Người dân thế giới chật vật khi giá xăng, lương thực tăng cao

Nga hiện là nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới và sản xuất dầu lớn thứ hai sau Ả rập xê út. Tình hình căng thẳng giữa Nga – Ukraine đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường dầu mỏ, năng lượng thế giới. Không chỉ thế, Nga và Ukraine còn là hai nước sản xuất lương thực lớn. Điều này gây sức ép nặng nề cho chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu và kéo theo sự leo thang giá cả của hàng thiết yếu này.

Tại một trạm xăng ở Arlington, Virginia, gần Washington DC, giá xăng thường là 4,19 đô la một gallon. Nhà cung cấp giá xăng GasBuddy cho biết giá trung bình của Mỹ xăng tăng gần 41 cent/gallon, lần đầu tiên đạt mức cao nhất là 4 USD sau gần 14 năm và chỉ kém 10 cent so với mức kỷ lục mọi thời đại là 4.103 USD/gallon.

Ông TIM JOYCE, Người dân Mỹ: “Thật không tốt chút nào, giá xăng đang tăng và tôi có một chiếc xe động cơ 8 xi lanh ở đây. Tôi sử dụng khoảng 20 đô la và chỉ dùng được trong 2 ngày, sau đó lại phải mua xăng tiếp”.

Dự kiến giá sẽ còn leo thang vài tuần tới sau khi tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây tuyên bố chính thức cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga.

Dưới góc nhìn của các chuyên gia, cuộc khủng hoảng năng lượng dù là ở Mỹ hay ở Châu Âu, do các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, cũng có thể phản tác dụng

Ông JAMES WADDELL, Chuyên gia năng lượng Châu Âu: "Nói một cách đơn giản về phía nguồn cung, chúng ta đang thiếu rất nhiều lựa chọn thay thế. Để có được nguồn cung cấp khí đốt mới trên toàn cầu, phải xây dựng các thiết bị đầu cuối LNG mới mất khoảng ba đến bốn năm, vì vậy chúng tôi thực sự bị hạn chế về nguồn cung cấp khí đốt toàn cầu."

Ngoài ra, Ukraine và Nga đều là nhà xuất khẩu ngũ cốc và phân bón lớn trên thế giới, áp lực về lạm phát, giá cả lương thực thực phẩm tăng là điều không tránh khỏi khi cuộc xung đột kéo dài. Một số siêu thị ở Tây Ban Nha hiện đang hạn chế bán dầu hướng dương và một số sản phẩm lương thực ngũ cốc khác, nhập khẩu từ Ukraine. Chị Mayra Maldonado sở hữu một tiệm giặt là ở Madrid, cho biết hóa đơn tiền điện của chị đã tăng gần gấp ba lần, khiến chị buộc phải rút phích cắm của máy giặt khi không sử dụng.

Chị MAYRA MALDONADO, Người dân Tây Ban Nha: “Đầu tiên thì chúng tôi gặp đại dịch, nay giá điện lại bắt đầu tăng và đã tăng gấp 3 lần.  Chúng tôi đã chuyển từ việc trả khoảng 400 Euro sang trả 1000 Euro."

Tại Anh, nhóm nghiên cứu của Resolution Foundation ước tính xung đột sẽ dẫn đến lạm phát rộng hơn. Cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực đã làm dấy lên lo ngại về "lạm phát đình trệ", sự kết hợp giữa lạm phát và suy thoái thường xảy ra vào đầu những năm 1970 và là vấn đề mà các ngân hàng trung ương và chính phủ hiện nay đang phải đau đầu đối mặt.

Quỳnh Hoa