Nhìn lại hành trình hạn chế phương tiện cá nhân lắm "gian truân" của Thủ đô

Cách đây 7 năm, Bộ GTVT và thành phố Hà Nội đã dự đoán, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 1 triệu ô tô và hơn 7 triệu xe máy. Đến nay, các dự đoán này đều chính xác. Nhưng những dự định hạn chế phương tiện cá nhân cứ mỗi lần được hoạch định đều vấp phải phản ứng gay gắt từ phía người dân khiến dự án rơi vào vòng luẩn quẩn không lối thoát.

Xe máy phải lên vỉa hè, còn lòng đường chật kín ô tô ở mọi làn xe… mạnh ai nấy đi.

Những hình ảnh này đã trở thành quen thuộc với rất nhiều người tham gia giao thông vào các khung giờ cao điểm. Có thể thấy, việc gia tăng số lượng phương tiện cá nhân một cách chóng mặt đang khiến việc đi lại trở nên khó khăn hơn.

Trong phát triển giao thông đô thị người ta hay nhắc tới giải pháp "kéo" và "đẩy". Kéo là đưa ra các đặc quyền, các ưu thế vượt trội cho phương tiện vận tải công cộng để thu hút người dân. Đẩy là tăng thêm khó khăn cho phương tiện cá nhân để buộc người dân chuyển đổi loại hình.

Và để giải pháp này, nhiều chuyên gia đưa ra hướng phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng.

Tháng 7/2012, HĐND Thành phố thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, theo đó, Hà Nội sẽ tập trung ưu tiên cho phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, đảm bảo thị phần vận tải hành khách khu vực đô thị trung tâm đến năm 2030, đáp ứng khoảng 50-55%, sau 2030 đạt 60-65% nhu cầu xã hội.

Tuy nhiên, thực tế đến nay, dù hệ thống vận tải hành khách công cộng Hà Nội đã có những bước phát triển đáng kể, song muốn thu hút người dân sử dụng dịch vụ, cần phải tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, và ngay trong việc kết nối giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng với nhau.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Kiều Minh