Nhận diện khó khăn doanh nghiệp Việt Nam đối mặt sau đại dịch

Với chủ đề "Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững", chuyên đề 2 của Diễn đàn kinh tế xã hội năm 2022 đã diễn ra với sự quan tâm rất lớn của các ĐBQH, các chuyên gia. Tham dự có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tham luận của các chuyên gia cho thấy thực trạng triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó nhấn mạnh về tổng thể Chương trình đã giúp kích thích nền kinh tế, củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên từng tiêu chí của Chương trình còn có điểm hạn chế, triển khai chậm; đặc biệt là nhóm hỗ trợ lãi suất 2%.

PGS. TS. NGUYỄN TRÚC LÊ - Tư vấn Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN: "Số liệu đến thời điểm này cho chúng ta biết rằng doanh số cho vay đạt 4,1 nghìn tỉ đồng cho gần 550 khách hàng tính đến tháng 8/2022. Trong gói giải ngân hỗ trợ 2% lãi suất chỉ đạt được 13,5 tỉ đã giải ngân. Như vậy, mỗi khách hàng được hỗ trợ trung bình lãi suất hơn 26 triệu. Trong quá trình phỏng vấn, các doanh nghiệp không mặn mà vì cho rằng để có hỗ trợ 2% lãi suất thì phải thực hiện nhiều thủ tục, đáp ứng nhiều điều kiện, sợ bị thanh tra. Ngoài ra, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ thì không có tài sản bảo đảm, hộ kinh doanh cả thể không có giấy phép đăng ký kinh doanh cũng là những rào cản lớn".

Các diễn giả ra cũng chỉ ra nhiều khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt sau đại dịch bao gồm: khó khăn về lao động cả về số lượng và chất lượng, tiếp cận thông tin cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn & không ưu tiên cho các hoạt động đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, cải thiện năng lực cạnh tranh, đặc biệt là khó khăn về tài chính.

Bà HÀ THỊ THU THANH - Chủ tịch HĐTV Công ty Tư vấn & Kiểm toán Deloitte Việt Nam: “Hầu hết các DN Việt Nam là các DN nghiệp vừa và nhỏ nên cách tiếp cận vốn duy nhất của các DN là vay vốn qua các ngân hàng thương mại, Tài sản đảm bảo giá trị thấp, số vốn vay được thấp nên hạn chế việc mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh, doanh nghiêp chưa ưu tiên cho các hoạt động đổi mới sáng tạo để cải thiện và nâng cao năng lực".

Cũng theo các diễn giả, thời gian qua DN vừa và nhỏ của VN đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế khoảng 40% GDP, nộp ngân sách nhà nước 30%, đóng góp giá trị sản lượng công nghiệp 33%, giá trị hàng hóa xuất khẩu 30% và thu hút gần 60% lao động. Tuy nhiên đối tượng này cũng rất dễ bị tổn thương. Khi các DN vừa và nhỏ rút lui khỏi thị trường vì họ không có khả năng vượt qua được khủng hoảng thì vốn DN đã đầu tư bị phá hủy, người lao động bị mất việc làm, mức độ bất bình đẳng trong xã hội có thể tăng lên. Chính vì vậy việc Chính phủ cân nhắc các biện pháp giúp doanh nghiệp có thể tăng khả năng chống chịu trước những cú sốc này./.

Như Thảo