ tiết kiệm thời gian và sức lao động mà còn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh và bền vững hơn.

TẬN DỤNG NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI - GIẢM TÌNH TRẠNG LÃNG PHÍ NÔNG SẢN

Đây là hình ảnh quen thuộc tại những khu chợ ở Ấn Độ, với người mua kẻ bán tấp nập. Những sản phẩm được mua, bán thường là rau củ quả tươi. Có ưu điểm là tươi ngon vì mới được thu hoạch, nhưng vì không qua chế biến, nên rau củ dễ bị dập nát. Những phần thừa thường được loại bỏ và vứt ngay xuống đất như thế này. 

Theo cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Ấn Độ Sharad Pawar, hàng năm, có tới 40% số thực phẩm dễ hư hỏng tại nước này bị lãng phí. Ông Sharad Pawar cho biết, nông sản nhiều khi bị bỏ phí và mục ruỗng ngay ngoài những cánh đồng, do thiếu kho lưu trữ hoặc không thể chuyển đi kịp thời. Một số lượng lớn rau củ tại Ấn Độ rơi vào tình trạng bị côn trùng hoặc chuột bọ tàn phá, chỉ vì một lý do duy nhất, đó là thiếu kho bãi. Nhiều nông dân Ấn Độ không có đủ chi phí trang trải cho việc thu hoạch và lưu trữ nông sản. Và không có kho dự trữ đồng nghĩa với việc nông dân buộc phải bán nông sản tươi ngay sau khi thu hoạch, với mức giá rất thấp. 

Bà NIDHI PANT - Đồng sáng lập S4S Technologies: “Xin chào, tên tôi là Nidhi Pant và tôi là người đồng sáng lập, Giám đốc tài chính tại S4S Technologies. S4S là viết tắt của Science for Society – Khoa học cho xã hội.”

Đúng như tên gọi “Khoa học cho xã hội”, S4S mong muốn mang đến những điều tốt nhất cho chính những người nông dân khó khăn nhất, thông qua việc ứng dụng những công nghệ mới. Và một trong những công nghệ như vậy chính là chiếc máy sấy thực phẩm vận hành bằng năng lượng mặt trời. 

Bà NIDHI PANT - Đồng sáng lập S4S Technologies: “Có hai vấn đề lớn. Vấn đề thứ nhất là có quá nhiều thứ bị lãng phí trên quãng đường từ nông trại đến điểm bán. Cùng lúc đó, người nông dân cũng thường không nhận được giá trị xứng đáng cho sản phẩm mà họ tạo ra. Những điều này khiến tôi thực sự quan tâm, và đó cũng chính là lý do tôi bắt đầu với S4S. Đây là nơi sẽ tìm ra giải pháp để giảm thiểu vấn đề lãng phí thực phẩm, đồng thời mang lại thu nhập tốt hơn cho người nông dân.”

Bài toán đặt ra ở đây là làm thế nào để tạo ra được một chiếc máy sấy nông sản vừa hiệu quả, lại vừa dễ vận hành, và điều kiện tiên quyết là chi phí đầu tư và vận hành phải nằm trong khả năng của người nông dân. 

Và thiết bị do S4S phát triển hoàn toàn thỏa mãn được những yêu cầu đó. Chiếc máy này vận hành không cần điện và cũng được cấu tạo một cách đơn giản nhất có thể. Tuy vậy, chiếc máy sấy này có thể rút ngắn thời gian làm khô nông sản đến 10 lần, so với việc phơi dưới nắng như phương thức truyền thống.

Bà NIDHI PANT - Đồng sáng lập S4S Technologies: “Tôi đã dành nhiều thời gian nghiêm cứu tại phòng thí nghiệm khử nước. Điều mà chúng tôi mong muốn là tìm ra một công nghệ sấy khô. Chúng tôi đã nhận ra rằng, hoàn toàn có thể tận dụng năng lượng mặt trời để giúp ích cho người nông dân, vừa dễ dàng sử dụng lại vừa tiết kiệm chi phí.”

Cách sử dụng mấy sấy cũng không hề “đánh đố” người nông dân. Tất cả những gì cần làm là trải đều số nông sản cần sấy lên một mặt phẳng. Sau đó, người nông dân cần đậy tấm chắn xuống để che chắn cho phần nông sản được sấy, bảo vệ rau củ khỏi tác động từ bên ngoài. 

Bà NIDHI PANT - Đồng sáng lập S4S Technologies: “Máy sấy sử dụng năng lượng mặt trời của chúng tôi có thể giúp gia tăng thời gian bảo quản và sử dụng nông sản bằng cách giảm độ ẩm. Từ đó, trái cây và rau quả có thể được bảo quản trong thời gian lên tới 12 tháng.”

Theo bà Nidhi Pant, một trong những thách thức lớn nhất là thuyết phục người nông dân thay đổi thói quen sản xuất và bảo quản nông sản của mình. 

Bà NIDHI PANT - Đồng sáng lập S4S Technologies: “Tại Ấn Độ, chúng tôi có truyền thống phơi nắng để làm khô sản phẩm, nhưng phải mất từ 6-10 ngày nông sản mới được phơi khô hoàn toàn, dẫn đến việc có nhiều vi sinh vật và nấm có thể phát triển trên rau củ. Với máy sấy sử dụng năng lượng mặt trời, chúng tôi có thể đạt được kết quả tương đồng, nhưng theo cách hiệu quả hơn. Trong vòng từ 6-8 giờ đồng hồ, chúng tôi có thể khử nước của nông sản, tương tự như khi phơi nắng trong 6-10 ngày. Nguy cơ nhiễm khuẩn và vi nấm của giảm đi. Trong khi đó, hàm lượng dinh dưỡng được giữ nguyên vẹn từ 80-95%.”

Gia đình bà Shobha Rathod có truyền thống trồng và thu hoạch gừng. Nếu như trước đây, một phần lớn số gừng thu hoạch được thường bị hỏng trước khi có thể đem bán, thì giờ đây, với công nghệ mới này, bà có thể yên tâm rằng 100% lượng gừng mà bà thu hoạch có thể đến được tay khách hàng.  

Bà SHOBHA RATHOD - Nông dân: “Những củ gừng nhỏ như thế này trước đây thường bị lãng phí, thì giờ đây, chúng tôi có thể cắt nhỏ chúng và sấy khô bằng máy sấy năng lượng mặt trời. Sau khi đã sấy khô, chúng tôi lại gửi sản phẩm đến S4S, chúng tôi có cơ hội bán được nhiều sản phẩm hơn, và kiếm được nhiều tiền hơn. Công nghệ mới này thực sự đã thay đổi cuộc sống của chúng tôi. Tôi có đủ tiền để trả học phí cho các con và chăm lo cho gia đình.”

Không chỉ giúp đỡ người nông dân thay đổi thói quen chế biến và bảo quản nông sản, S4S còn đóng vai trò như một cánh tay kết nối nhà nông với thị trường. Nông sản đã được sấy khô sẽ dược S4S thu mua và phân phối. 

Bà NIDHI PANT - Đồng sáng lập S4S Technologies: “S4S nỗ lực tạo ra những tác động tích cực theo ba cách. Đầu tiên, chúng tôi giúp giảm thiểu tình trạng lãng phí thực phẩm. Thứ hai, điều này được thực hiện bằng cách sử dụng năng lượng mặt trời, ứng dụng công nghệ sạch. Thứ ba, chúng tôi đang tiếp thêm sức mạnh cho những phụ nữ tại nông thôn, mang lại cho họ nguồn thu nhập bổ sung, từ đó, họ có thể cảm thấy tự tin hơn, chủ động hơn trong cuộc sống gia đình cũng như tại cộng đồng.”

Hiện công ty này đang làm việc với 3.000 hộ nông dân và hợp tác xã quy mô nhỏ tại 270 địa điểm khác nhau. Nông sản thu mua từ đây sẽ được chuyển tới những nhà sản xuất thực phẩm hàng đầu thế giới, như Nestle hay Unilever. 

Ông HEMENDRA MATHUR - Nhà đầu tư trong ngành thực phẩm: “S4S có thể kiểm soát rất tốt chuỗi cung ứng của mình. Công nghệ mà họ ứng dụng vừa tiên tiến mà lại vô cùng đơn giản. Nhờ những yếu tố này mà họ có thể kiếm soát được rất tốt chất lượng của sản phẩm. Từ đó, cơ hội cho họ  ngày càng rộng mở hơn, thị trường mà họ nắm giữ cũng ngày càng được mở rộng. Và tôi nghĩ rằng điều tuyệt vời nhất là họ luôn giúp đỡ và chia sẻ lợi nhuận với những người nông dân – những doanh nhân đang trong bước đầu khởi nghiệp. Đó là điều rất có ý nghĩa.”

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, sản xuất lương thực không phải là bài toán khó đối với Ấn Độ, khi con số thống kê cho thấy, quốc gia này cần 225-230 triệu tấn lương thực mỗi năm để cung cấp cho toàn bộ dân số, trong khi sản lượng lương thực Ấn Độ sản xuất đạt hơn 270 triệu tấn/năm. Cung lớn hơn cầu là vậy, nhưng có một thực tế đặt ra là mỗi năm, có tới hàng triệu người dân Ấn Độ rơi vào cảnh thiếu lương thực. Lý do cho thực trạng này là có quá nhiều thực phẩm bị lãng phí, do không được bảo quản đúng cách. Và những sáng kiến thiết thực như thế này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng lãng phí thực phẩm, nâng cao đời sống người nông dân và xây dựng một nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững hơn.

TRUNG QUỐC: THÚC ĐẨY NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN

Những cánh đồng tại Trung Quốc đã bắt đầu nhộn nhịp tinh thần của vụ sản xuất mới. Canh tác trên những cánh đồng rộng lớn như thế này, nhưng sự vất vả của người nông dân đã giảm đi ít nhiều, nhờ sự hiện diện của khoa học công nghệ. Những cỗ máy khổng lồ được đưa vào quá trình sản xuất nông nghiệp đã trở thành trợ thủ đắc lực của người nông dân. Mọi công đoạn sản xuất đều được cơ giới hóa, không chỉ giúp tiết kiệm sức lao động, mà còn nâng cao tính chính xác trong sản xuất nông nghiệp. Đó là những gì diễn ra bên trên những cánh đồng. Còn ẩn dưới những lớp đất kia, là một hệ thống tưới vi mô tích hợp tưới nước và bón phân, giúp cắt giảm lượng nước tưới và phân bón cần thiết.

Ông TRƯƠNG HÂN - Sở NN&NT thành phố Lai Châu, tỉnh Sơn Đông: “Hệ thống này giúp tiết kiệm hơn 30% lượng nước và khoảng 20% lượng phân bón trong diện tích hơn 660 mét vuông đất nông nghiệp.”

Để thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp xanh, chất lượng cao và hiệu quả, năm 2022 này, chính quyền Trung Quốc đã lựa chọn hơn 300 quận để thí điểm các công nghệ mới. Người nông dân là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất, khi họ có cơ hội tiếp cận với một loạt công nghệ mới nhất, giúp gia tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, gìn giữ tài nguyên và nhất là thân thiện với môi trường.

Để hướng tới nền nông nghiệp bền vững, Trung Quốc đặt mục tiêu thiết lập hệ thống tưới nước tiết kiệm và chính xác trên diện tích hơn 26 triệu ha đất nông nghiệp, tiếp tục cắt giảm việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu.

Ông LÝ TĂNG DỤ - Phó Cục trưởng Cục Quản lý rừng, Bộ NN&NT Trung Quốc: “Chúng tôi sẽ nâng cao chất lượng phát triển của sản xuất nông nghiệp, phấn đấu tăng diện tích đất canh tác sử dụng các biện pháp xanh để phòng ngừa sâu bệnh từ 4% lên 50%.”

Trong khi đó, công nghệ mới cũng đang dần thay đổi diện mạo của ngành chăn nuôi ở khu tự trị Tân Cương, Tây Bắc Trung Quốc.

Đây là khu vực chăn nuôi cừu Hòa Điền – một giống cừu mới được lai tạo và nhân giống trong vòng 2 năm trở lại đây. Cừu Hòa Điền có bộ lông dày và khả năng sinh sản cao, được coi là vật nuôi chủ lực tại Tân Cương.

Giáo sư JUKEN ANIVASH - Đại học Nông nghiệp Tân Cương: “Đàn cừu Hòa Điền là một quần thể cừu mới, có khả năng làm phong phú thêm nguồn gen cừu ở Trung Quốc. Việc lai tạo ra giống cừu này có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của ngành công nghiệp chăn nuôi tại Trung Quốc.”

Hiện nay, số lượng cừu Hoà Điền tại Tân Cương đã lên tới hơn 140.000 con. Để đảm bảo hiệu quả sản xuất, các khu chăn nuôi quy mô lớn đã được dựng lên, tích hợp từ khu vực chăn thả đến khai thác lông và thịt cừu, tạo thành chuỗi sản xuất khép kín. Thu nhập bình quân đầu người tại địa phương đã tăng lên rõ rệt nhờ giống cừu này.

Công nghệ sinh học không chỉ được áp dụng để tạo nên giống cừu Hoà Điền nổi tiếng, mà còn được áp dụng để phát triển giống ngựa đặc biệt tại Tân Cương. Các nhà khoa học tại địa phương đã sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo để tạo nên giống ngựa mới với những đặc tính nổi trội.

Ông MÃ NGỌC HUY - Giám đốc Trung tâm lai tạo giống ngựa: "Đây là thế hệ F1 của ngựa cái do Trung tâm chăn nuôi ngựa của chúng tôi lai tạo, và đây là giống ngựa địa phương. So với một con ngựa bình thường có giá bán dưới 10.000 nhân dân tệ, một con ngựa thuộc giống mới có vóc dáng cao hơn và giá cũng cao hơn nhiều, từ 80.000 đến 100.000 nhân dân tệ (khoảng 15.700 USD).”

Một vật nuôi chủ lực khác tại Tân Cương chính là bò. Và đàn bò tại đây cũng được chăn nuôi trong điều kiện vô cùng đặc biệt. Người nông dân Tân Cương tận dụng nền tảng số để theo dõi sát sao khối lượng thức ăn và tình trạng sức khỏe của vật nuôi. Mỗi đàn bò lại được xây dựng một chương trình dinh dưỡng khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi và đặc tính riêng.

Ông TRẦN NHƯ LONG - Chủ trang trại nuôi bò: “Hệ thống theo dõi sức khỏe chính xác cho động vật đã giúp chúng tôi giảm lượng chất thải thô từ 30-40%. Chúng tôi có thể đảm bảo cung cấp lượng thức ăn cần thiết chính xác tới 90, thậm chí là 95%, so với tỉ lệ 60% trước kia. Lợi nhuận thu được từ mỗi đầu gia súc tăng lên gấp 5 lần.”

Còn tại trang trại chăn nuôi lạc đà này, các nhà khoa học đã phát triển công nghệ lọc sinh học và khử trùng vật lý để kéo dài thời hạn sử dụng của sữa lạc đà từ dưới 7 ngày lên tới 6 tháng. Giờ đây, người nông dân có thể yên tâm khai thác nguồn sữa từ lạc đà mà không cần lo lắng đến những khó khăn khi bảo quản.

Ông HUAN KALA - Chủ trang trại nuôi lạc đà: “Trước đây, chúng tôi chỉ nuôi hơn 1 chục con lạc đà mà thôi. Từ khi áp dụng công nghệ giúp bảo quản sữa lạc đà lâu hơn, chúng tôi cũng tăng quy mô đàn gia súc. Giờ đây chúng tôi đã có đàn lạc đà hơn 100 con. Chúng tôi cũng học cách chăm sóc và chuẩn bị thức ăn để lạc đà mạnh khỏe và cho nhiều sữa hơn. Một con lạc đà có thể cho tới hơn 3kg sữa mỗi ngày.”

Không chỉ tận dụng lợi thế từ khoa học công nghệ, Tân Cương còn định hướng phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn, kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi và phân phối, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Khu trang trại này là nơi chăn nuôi hơn 50.000 con cừu và hơn 1.000 gia súc khác. Phân từ gia súc, cừu và các vật nuôi khác được chế biến thành phân bón nông nghiệp thông qua một dây chuyền tự động hóa, từ đó cung cấp cho các cánh đồng nho lân cận. Thân và lá của cây nho lại được quay ngược trở lại làm thức ăn cho cừu. Các nguồn lực được tối đa hóa bằng cách xoay vòng, nền nông nghiệp tuần hoàn vì vậy có thể giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng nguồn cung thức ăn cho gia súc.

Bằng cách biến chất thải động vật thành nguyên liệu hữu ích, nông nghiệp tuần hoàn cũng việc giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.

Một hệ thống dữ liệu lớn cũng đang được các nhà khoa học địa phương nghiên cứu phát triển, nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh và giám sát ngành chăn nuôi. Hệ thống này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy ngành chăn nuôi tại Tân Cương ngày càng phát triển theo hướng bền vững, với năng suất và hiệu quả cao.

Ông HÙNG BÂN - Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y Tân Cương: “Đến cuối năm 2025, chúng tôi sẽ hình thành nên cụm công nghiệp chăn nuôi tại địa phương với giá trị sản lượng hàng năm trên 10 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,57 tỷ USD) bao gồm ngành công nghiệp sản xuất sữa ở sườn phía Bắc dãy núi Thiên Sơn, ngành chăn nuôi gia cầm đặc biệt ở phía Nam Tân Cương, cũng như ngành công nghiệp thịt bò và thịt cừu hữu cơ, ngành chăn nuôi ngựa với các sản phẩm đa dạng ở phía Bắc Tân Cương.”

Năm 2021, giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi tại Tân Cương đạt gần 20 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Với nỗ lực ứng dụng công nghệ mới, ngành nông nghiệp tại địa phương này được kỳ vọng sẽ lập nhiều kỷ lục mới trong thời gian tới./.  

 

Kim Ngọc