• 1055 lượt xem
  • 04:20 14/08/2022
  • Kinh tế

Tiêu điểm 13/08: Người tiêu dùng chưa quan tâm bảo vệ quyền lợi của mình

Trong những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, đặc biệt là chỉ thị số 30 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn diễn biến phức tạp, phổ biến.

Trong đợt khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa diễn ra, nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó đáng lo ngại vẫn là tình trạng nhiều người tiêu dùng không biết đến sự tồn tại của Luật, không biết cơ quan nào sẽ bảo vệ quyền lợi cho mình.

Không biết, không sử dụng 8 quyền lợi của người tiêu dùng khi mua phải sản phẩm, thực phẩm kém chất lượng và không đúng như quảng cáo, thực tế này vẫn đang diễn ra và người tiêu dùng đang từ bỏ quyền lợi chính đáng của mình.

Chị HỒ NHẬT THU, Thành phố Hà Nội: Mình chưa nắm được Luật, nếu mình đi mua về, nếu không ưng thì bỏ đi vì không biết tìm cơ quan chức năng nào để bảo vệ...”.

Chị PHÙNG THỊ ÁNH NGUYỆT, Phố Văn Cao, Quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng:Mình không để ý Luật, thường thì mình mua sản phẩm về nếu có vấn đề hoặc đi kiểm tra nếu nó hết hạn thì mình bỏ đi thôi, còn nếu sử dụng mà đau bụng ấy thì cũng chỉ mua thuốc uống thôi, không biết Luật Bảo vệ người tiêu dùng để khiếu kiện gì cả”.

Trong khi người mua kêu than thì bên bán lại cho rằng, dù có chuẩn bị phương án, thì người tiêu dùng cũng chẳng quan tâm.

Ông NGUYỄN THANH HINH, Tổng Bếp trưởng – Trung tâm Hội nghị Lạc Hồng – Hải Phòng: “Khách hàng chưa bao giờ hỏi giấy tờ của anh đâu, nguồn gốc xuất xứ thế nào?”

Thực tế cho thấy, quyền lợi người tiêu dùng đã, đang bị xâm phạm nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Trong giai đoạn 2014 – 2020, mỗi năm Bộ Công Thương tiếp nhận và xử lý khoảng 1.500 – 2000 vụ. Trong khi đó, cơ quan chức năng, các tỉnh, thành phố cho rằng, đã làm hết trách nhiệm.

Bà  TRẦN THỊ PHƯƠNG LAN, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội: Chúng tôi khẳng định chúng tôi làm rất tốt công tác tuyên truyền nhận thức của người tiêu dùng và nhận thức của doanh nghiệp hằng năm đã tăng lên rất rõ rệt bằng chứng là các vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng càng ngày càng giảm bớt đi”.

Ông NGUYỄN THẾ HƯNG, Cục phó Cục Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng:Người tiêu dùng nhỏ lẻ, tâm lý ngại nên chắc thông qua Hội Bảo vệ người tiêu dùng”.

Người tiêu dùng có quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ nhưng tình trạng “nhắm mắt bỏ qua” khi mua hàng không ưng ý là phổ biến. 

Trong bối cảnh các loại hình kinh doanh thương mại ngày càng đa dạng, việc xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội đang là mối quan tâm lớn của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các Bộ, ngành, địa phương của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đã nhìn nhận nhiều vấn đề đang là bất cập, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật hiện hành. 

Ông TẠ ĐÌNH THI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội:Có nơi, Sở Công Thương giao cho phòng thương mại, ở Hà Nội thì giao cho kế hoạch tài chính,  cán bộ kiêm nhiệm phòng kế hoạch tài chính không thể dồn hết tâm sức vào công tác này, chúng tôi cho rằng tổ chức bộ máy của chúng ta không chỉ riêng Hà Nội mà nói chung các địa phương cũng phải xem xét sao bố trí con người cho nó đúng”.

Ông TRẦN VĂN KHẢI, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội:  “Cả nước vẫn còn 9 tỉnh, thành phố chưa có tổ chức hội, nhiều địa phương, cấp hội chưa vươn đến cấp xã phường.”

Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam: “Hà Nội chỉ có cấp tỉnh, không có cấp quận huyện, vậy người tiêu dùng biết kêu ai, hơn nữa hội hoạt động chưa hiệu quả, hội của Hà Nội lại không thuộc Trung ương hội nên chúng tôi không biết hội làm những gì”.

Nguồn lực cho cho công tác bảo vệ người tiêu dùng còn hạn chế. 

Vẫn còn tình trạng báo cáo đẹp và kiến nghị sửa đổi Luật rất “mơ hồ”.

Ông NGUYỄN TUẤN THỊNH, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội:Báo cáo nêu thì mặt được cơ bản không còn gì để làm nữa, công tác lãnh đạo được quan tâm thường xuyên, hệ thống cơ sở pháp luật đồng bộ, triển khai thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, thế thì cái Luật này không cần sửa đổi nữa.”

Thực tế cho thấy, sau hơn 10 năm thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản liên quan đã xuất hiện những bất cập. Sự tăng trưởng nhanh chóng của các nền tảng trực tuyến đã đặt ra những thách thức mới cho việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong khi các quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề này còn chưa kịp điều chỉnh cho phù hợp. 

 Sau hơn 10 ngày chờ đợi, chị Mây tại phường Mễ Trì, Quận Nam Từ Liêm lại hồi hộp mở đơn hàng. Với chị, xác suất mua hàng online ưng ý là 50/50%.

Chị TRƯƠNG THỊ MÂY, Phường Mễ Trì, Quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội: Cũng có lần tôi rất là ưng ý, nhưng cũng có lần tôi cũng không hài lòng. Thường không hài lòng thì lần sau tôi sẽ không mua hàng ở shop đấy nữa, như hôm nay, chất lượng áo này cũng chưa được đẹp lắm nhưng vì nó rẻ , nếu đổi đi đổi lại sẽ mất thời gian nên tôi cũng tặc lưỡi bỏ qua”.

 Chị CÚC PHƯƠNG, Hoàng Đạo Thúy, Thành phố Hà Nội: “Khi mình tìm thấy cái đồ nào nó hay lạ, cũng order thử về nhưng cũng có thể có gặp rủi ro, rủi ro không nhận được hàng, không giống trong ảnh”.

Tặc lưỡi bỏ qua là hành động của đa số người tiêu dùng bởi việc trả lại hàng, đánh giá của hàng đôi khi gặp nhiều phiền toái, có khi “chờ được vạ thì má đã sưng” nên nếu đơn hàng giá trị ít, nhỏ lẻ sẽ bị bỏ qua. Tuy nhiên, nếu theo dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng ( sửa đổi), những trường hợp mua hàng online như chị Mây sẽ không còn lo gặp rắc rối khi đổi – trả. 

 Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: “Ban soạn thảo đã cố gắng lấp cái lỗ hổng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xác nhận trách nhiệm của người bán, dù trên thương mại điện tử thì chấp hành ghi nhãn, hai là cơ chế để giải quyết tranh chấp, cơ chế để giải quyết trong trường hợp đổi hàng. Theo tôi, nếu được thực thi theo những quy định mới này thì nó đã tiến bộ rất nhiều”.

 Bà ĐINH THỊ MỸ LOAN, Chủ tịch Danh dự Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam: Với những vấn đề tưởng chừng khó khăn như chứng cứ, hóa đơn thì trong dự thảo luật quy định người kinh doanh phải lưu giữ, cung cấp cho cơ quan quản lý và theo yêu cầu của người tiêu dùng, với những quy định như vậy, tin tưởng người tiêu dùng sẽ được bảo vệ và khá yên tâm nếu các điều khoản được thực thi trong thực tế.”

Dự thảo còn đưa ra những hành vi bị cấm đối với nền tảng trung gian trực tuyến như: sử dụng các biện pháp ngăn hiển thị hoặc hiển thị không trung thực kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ; tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng… Với những tín hiệu mừng như thế này, người tiêu dùng có thể yên tâm khi được bảo vệ trong bối cảnh mua bán mới. 

Tùng Dương