Nhiều khó khăn trong triển khai đào tạo lái xe qua cabin "ảo"

Việc đào tạo lái xe qua cabin "ảo" dự kiến sẽ áp dụng vào đầu năm tới 2023. Mặc dù phải từng bước tiến hành thay thế trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đào tạo mới, nhưng các cơ sở đào tạo hiện gặp phải nhiều khó khăn, do vốn đầu tư lớn. Đây là thông tin được ghi nhận tại buổi thị sát của lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tại một số cơ sở ở TPHCM.

Phần mềm và cabin điện tử giúp học viên được tập luyện kỹ năng và phản xạ trong các tình huống giao thông khác nhau, nhờ đó nâng cao chất lượng chất lượng chương trình dạy học, thực hành. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều trung tâm đào tạo sát hạch lái xe ô tô tại TPHCM vẫn chưa mua sắm mô hình cabin điện tử, do thiết bị này có giá thành cao. Bên cạnh đó, đến nay chưa có nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất công bố sản phẩm cabin học lái hợp quy ra thị trường để có thể chào giá cạnh tranh cho các trung tâm.

Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam: “Vụ công nghệ của bộ đang tiến hành thẩm định và lựa chọn, trong một vài tháng tới sẽ ra cái đó. Và sau khi ra quyết định thẩm định thì các cabin này được phép đưa vào hoạt động từ tháng 1/2023. Bộ cũng như Tổng cục đang đẩy nhanh chỉ thầu cơ quan thẩm định.” 

Qua làm việc với các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, việc trang bị thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe là điều kiện kinh doanh bắt buộc đối với các cơ sở đào tạo lái xe. Nếu trung tâm nào không trang bị sẽ không được phép đào tạo lái xe ôtô.