Người chăn nuôi tiếp tục gặp khó từ tác động thị trường và nguồn nguyên liệu đầu vào

Những tháng đầu năm, trong khi thức ăn, chi phí chăn nuôi không hạ nhiệt, thì thị trường lại ảm đạm, tiêu dùng sụt giảm, khiến người chăn nuôi cả nước gặp khó. Điều này đòi hỏi cần sớm tìm ra giải pháp để phát triển bền vững ngành chăn nuôi, chấm dứt vòng luẩn quẩn “cung – cầu”, duy trì sinh kế ổn định cho người chăn nuôi.

Theo khuyến cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hộ chăn nuôi cần tái đàn theo nhu cầu của thị trường và có biện pháp hạ giá thành sản xuất. Dù vậy điều này không dễ dàng và thiệt hại thì người chăn nuôi đang gánh chịu. Trong chương trình hôm nay chúng tôi sẽ đề cập cụ thể tới vấn đề này.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay giá lợn hơi tại Việt Nam đang dao động 48.000-50.000 đồng/kg, giảm 5-10% so với cùng kỳ năm 2022. Không riêng nước ta, mà giá lợn hơi tại các nước cũng giảm, thậm chí mức giảm mạnh hơn. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, giá lợn hơi tháng 10/2022 là 87.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 55.000-58.000 đồng/kg. Ở những nước xuất khẩu thịt lợn hàng đầu thế giới như Mỹ, Brazil… giá lợn hơi cũng giảm rất mạnh từ 45.000 đồng/kg xuống còn 34.500 đồng/kg.

Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cho rằng, đến đầu quý II, nền kinh tế mới phục hồi dần, thu nhập của người lao động được cải thiện trở lại, giúp sức tiêu thụ thịt lợn tăng lên.

Đáng chú ý, năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 10,32 triệu tấn nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi, tiêu tốn 5,6 tỷ USD, giảm 1,1% về lượng nhưng tăng 13,6% về trị giá so với năm 2021. Dự báo năm 2023, nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi sẽ tăng nhẹ so với năm 2022, đạt khoảng 10,5 triệu tấn, trị giá 5,55 tỷ USD…

Lượng nhập khẩu khô đậu tương về Việt Nam trong năm 2023 dự báo tương đương năm 2022, trị giá 2,7 tỷ USD do giá nhập khẩu giảm so với năm 2022. Lượng nhập khẩu dinh dưỡng gia súc nhập khẩu về Việt Nam trong năm 2023 dự báo đạt khoảng 1,5 triệu tấn, với giá nhập khẩu trung bình 365- 370 USD/tấn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, đầu vào chăn nuôi bị thả nổi bởi phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, trong khi đầu ra bị chi phối bởi tiêu dùng, hiện đang ảm đạm và sụt giảm mạnh là nút thắt lâu nay của ngành chăn nuôi. Gỡ nút thắt này, chỉ còn cách quyết liệt thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, tăng giá trị. Năm 2022, cả nước xuất khẩu khoảng 400 triệu USD, một con số rất nhỏ so với dư địa.

Hiện nay, hầu hết thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã được đưa về 0%; riêng mặt hàng khô dầu đậu tương còn chịu mức thuế 2% và đang được kiến nghị đưa về 0%. Cùng với đó, Việt Nam đã có vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi nên rủi ro dịch bệnh trong chăn nuôi cũng giảm đi. Ngoài ra, giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi thế giới đang có xu hướng giảm, nhưng giá thức ăn trong nước giảm chậm hơn giá nguyên liệu, nên phải đến đầu quý II-2023, giá thức ăn chăn nuôi trong nước mới có khả năng giảm.

Hà Lan