Nhiều trường hợp tử vong vì bệnh dại, các địa phương mở rộng tổ đội bắt chó thả rông

Hiện tổng đàn chó, mèo của Hà Nội là khoảng 460.000 con, đứng thứ hai cả nước. Từ năm 2019 đến nay, Hà Nội ghi nhận nhiều trường hợp tử vong vì bệnh dại. Qua điều tra dịch tế, các trường họp tử vong đều bị chó cắn mà không tiêm vaccine hoặc tiêm muộn.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2022-2030, Hà Nội sẽ triển khai mô hình bắt chó, mèo thả rông đến gần 600 xã, phường, thị trấn thuộc các quận, huyện. Từ nay đến năm 2023, đội bắt chó thả rông sẽ được thành lập ở 175 phường thuộc 12 quận nội thành.

Thống kê tổng đàn chó của cả nước khoảng 5,4 triệu con ở 3,5 triệu hộ nuôi, nhưng chỉ có (39%) được tiêm phòng. Mỗi năm có tới 400-500 nghìn người bị chó cắn, phải điều trị dự phòng, 80-100 người tử vong do lây bệnh dại từ chó mèo. Trên thế giới, cứ 10 giây lại có 1 người chết vì bệnh dại, 55.000 người tử vong do bệnh dại/mỗi năm.

Trong kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2030 của Chính phủ, mục tiêu đặt ra là giám sát được chó, mèo mắc bệnh, nghi mắc bệnh dại, nhằm xây dựng vùng an toàn bệnh dại đối với các địa phương chưa được công nhận và duy trì các điều kiện an toàn dịch bệnh đối với 100% vùng an toàn dịch bệnh dại đã được công nhận. Thế nhưng, ở những đô thị lớn, chó được nuôi như một loại thú cưng, gây ra nhiều khó khăn trong công tác bắt và xử lý.

PV Kim Yến:Việc thành lập đội bắt chó ở các đô thị phải đối diện không ít thách thức, trưng dụng từ nhiều lực lượng. Đánh giá của ông về vấn đề này?”

Ông NGUYỄN VĂN LONG, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: “Về mặt cơ chế pháp lý đã có đầy đủ tại Thông tư số 07. Thứ hai là quyết định của Thủ tướng phê duyệt chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại, trong đó có nội dung quản lý đàn chó. Các địa phương căn cứ điều kiện, tình hình thực tế để quyết định thành lập các tổ đội bắt chó, đảm bảo quản lý đàn chó mèo tại địa phương. Thực tế cũng có nhiều địa phương triển khai tốt như Thành phố Hồ Chí Minh và một số quận tại Hà Nội. Gần đây, Hà Nội cũng có kế hoạch để tổ chức chương trình quốc gia theo kế hoạch của Chính phủ và tiếp tục mở rộng tổ đội bắt chó tại các địa phương khác.”

PV Kim Yến: “Khó khăn nữa là theo quy định, khi chó về mà không có gia chủ nhận ngay thì phải nuôi nhốt trong vòng 48 giờ. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng con chó trong thời gian 48 giờ tại tổ bắt giữ chó thời gian qua có thực sự, thưa ông?”.

Ông NGUYỄN VĂN LONG, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: “Về quy định 48 tiếng tại Thông tư số 07, khi xây dựng quy định cũng đã tham vấn trên cơ sở khoa học cho thấy 48 tiếng đủ cho các cơ quan chính quyền địa phương đảm bảo việc bắt nhốt con chó cũng như kịp thời thông báo cho chủ có các biện pháp xử lý. Thứ hai, để có hiệu quả, không ảnh hưởng tới việc quản lý và nuôi giữ đàn chó, các địa phương cần có kế hoạch chi tiết để khi thành lập các tổ đội bắt chó, triển khai việc bắt chó thả rông thì đã có các giải pháp về nơi nuôi nhốt, biện pháp chăm sóc nuôi dưỡng, thông tin tới các chủ hộ nhằm giảm nguy cơ cho cộng đồng, đảm bảo sức khỏe của con chó khi không có vấn đề dịch bệnh.”

PV Kim Yến: “Khoản 3 Điều 35 Nghị định 99/2015/NĐ-CP có quy định hành vi chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư là một trong các hành vi bị nghiêm cấm nhưng Luật Thú y 2018 thì không xác định chó nằm trong những phạm vi bị chế tài? Ý kiến của ông về vấn đề này? Ông có khuyến cáo gì với người dân để hoạt động này đạt hiệu quả hơn?”.

Ông NGUYỄN VĂN LONG, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: “Luật Thú y là quy định các biện pháp liên quan tới công tác thú y, nhất là các biện pháp phòng chống dịch bệnh… , trong đó có bệnh dại. Thứ hai là các biện pháp đảm bảo vệ sinh thú y cũng như an toàn thực phẩm. Liên quan tới việc quản lý nuôi thì ngoài quy định về mặt thú y phải tuân thủ quy định ở Nghị định 99, theo đó nói rất rõ các hành vi chăn thả gia súc ở trong khu chung cư bị cấm. Chủ vật nuôi bao gồm chủ nuôi chó phải tuân thủ các quy định khác của pháp luật có liên quan, kể cả các quy định trong lĩnh vực chăn nuôi. Tôi rất mong người dân khi thực hiện phải tuân thủ theo đúng quy định.”

PV Kim Yến: Trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Hoàng