Nhìn ra thế giới: Bảo vệ rừng - trách nhiệm không của riêng ai

Rừng luôn được coi như “Lá phổi xanh của Trái Đất” nhưng rừng đã và đang bị tàn phá nặng nề do hệ quả từ tình trạng biến đổi khí hậu, từ quá trình đô thị hoá quá nhanh ở các thành phố lớn, và nghiêm trọng hơn là các hành vi chặt phá rừng bất hợp pháp.

Thực trạng này đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng như mất cân bằng hệ sinh thái, đẩy các loài động thực vật vào nguy cơ tuyệt chủng. Và đây cũng là nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho chính quyền và người dân tại tất cả các quốc gia trên thế giới.

BRAZIL MẠNH TAY VỚI TỘI PHẠM PHÁ RỪNG

Số liệu từ Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil (INPE) cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 3/2022, nạn phá rừng Amazon của Brazil đã tăng 64% so với năm 2021, lên 941 km2. Với diện tích lớn hơn cả thành phố New York (Mỹ), đây là khu vực có độ che phủ rừng bị mất nhiều nhất trong giai đoạn 2015 - 2016.

Trong khi đó, theo báo cáo của Tổ chức môi trường SOS Mata Atlantica công bố, diện tích vùng rừng Đại Tây Dương của Brazil bị tàn phá đã tăng 66% trong năm 2021. Cụ thể, dựa trên dữ liệu giám sát vệ tinh, từ tháng 11/2020 đến tháng 10/2021, rừng Đại Tây Dương trải dài về phía bờ biển miền Đông của Brazil đã mất 21.642 hecta diện tích che phủ, tăng 2/3 so với một năm trước đó. Diện tích rừng bị chặt phá tương đương kích thước của hơn 20.000 sân bóng đá và khiến khoảng 10,3 triệu tấn CO2 phát thải vào bầu khí quyển.  

Trước tình hình này, với nỗ lực bảo vệ rừng tại Brazil nói chung, và rừng nhiệt đới Amazon nói riêng, cuối tháng 5 vừa qua, Tổng thống Jair Bolsonaro đã ký sắc lệnh tăng tiền phạt đối với tội phạm môi trường.

Sắc lệnh mới tăng tiền phạt đối với hành vi làm giả tài liệu để che đậy việc khai thác gỗ trái phép, tăng hình phạt nặng hơn đối với những hành vi tái phạm. Cụ thể, việc làm giả tài liệu để đưa gỗ bất hợp pháp vào chuỗi cung ứng hợp pháp sẽ chịu hình phạt bổ sung là gần 60USD/m3, với mức phạt tối đa là khoảng 9,7 triệu USD.

Bên canh đó, tiền phạt cho các hành vi phá hoại môi trường, thường nhằm vào việc săn bắn trái phép, đánh bắt cá và gây ô nhiễm môi trường, cũng được coi là một trong những công cụ chính của Brazil nhằm chống lại hành vi phá rừng bất hợp pháp. 

Ngoài các hình phạt dành cho tội phạm phá rừng, chính quyền Brazil cũng tiến hành hợp tác với nhiều công ty, doanh nghiệp trong việc cung cấp các thiết bị công nghệ hỗ trợ giám sát rừng. Một trong số đó phải kể đến “Dự án kết nối và bảo vệ rừng Amazozn” của công ty công nghệ SpaceX. Ngày 20/5 vừa qua, tỷ phú Elon Musk - Giám đốc điều hành (CEO) của SpaceX đã tới Brazil, và có cuộc gặp với Tổng thống Jair Bolsonaro ở thành phố Porto Feliz để thúc đẩy dự án này.
Ảnh Twitter - Trước đó, trên trang Twitter cá nhân của mình, ông Musk chia sẻ về sự hào hứng cho cuộc gặp ở Brazil để triển khai chương trình Starlink cho 19.000 trường học chưa được kết nối internet tại các vùng rừng núi và để theo dõi tình hình môi trường ở rừng Amazon.

Về phần mình, trong buổi họp báo sau cuộc gặp với ông Elon Musk, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro khẳng định vấn đề bảo tồn rừng Amazon hiện đang là một trong những ưu tiên hàng đầu với chính quyền nước này.

Tổng thống Brazil JAIR BOLSONARO: “Vấn đề bảo tồn rừng Amazon rất quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi đang cố gắng, chúng tôi tin tưởng vào Elon Musk có thể giúp chúng tôi lan toả thông điệp tới tất cả mọi người ở Brazil và trên thế giới. Từ đó, chúng ta có thể bảo tồn rừng Amazon và hạn chế những thông tin không chính xác về vấn đề này.”

Chính phủ Brazil kỳ vọng công nghệ của Starlink sẽ giúp cung cấp internet cho cộng đồng bản địa, trường học và trung tâm y tế ở vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, vệ tinh Starlink cũng có thể giúp giám sát nạn phá rừng bất hợp pháp ở rừng Amazon. Trước đây, các tổ chức bảo tồn đã sử dụng vệ tinh để theo dõi những biến động môi trường, chẳng hạn như cháy rừng.

BRAZIL HỒI SINH VÙNG RỪNG NGẬP MẶN TỪ BÃI CHÔN LẤP RÁC THẢI

Không chỉ riêng vùng rừng nhiệt đới Amazon, mà các khu vực rừng ngập mặn cũng đang cần phải được bảo tồn trước những diễn biến phức tạp của tình trạng biến đổi khí hậu, các vấn đề về ô nhiễm và hành vi phá rừng. Có thể kể đến vùng rừng ngặp mặn tại khu vực Gramacho.

Mặc dù các quy định về bảo vệ rừng ngập mặn đã quy định rõ và có tính hợp pháp từ năm 1965, nhưng vào năm 1975, tốc độ đô thị hoá ngày càng tăng nhanh ở thành phố Rio de Janeiro, Brazil đã khiến cho 1.300 ha rừng ngập mặn ở khu vực này trở thành một bãi chôn lấp rác thải của thành phố. 

Hậu quả là mất cân bằng hệ sinh thái, nhiều loài sinh vật không còn. Đứng trước tình trạng này, từ năm 1997, nhà sinh vật học Mario Moscatelli đã cùng các đồng nghiệp của mình bắt đầu khôi phục khu vực rừng ngập mặn này.

Ông MARIO MOSCATELLI, Nhà sinh vật học: “Bãi chôn lấp rác thải này bắt đầu xuất heienj vào năm 1975, và một phần của rừng ngập mặn là nơi chứa phần lớn rác thải thải ra từ khu vực đô thị Rio de Janeiro. Từ góc độ môi trường và kỹ thuật, điều này thật nực cười, bởi đây không phải là một nơi thích hợp cho việc đó, không chỉ vì lý do môi trường và còn vì lý do pháp lý nữa. Nhừng vào những năm 70 thì nó lại xảy ra như vậy.”

Sau nhiều thập kỷ nỗ lực và làm việc chăm chỉ, rừng ngập mặn Gramacho giờ đây đã hoàn toàn “thay da đổi thịt”. Đây có thể nói là một trường hợp thành công ngoài sức tưởng tượng của các chuyên gia môi trường và các nhà sinh vật học, một minh chứng cho việc hồi sinh thành công rừng và hệ thống sinh vật hoang dã.

Ông MARIO MOSCATELLI, Nhà sinh vật học: “Sau 25 năm làm việc, chúng tôi đã hồi sinh được 130 ha rừng ngập mặn Gramacho, nơi từng là một trong những khu vực suy thoái nhất ở vịnh Guanabara.”

Chỉ tính riêng trong 3 tháng qua, có khoảng 1.500 tấn rác được đổ ra vịnh. Ông Moscatelli khẳng định đây là một công viêc tốn nhiều thời gian và nguồn lực để hoàn thành.

Ông MARIO MOSCATELLI, Nhà sinh vật học: “Đây là một trong những trở ngại đối với chúng tôi, vì đó là một công việc cần rất nhiều thời gian và nguồn lực để khôi phục rừng ngập mặn. Nếu chúng ta không bảo tồn những khu vực này, thì chắc chắn không thể nào khôi phục được chúng.”

Rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu bởi phần lớn hệ thống đa dạng sinh học ven biển phụ thuộc vào khu vực này. Rừng sẽ hấp thu khí nitơ và phốt pho từ nước bị ô nhiễm và nước thải. Hệ sinh thái rừng ngập mặn cũng hấp thụ lượng khí cacbon gấp 4 lần và tích luỹ lượng khí cacbon nhiều hơn gấp 10 lần so với các khu vực rừng khác. 

TRUNG QUỐC BẢO TỒN RỪNG VÀ HỆ SINH THÁI NGẬP NƯỚC

Trong một báo cáo của Cục Quản lý lâm nghiệp Trung Quốc, trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2021, khoảng 80 triệu ha rừng đã được đưa vào quản lý và chăm sóc. Trong khi đó, trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 - 2020), diện tích rừng được chăm sóc và bảo vệ là khoảng 41 triệu ha. Với 10 năm nỗ lực, các phương thức quản lý rừng lạc hậu trước đây đã hoàn toàn thay đổi, cải thiện cấu trúc rừng cũng như phát huy được tiềm năng của rừng.

Ông HẠ TRIỀU TRUNG, Viện Khảo sát và Quy hoạch rừng: “Theo thống kê, trữ lượng rừng thông của Trung Quốc đạt 94,83 m3/ha trong thập kỷ qua, tăng 8,95 m3 so với 10 năm trước.”

Quản lý rừng là một trong các hoạt động được chính quyền Trung Quốc triển khai nhằm bảo vệ và chăm sóc rừng trong suốt quá trình sinh trường. Từ đó thiết lập một hệ sinh thái rừng ổn định, khoẻ mạnh, chất lượng cao và hiệu quả. Bên cạnh đó, quản lý rừng cũng bao gồm biện pháp kỹ thuật thúc đẩy rừng sinh trưởng, cải thiện môi trường lâm nghiệp, điều chỉnh cấu trúc lâm phần của rừng.

Bên cạnh các hoạt động quản lý rừng nói chung, Trung Quốc cũng đang thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để thúc đẩy bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn. Theo kế hoạch do bộ Tài nguyên và Lâm nghiệp Quốc gia Trung Quốc ban hành vào năm 2020, nước này dự định trồng và phục hồi 28.800 ha rừng ngập mặn vào năm 2025. Kế hoạch này sẽ đảm bảo sự phát triển an toàn cho rừng ngập mặn hiện có và các biện pháp khoa học để phục hồi hệ sinh thái ở khu vực này, nhằm tăng cường đa dạng sinh học và cải thiện hoàn toàn hệ sinh thái. 

Cảng Đông Trại, một trong những khu vực rừng ngập mặn quan trọng nhất ở thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, đã được phê duyệt trở thành khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập mặn quốc gia đầu tiên vào năm 1986. Rừng ngập mặn chủ yếu phát triển trên các vùng triều nhiệt đới và cận nhiệt đới, và được coi là một phần điển hình của hệ sinh thái biển quan trọng như các rạn san hô, đầm lầy muối và thảm cỏ biển. 

Ông PHÙNG NHĨ HUY, Cục Bảo tồn thiên nhiên Quốc gia Cảng Đông Trại: “Với vai trò quan trọng trong các khía cạnh khác nhau của bảo tồn hệ sinh thái biển, chẳng hạn như lọc nước biển, hấp thụ và lưu trữ carbon, cũng như duy trì đa dạng sinh học, chúng tôi coi rừng ngập mặn giống như "lực lượng bảo vệ bờ biển" và “lá phổi xanh của đại dương””.

Đầu tháng 6/2022, Luật quy định của Trung Quốc về bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước cũng đã chính thức có hiệu lực. Động thái mới nhất này là nỗ lực của Trung Quốc trong những năm gần đây nhằm mở rộng diện tích rừng các loài cây ngập mặn quý hiếm. Và tất nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia cảng Đông Trại ở tỉnh Hải Nam, là một trong những khu vực được hưởng lợi nhiều nhất từ luật này.

Ông PHÙNG NHĨ HUY, Khu bảo tồn Thiên nhiên Quốc gia Cảng Đông Trại: “Đây là khu bảo tồn đất ngập nước lớn nhất ở Hải Nam, có tầm quan trọng quốc tế. Đây là nơi sinh sống của 7% các loài cây ngập mặn ở Trung Quốc.”

Năm 1998, tỉnh Hải Nam đi đầu trong việc thực hiện “Quy định về Bảo vệ rừng ngập mặn”, từ đó cải thiện các quy định, pháp luật địa phương và khởi động các dự án bảo vệ vùng đất ngập nước. 

Ông VƯƠNG QUANG LỢI, Tổng Giám đốc, Cục Bảo tồn Động vật Hoang dã Hải Nam: “Hiện có 9 khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước trong tình, với diện tích lên tới hơn 10.000 ha.”

Các vùng đất ngập nước của Hải Nam đã chứng kiến sự gia tăng đa dạng sinh học trong những năm gần đây. Tổng cộng 453 loài chim hoang dã hiện đang sinh sống trên đảo, cùng với các loài động vật quý hiếm khác có nguy cơ tuyệt chủng. Các quan chức Hải Nam cho biết sẽ tiếp tục tăng cường giám sát và bảo vệ rừng ngập mặn, nhằm duy trì sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

MALAYSIA BẢO TỒN CÁC LOÀI THỰC VẬT RỪNG NGUY CẤP

Anh SUZAIRI ZAKARIA, Nhiếp ảnh gia: “Tên tôi là Suzairi Zakaria, nhưng bạn bè hay gọi tôi là “Dome”. Tôi là một nhiếp ảnh gia và cũng là một nhà bảo tồn thực vật hoang dã.”

Đội chiếc mũ bèo xanh, mặc chiếc áo phông với khẩu hiệu coi tình trạng mất đa dạng sinh học là “kẻ giết người thầm lặng”, anh Suzairi Zakaria đã biến khoảng sân sau nhà mình thành nơi bảo tồn của hàng nghìn loài thực vật đang bị đe doạ, chủ yếu là các loài lan rừng quý hiếm.  

Vị nhiếp ảnh gia 46 tuổi này nảy sinh tình yêu với lan và các loài thực vật khác trong chuyến công tác cách đây 7 năm, khi anh tới một khu vực hoang tàn với nhiều loài thực vật đang chết dần vì nạn chặt phá rừng 

Anh SUZAIRI ZAKARIA, Nhiếp ảnh gia: “Một trong những lý do tôi bảo vệ các loài thực vật, nhất là lan rừng, là bởi khi đến các khu vực đó, tôi thấy rất nhiều loài lan và loài thực vật khác đang khô héo dần. Tôi cảm thấy thật tiếc nếu cứ để tình trạng đó diễn ra. Vì thế tôi quyết tâm phải cứu chúng. Đưa chúng về và trồng lại. Đây cũng là cách để tôi có thể bảo vệ các loài thực vật khác tại Terengganu.”

Đến nay, khu vườn của anh Suzairi đã có hơn 2.000 loài thực vật, trong đó có hơn 200 loài lan rừng. 

Anh SUZAIRI ZAKARIA, Nhiếp ảnh gia: “Đôi khi có những loài lan rừng mà chưa ai biết tới, nên nếu chúng ta không bảo tồn hoặc bảo vệ chúng, chúng ta sẽ không thể nào biết tới sự tồn tại của chúng trong thiên nhiên. Đó là một mất mát khá lớn với quốc gia.”

Không chỉ giúp bảo tồn các loài thực vật trước nguy cơ tuyệt chủng, đây còn là kho tàng phong phú phục vụ các chuyên gia môi trường, những người đam mê hoạt động nghiên cứu. 

Giáo sư JAMILAH MOHD SALIM, Chuyên gia về hệ sinh thái rừng và đa dạng thực vật học: “Những gì chúng tôi biết về Dome, đó là ban đầu anh ấy chỉ là một nhiếp ảnh gia, nhưng dần dần anh ấy đã kết nối với các trường đại học và các nhà khoa học để tìm hiểu thêm về thực vật. Anh tự học hoàn toàn. Anh ấy có một tài năng hiếm có và có thể truyền bá kiến thức khoa học của mình cho mọi người.”

Bên cạnh việc tự mày mò, học hỏi từ các nhà khoa học, anh Suzairi còn bổ sung kiến thức cho mình về rừng nhiệt đới và các loài thực vật từ chính những chuyến đi vào sâu trong rừng, ghi lại cuộc sống của một trong số những bộ lạc du mục lâu đời nhất tại Malaysia, những cư dân bản địa Bateq.

Anh MOHD NAQUIB MOHAMMAD, Tình nguyện viên: “Kể cả chúng tôi có đi theo anh ấy thì chúng tôi cũng không thể làm được những gì mà anh ấy đã làm. Tiền bạc với anh ấy không phải là mục đích chính, mà là niềm đam mê. Không có từ nào có thể nói về nỗ lực của anh ấy.”

Cũng như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, Malaysia được bao phủ bởi những cánh rừng mưa nhiệt đới đa dạng sinh học. Thế nhưng từ năm 2001 đến nay, theo dữ liệu từ Global Forest Watch, nước này bị mất tới 29% độ che phủ rừng do tình trạng chặt phá tràn lan, đẩy nhiều loài thực vật quý hiếm vào nguy cơ tuyệt chủng. 

Đỗ Lê Ngọc Anh