Nguy cơ khủng hoảng năng lượng trầm trọng ở Châu Âu

Lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn than đá của Nga vào Liên minh châu Âu (EU) vừa chính thức có hiệu lực. Diễn ra trong bối cảnh EU đang vật lộn với chi phí năng lượng tăng vọt do khủng hoảng Ukraine, nhiều quốc gia trong khối đang tức tốc lao vào cuộc đua nước rút tiết kiệm năng lượng, bên cạnh những nỗ lực tìm kiếm các nguồn cung thay thế.

Tuy nhiên, nguy cơ về một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có tiền lệ vẫn đang chực chờ.

Vật lộn trong cơn khát năng lượng do Nga thắt chặt nguồn cung khí đốt, Liên minh châu Âu đang chật vật đa dạng hóa nguồn cung năng lượng từ khắp nơi để duy trì hoạt động của nền kinh tế.

Tăng cường tìm kiếm các nguồn cung thay thế từ Colombia, Australia, Mỹ và Nam Phi.

Hàng tỷ đôla Mỹ được chi cho các thiết bị đầu cuối để tiếp nhận khí hóa lỏng (LNG) từ Mỹ. 

Các nhà máy nhiệt điện than đang được hồi sinh. 

Chính thức áp dụng kế hoạch cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt trên toàn khối.

Một loạt các biện pháp đã được đưa ra trong nỗi lo Nga sẽ "vũ khí hóa" khí đốt tự nhiên. 

Thủ tướng Đức OLAF SCHOLZ: “Chúng tôi đã đưa ra các quyết định nhằm cải thiện nguồn cung năng lượng và cũng để đảm bảo rằng có thể tạo ra cơ sở hạ tầng cho châu Âu giúp các thành viên của khối hỗ trợ lẫn nhau dễ dàng hơn.” 

Thế nhưng trên thực tế, khủng hoảng năng lượng đã lan sang rất nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, khiến chi phí nhà máy tăng cao và đe dọa đẩy một số nền kinh tế lớn nhất Châu Âu rơi vào suy thoái. Nỗi lo lạm phát cũng như giá năng lượng tăng phi mã cũng khiến mỗi thành viên trong EU tức tốc lao vào cuộc chạy đua tiết kiệm năng lượng theo cách riêng. 

Bà TERESA RIBERA, Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha: “Chúng tôi muốn mọi người phải đóng cửa khi bật điều hòa hoặc hệ thống sưởi. Biện pháp này đòi hỏi phải rà soát lại cửa của các tòa nhà để thích ứng, hạn chót trước ngày 30/9 năm nay.” 

Rõ ràng, tiết kiệm năng lượng đang được xác định là công cụ quan trọng trong các chính sách trước mắt nhằm tái thiết nền kinh tế năng lượng EU, bởi hiện tại EU không có nhiều giải pháp và đang đứng trước sức ép về thời gian khi phải bù đắp nguồn cung năng lượng thiếu hụt rất lớn trước mùa đông sắp tới, trong khi việc tìm kiếm các nguồn cung thay thế sẽ còn mất thêm nhiều thời gian, không dễ gì triển khai trong một sớm một chiều.

Khi đó, nhìn lại lệnh cấm nhập khẩu than đá hồi tháng 4, dù được đưa ra dễ dàng, nhưng hậu quả để lại rất lớn: làm tăng chi phí, phá vỡ chuỗi cung ứng và có thể gây ra tác động mạnh, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế và năng lượng của chính EU. 

Hồng Nhung