Nhà nước chỉ nên thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích KT-XH của quốc gia, lợi ích công cộng

Về Luật Đất đai (sửa đổi) cử tri quan tâm đến những vấn đề bất cập còn tồn tại của Luật Đất đai 2013 và các văn bản dưới luật. Đồng thời cũng góp ý thêm vào Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Quốc hội cho ý kiến, cụ thể là vấn đề giá đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư, đặc thù vùng miền quản lý sử dụng đất đai.

Còn với phiên chất vấn của Quốc hội sẽ bắt đầu diễn ra trong chiều nay 3/11, cử tri cũng đặt nhiều kỳ vọng vào những câu chất vấn và trả lời chất vấn thật sự thoả đáng. Sau đây là một vài ý kiến cử tri chúng tôi ghi nhận được:

Tiến sĩ VŨ ĐÌNH ÁNH - Chuyên gia kinh tế: “Cơ bản là kế thừa Luật Đất đai 2013, do đó thẩm quyền và đối tượng thu hồi cũng như hình thức bồi thường hỗ trợ tái định cư sẽ chưa thể giải quyết vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay. Cụ thể, về thẩm quyền thu hồi đất hiện nay, chúng ta không thu hẹp mà còn mở rộng, nhiều đối tượng có thể bị thu hồi đất và như vậy có thể xảy ra vấn đề lạm dụng thu hồi đất.”

Ông LÊ HOÀNG CHÂU - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh: “Nhà nước sẽ thu hồi đất với những dự án mà doanh nghiệp bồi thường 80% diện tích đất trở lên. Chúng tôi nhận thấy điểm này không hợp lý. Nhà nước chỉ nên thu hồi đất trong 2 trường hợp lớn. Thứ nhất là lý do quốc phòng và an ninh quốc gia, thứ hai là thu hồi đất vì lợi ích kinh tế xã hội của quốc gia, lợi ích công cộng.”

Ông VŨ HỒNG THUẤN - Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu: “Khi thực hiện đấu thầu, đấu giá sử dụng đất, chúng ta thực hiện theo điều 50 của Nghị định 25 hướng dẫn Luật Đấu thầu để chọn nhà đầu tư trong này quy định 1/500 hoặc 1/2000 trong quy quy hoạch 1/2000 quy định rất rõ về các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng... Tôi nghĩ như thế sẽ phù hợp hơn quy định trong thông tư 14 là phải có quy hoạch 1/500 mới được đấu giá đất...”.

Ông NGUYỄN VĂN HẢI - GĐ Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: “Trong luật cũng nên nghiên cứu các vùng miền để làm sao cho hài hòa. Ví dụ, do đặc thù quản lý sử dụng đất đai, thực trạng sử dụng đất đai đối với các tỉnh khu vực phía nam, vấn đề lịch sử đất đai tương đối phức tạp. Thứ hai, sở hữu đất đai kể cả diện tích sử dụng trong nông nghiệp cũng rất lớn. Do đó, nếu chúng ta không có những quy định thoáng ở chỗ này, để xử lý các vấn đề vùng miền, thì sẽ hạn chế quyền sử dụng của người dân".

Ông NGUYỄN MINH THÀNH - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đất đai, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Luật kỳ này quy định bảng giá đất chỉ 1 năm thôi. Tuy nhiên, một năm thì hơi nhanh, xoay qua xoay lại chúng ta thuê đơn vị tư vấn tiếp tục làm cái này tôi thấy rất mất thời gian. Trong 1 năm, giá đất có biến đổi, thực tế không biến đổi bao nhiêu. Theo tôi, bảng giá đất thay đối nên với chu kỳ 2 năm, chúng ta thay đổi 1 lần thì luật quy định 2 năm chứ không phải 1 năm".

Anh HỒ HUY - Thành phố Đông Hà tỉnh Quảng Trị: Về vấn đề điều hành xăng dầu, trong thời gian vừa qua, rất nhiều người dân xếp hàng ở Hà Nội, Sài Gòn nhưng không thể đổ xăng được hoặc đổ xăng một cách nhỏ giọt. Cái này chúng ta cần xem lại, bởi vì xăng dầu là gần như mạch máu của Quốc gia liên quan đến vấn đề đời sống. Thứ hai, về vấn đề nợ xấu và đặc biệt là các hình thức vay qua apps. Cái này gây ảnh hưởng lớn, đặc biệt là thanh thiếu niên, vì thanh thiếu niên họ chỉ biết vay. Hiện nay vay rất dễ, nên khi tình trạng này xảy ra, hầu như phụ huynh, bố mẹ phải giải quyết. Gây hệ lụy xấu cho xã hội".

Ông NGUYỄN LÂM BÁ - Cử tri TP. Hồ Chí Minh: “Đã là chất vấn là những vấn đề bức xúc, những câu hỏi, những vấn đề mà người dân đang chịu, đang trải qua. Những người chất vấn là những người đại diện cho dân, mình mong muốn những người được chất vấn phải có câu trả lời thực sự thoả đáng.”