Nhận diện lỗ hổng pháp luật gây lãng phí nguồn lực đất đai

Báo cáo Kiểm toán Nhà nước gửi tới đoàn giám sát tối cao về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 cho thấy công tác giao đất tại nhiều địa phương còn bất cập, hạn chế. Trong đó chủ yếu là giao đất theo hình thức chỉ định, không đấu giá quyền sử dụng đất, ban hành văn bản công nhận chủ đầu tư theo hình thức chỉ định, vi phạm Luật Đấu thầu và các Nghị định liên quan.

Từ một loạt ví dụ ở các địa phương, một số chuyên gia cho rằng bên cạnh các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về đất đai, vẫn còn lỗ hổng trong hệ thống pháp luật. Theo Tổng Thanh tra Chính phủ,  thực tế có nhiều trường hợp không thể thực hiện được kết luận của Thanh tra do vướng mắc trong việc xử lý tài sản, chi phí đầu tư vào đất DN đang sử dụng để thực hiện đấu giá hoặc thu hồi theo quy định…

Ông ĐOÀN HỒNG PHONG, Tổng Thanh tra Chính phủ: Hiện nay, thực hiện kết luận của thanh tra có 46 dự án, nhưng yêu cầu của thanh tra còn 1034 mà thành phố Đà Nẵng phải triển khai thực hiện như kết luận của thanh tra, nhưng khi thành phố thực hiện thì không thực hiện được kết luận thanh tra, kết luận của thanh tra đúng, yêu cầu của thanh tra đúng, nhưng thành phố không thực hiện được nếu thực hiện đúng. Lý do tại sao? ví dụ giao đất cho một nhà đầu tư A, thì nhà đầu tư A đã chuyển qua được nhà đầu tư B, C, D, F1, F2 đến F5, F6 rồi, trong đó có F là nhà đầu tư nước ngoài. Người ta không phải đối tượng thực hiện nữa nên người ta không thực hiện.”

 Bên cạnh đó, đối tượng được giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá còn khá rộng, chưa cụ thể, dẫn đến việc không lựa chọn kỹ chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án.

Ông ĐẶNG HÙNG VÕ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:Việc lựa chọn chủ đầu tư của chúng ta vẫn còn tình trạng theo chủ quan của người có thẩm quyền. Nó không có tiêu chí khách quan, để lựa chọn nhà đầu tư đó là đúng. Vì vậy, chúng ta cần tiêu chí rất cụ thể, được cân đo đong đếm bằng số, để dự án nào thì đấu giá, dự án nào thì đấu thầu, dự án nào thì có thể giao trực tiếp.”

Trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi Đoàn giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mới đây cũng đưa ra một nhận định đáng lưu ý. Đó là pháp luật đất đai hiện nay mới chỉ quy định việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, chưa quy định chặt chẽ, bắt buộc phải đấu giá đối với đất do doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng khi chuyển mục đích sử dụng đất. Vấn đề này cùng với những bất cập, thiếu minh bạch trong việc xác định giá đất không sát giá thị trường là kẽ hở cho tiêu cực, khi chuyển quyền sử dụng đất từ DNNN sang tư nhân thông qua cổ phần hóa. Tại các đô thị với các khu đất có giá trị sinh lời cao, việc chuyển mục đích sử dụng đất mà không phải đấu giá tiềm ẩn nguy cơ cao thất thoát NSNN.

Ông VŨ NGỌC TUẤN, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước: “Chúng tôi cũng nhận thấy là trước khi cổ phần hóa, chưa lập phương án sử dụng đất, hoặc có lập phương án sử dụng đất không phù hợp với phương án sắp xếp nhà đất, hoặc chưa có trong kế hoạch sử dụng đất. Sau cổ phần hóa thì không hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đất sau cổ phần hoá. Đặc biệt là tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa dẫn đến nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.”

Làm thế nào để ngăn ngừa, không để vi phạm  xảy ra, không để tiền, tài sản nhà nước bị thất thoát, tức là xử lý tận gốc rễ vấn đề là bài toán khó được đặt ra hiện nay. Để nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng đất đai, phải thiết lập được cơ chế khả thi hơn, thuận lợi hơn để người dân thực sự giám sát được việc quản lý và sử dụng đất đai. Các cơ quan nhà nước, cán bộ thực thi công vụ phải thực hiện trách nhiệm giải trình về những vấn đề liên quan trong quản lý, sử dụng đất đai khi được yêu cầu một cách kịp thời, nghiêm túc. 

Ngọc Tuấn