Nghị viện thế giới: Nghị viện Phần Lan - Cơ quan quyền lực tối cao, đại diện cho tiếng nói cử tri

Nằm ở khu vực Bắc Âu, Phần Lan luôn vào nhóm các quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới. Một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công này là tình hình kinh tế- chính trị- xã hội tại Phần Lan luôn được đảm bảo ổn định.

QUỐC HỘI PHẦN LAN – CƠ QUAN QUYỀN LỰC TỐI CAO

Đây là tòa nhà Nghị viện Phần Lan – nơi 200 nghị sỹ đại diện cho nhân dân Phần Lan, làm việc và đưa ra những quyết sách quan trọng.

Tòa nhà này cũng là biểu tượng của một đất nước Phần Lan độc lập, dân chủ và luôn mở cửa chào đón tất cả người dân.

Quyền lực của đất nước Phần Lan được trao cho nhân dân – những người được đại diện bởi Nghị viện.

Nghị Phần Lan hoạt động theo mô hình đơn viện, với chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề về ngân sách nhà nước, phê chuẩn các hiệp ước quốc tế và giám sát các hoạt động của chính phủ.

Hoạt động của Nghị viện, đặc biệt là hoạt động lập pháp, được thực hiện chủ yếu tại các phiên họp toàn thể. Đây là nơi các nghị sỹ thảo luận, biểu quyết về các dự án luật và thông qua ngân sách nhà nước. Các vấn đề liên quan đến liên minh châu Âu EU và hợp tác quốc tế cũng thường xuyên nằm trong chương trình nghị sự của nghị viện. 

Các phiên họp toàn thể sẽ được tổ chức vào thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm và thứ Sáu. Tại đây, các nghị sỹ sẽ tiến hành thảo luận và chất vấn về các vấn đề thời sự, vấn đề nóng của đất nước được người dân quan tâm. Tất cả những phiên họp này đều được phát sóng trên truyền hình và trên mạng internet.

Ngoài việc tham gia các phiên họp toàn thể, một khối lượng công việc quan trọng khác của các nghị sỹ sẽ diễn ra tại ủy ban.

Nghị viện Phần Lan hiện có tổng cộng 16 ủy ban. Trong đó bao gồm Ủy ban Toàn viện – chuyên trách các vấn đề liên quan đến liên minh châu Âu EU và 15 ủy ban thường trực khác.
Hầu hết các nghị sỹ đều làm việc tại 2 ủy ban riêng biệt.

Các ủy ban bao gồm các nghị sỹ đại diện cho chính phủ và các nhóm đảng đối lập. Chuyên môn hay những lĩnh vực khác mà các nghĩ sỹ quan tâm thông thường đều liên quan đến lĩnh vực mà ủy ban của họ phụ trách.

Các nghị sỹ có nhiệm vụ nghiên cứu chi tiết các dự án luật khi những dự án luật này được chuyển tới ủy ban.

Ủy ban cũng có thể mời đến các chuyên gia để giúp họ đánh giá những tác động khi đưa một dự luật vào cuộc sống.

Ủy ban cũng thường xuyên đưa ra những đề xuất sửa đổi đối với các dự án luật của chính phủ.
Cuối cùng, những vấn đề này sẽ được trình bày tại phiên họp toàn thể để các nghị sỹ thảo luận và biểu quyết.

200 nghị sỹ của Phần Lan đều được phân chia thành những nhóm nghị sỹ. Theo đó, sẽ có 8 nhóm nghị sỹ - con số này tương đương với số lượng các đảng chính trị tại Phần Lan.

Những định hướng liên quan đến các vấn đề chính trị quan trọng đều do các nhóm nghị sỹ đề xuất. Thành viên của các nhóm nghị sỹ đều được liên kết chặt chẽ với nhau dựa trên những giá trị và lợi ích chung.

Đa số nghị sỹ đều thuộc các nhóm nghị sỹ đại diện cho chính phủ liên minh. Do đó, họ thường ủng hộ các dự án luật của chính phủ. Tuy nhiên, các nghị sỹ cũng có thể đưa ra yêu cầu sửa đổi đối với các dự án luật tại ủy ban.

Trong khi đó, các nhóm nghị sỹ đối lập lại đóng một vai trò quan trọng khác trong nền dân chủ Phần Lan. Họ thường chất vấn chính phủ, đề xuất các thay đổi và yều cầu các bộ trưởng giải trình về những giải pháp mà chính phủ đưa ra.

Tất cả công dân Phần Lan từ 18 tuổi trở lên đều có cơ hội trở thành nghị sỹ. Các cuộc bầu cử Nghị viện được tổ chức 4 năm 1 lần. Mọi cư tri đủ tư cách đều có quyền đi bầu cử. 

BẦU CỬ LẬP PHÁP

Bầu cử lập pháp Phần Lan được thực hiện theo phương pháp tỷ lệ. Cả đất nước được chia làm 15 đơn vị bầu cử. Số lượng các nghị sỹ được bầu phụ thuộc vào số dân của mỗi đơn vị bầu cử. Số lượng nghị sỹ mà mỗi đơn vị bầu cử được bầu thường dao động từ 7 đến 32 nghị sĩ. Cử tri Phần Lan bỏ phiếu để bầu ra các những người đại diện cho mình và cả các đảng của mình. Đối với các đảng , để tham gia chạy đua trong kỳ bầu cử lập pháp, mỗi đảng phải huy động được ít nhất 5.000 chữ ký của các công dân để đăng ký tại Bộ Nội vụ. 

Điều đáng chú ý là Phần Lan không phải có một thể chế chính trị mang tính đối lập rõ ràng giữa các đảng lớn. Đảng chiến thắng trong kỳ bầu cử lập pháp không nghiễm nhiên được thành lập chính phủ mới và đảng thua cuộc cũng không đương nhiên trở thành phe đối lập. Chính phủ Phần Lan được thành lập sẽ luôn luôn là

liên minh của 2 trong 3 đảng chính của đất nước. Như vậy chính phủ sẽ có thể tập hợp cả đảng chiến thắng và đảng không chiến thắng. Cấu trúc chính trị dựa trên 3 đảng chính và không tồn tại rõ ràng phe đối lập. 

Tiếp băng- Có một phương châm làm việc mà tất cả nghị sỹ thuộc mọi đảng phái chính trị tại Phần Lan đều hướng tới đó là khát khao xây dựng một đất nước Phần Lan hùng mạnh hơn. Điều này có nghĩa, công việc thực sự của các nghị sỹ đó là, làm hài hòa 200 quan điểm khác nhau, nhằm hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.  

NGHỊ SỸ PHẦN LAN – ĐẠI DIỆN CHO TIẾNG NÓI CỬ TRI

Tất cả những người này đều là nghị sỹ Phần Lan – những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của hàng triệu cư tri.

Mọi nghĩ sỹ đều gánh trên vai rất nhiều trọng tránh. Họ là một nhà lập pháp, một người có ảnh hưởng xã hội, đại diện của một khu vực bầu cử và một chính khách quốc tế. Do đó, thời gian làm việc chủ yếu của các nghị sỹ sẽ diễn ra tại các ủy ban, phiên họp toàn thể và các đơn vị bầu cử.
Công việc tại phiên toàn thể

Phiên toàn thể là một khía cạnh rõ ràng nhất trong công việc của một nghị sỹ. Đây là diễn đàn lớn nhất của công việc lập pháp và các cuộc thảo luận chính trị hiện nay tại Phần Lan. Trong các kỳ họp vào mùa xuân và mùa thu, Nghị viện sẽ tổ chức 4 phiên họp toàn thể một tuần, từ thứ Ba đến thứ Sáu.

Trong đó, các cuộc chất vấn, diễn ra vào thứ 5 hằng tuần sẽ là nơi nghị sỹ thảo luận về tình hình chính trị đất nước và lắng nghe báo cáo của Thủ tướng. Chất vấn là một trong những vũ khí lợi hại nhất của nghị sỹ, thường được các nhà lập pháp của phe đối lập sử dụng để chất vấn về các chủ đề thời sự. Do đó, trong quá trình chất vấn, thường xảy ra những cuộc tranh luận nảy lửa giữa các bộ trưởng và nghị sỹ đối lập.

Ngoài ra, với sự hậu thuẫn của ít nhất 20 nghị sĩ, phe đối lập có thể đệ trình một

cuộc chất vấn để đo lường sự tín nhiệm đối với Chính phủ hoặc một bộ trưởng nào đó. Trong vòng 15 ngày, đại diện Chính phủ sẽ phải trả lời chất vất về vấn đề đó tại phiên toàn thể. Sau khi nghe trả lời, Quốc hội sẽ tranh luận về vấn đề này và sau đó sẽ tiến hành biểu quyết về việc Chính phủ hay bộ trưởng có đủ tư cách nhận được sự tín nhiệm hay không.

Công việc tại ủy ban

Ủy ban được đánh giá là kênh làm việc quan trọng nhất của các nghị sỹ. Bởi phần lớn quyết định của Nghị viện đều dựa trên cơ sở báo cáo của các ủy ban. Các cuộc họp của ủy ban thường không được công khai trừ phi ủy ban cần thu thập thông tin về vấn đề đang xem xét. Ủy ban thường xem xét vấn đề trong vòng từ 1-2 tháng nhưng các vấn đề khẩn cấp có thể chỉ được thảo luận trong vài ngày.

Những công việc khác

Trên thực tế, rất nhiều công việc của các nghị sỹ đều đòi hỏi phải đi công tác nước ngoài. Bởi vì, Nghị viện có nhiệm vụ bầu chọn các đại diện của Phần Lan vào những tổ chức quốc tế như Hội đồng Bắc Âu, Hội đồng Châu Âu, Hội đồng Nghị viện của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu OSCE. Các tổ chức này thường yêu cầu các nghị sĩ tham gia giám sát những cuộc bầu cử ở các quốc gia khác.

Bên cạnh đó,việc đọc và trả lời e-mail cũng tốn khá nhiều thời gian của các nghị sỹ. Để giữ liên lạc với cử tri, các nghị sỹ phải thường xuyên có các chuyến giám sát các khu vực bầu cử và tiếp xúc cử tri hay gặp gỡ các cử tri đến thủ đô Helsinki tham quan tòa nhà Quốc hội. Nhiều nghị sĩ cũng rất tích cực tham gia hoạt động chính trị tại địa phương.

Lương và các trợ cấp khác

Từ nhiệm kỳ bầu cử 2019-2022, lương của các nghị sỹ Phần Lan là 6.614 euro. Chủ tịch Nghị viện là 13.390 euro và phó chủ tịch là 10.441 euro mỗi tháng. Tiền lương của các nghị sĩ đều là thu nhập chịu thuế. Ngoài tiền lương cho công việc nghị sĩ, các chủ tịch ủy ban còn nhận được khoản hỗ trợ trung bình hàng tháng là 744 euro.

Bên cạnh đó, các nghị sỹ còn được quyền đi lại miễn phí bằng đường sắt, đường hàng không, và bằng taxi ở khu vực đô thị Helsinki để phục vụ các mục đích liên quan đến công việc lập pháp.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Nghị viện Phần Lan đó là thảo luận và thông qua các dự án luật, sửa đổi các đạo luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu thực tế dựa trên đề xuất của chính phủ hoặc các nhóm nghị sĩ, và xem xét các sáng kiến của công dân khi văn bản sáng kiến này thu thập được ít nhất 50.000 chữ ký hợp lý. 

Thảo luận sơ bộ 

Tại Phần Lan, việc xem xét một dự án luật được bắt đầu bằng một cuộc thảo luận sơ bộ tại phiên họp toàn thể. Ở giai đoạn này, các nghị sỹ không đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến nội dung của dự luật. Mục tiêu của cuộc thảo luận là nhằm cung cấp những thông tin cơ bản cho công việc của ủy ban. Vào cuối cuộc thảo luật, dự luật sẽ được chuyển đến các ủy ban thích hợp. 

Thảo luận tại ủy ban 

Sau khi được chuyển đến ủy ban, dự án luật sẽ bắt đầu được xem xét một cách kỹ lưỡng. Thông thường, các ủy ban sẽ phải mất từ 1-2 tháng để xử lý, nhưng đối với các vấn đề khẩn cấp, quá trình này có thể chỉ mất vài ngày. Đối với các dự án luật lớn và quan trọng, quá trình thảo luận tại ủy ban có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Sau khi hoàn tất quá trình đánh giá, ủy ban sẽ đưa ra báo cáo thẩm tra và dự luật sẽ được đưa trở lại phiên toàn thể.

Hai lần đọc 

Sau khi được đưa trở lại phiên họp toàn thể, dự luật sẽ phải trải qua 2 lần đọc. Ở lần đọc thứ nhất, nghị viện sẽ thảo luận về nội dung của dự luật. Đối với các dự luật quan trọng, chủ tịch ủy ban sẽ đọc báo cáo thẩm tra. Sau đó, toàn thể nghị sỹ sẽ tiến hành thảo luận chung và xem xét dự luận theo từng điều khoản. Ở giai đoạn này, các nghị sỹ đối lập có thể đưa ra yêu cầu sửa đổi và Nghị viện sẽ phải gửi dự luật trở lại Ủy ban Toàn viện để xem xét.

Lần đọc thứ hai có thể bắt đầu sau đó 3 ngày và dựa trên dự luật đã được phê duyệt ở lần đọc thứ nhất. Ở giai đoạn này, các nghị sỹ chỉ có quyền thông qua hoặc bác bỏ toàn bộ dự luật mà không có quyền sửa đổi.

Hiến pháp 

Thông thường, các dự luật sẽ được thông qua nếu nhận được đa số phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, đối với Hiến pháp, thì quá trình ban hành, sửa đổi hoặc bãi bõ sẽ phức tạp hơn.

Cụ thể, dự thảo hiến pháp cần phải được thông qua tại phiên họp toàn thể của hai khóa Nghị viện liên tiếp. Tại khóa đầu tiên, dự thảo Hiến pháp chỉ cần thông qua với đa số giản đơn, tại khóa tiếp theo, dự thảo phải được thông qua với đa số 2/3. Tuy nhiên, dự thảo Hiến pháp có thể không phải chờ đến khóa họp mới nếu tại lần thông qua đầu tiên, nó được tuyên bố là khẩn cấp với 5/6 số phiếu và sau đó được đa số 2/3 chấp thuận.

Thông qua dự luật

Dự luật sau khi được Nghị viện thông qua sẽ được chuyển đến Tổng thống phê chuẩn và công bố chính thức. Luật có hiệu lực kể từ khi được công bố. Ngoài ra, Tổng thống có thể xác định ngày có hiệu lực của Luật. Bên cạnh đó, Tổng thống cũng có quyền từ chối phê chuẩn dự luật. Trong trường hợp này, dự luật sẽ được đưa trở lại Nghị viện. Nếu nghị viện một lần nữa thông qua dự luật, thì dự luật sẽ có hiệu lực mà không cần phê chuẩn của tổng thống.

Tòa nhà nghị viện

Tọa lạc trên đồi Arkadian maki, ngay giữa lòng thủ đô Helsinki, Tòa nhà Nghị viện Phần Lan được khởi công xây dựng vào năm 1926 và chính thức khánh thành vào tháng 3/1931. Kể từ đó, công trình này được coi là biểu tượng quốc gia và là nơi chứng kiến nhiều khoảnh khắc quan trọng trong đời sống chính trị Phần Lan.

Tòa nhà được thiết kế theo phong cách cổ điển của những năm 1920 và được đánh giá là một tác phẩm nghệ thuật ấn tượng, tổng hòa giữa kiến trúc, thiết kế công nghiệp, thủ công và nghệ thuật thị giác. Tòa nhà gồm 6 tầng.

Tầng đầu tiên gồm tiền sảnh chính, phòng báo chí, phòng tiếp tân của Chủ tịch Nghị viện, nhà ăn và nhiều phòng chức năng khác. Ở cả hai đầu hành lang đều có những bậc thang cẩm thạch dẫn lên tới tận tầng 5. 

Tầng hai, hay còn gọi là tầng chính vì ở đây có Hội trường Toàn thể nơi diễn ra các phiên họp nghị viện. Cũng nằm trên tầng này còn có Hội trường Quốc gia, Phòng Chủ tịch Nghị viện và phòng dành cho các lãnh đạo chính phủ, và một số phòng chức năng khác.

Tầng 3 bao gồm phòng dành cho các ủy ban, ban thư ký ủy ban, Văn phòng Hồ sơ và các phòng dành cho báo giới.

Tầng 4 là nơi làm việc của Ủy ban Toàn viện và và Ủy ban Tài chính.

Tầng 5 và 6 bao gồm các phòng họp và văn phòng dành cho các nhóm nghị sỹ, ngoài ra đó cũng là nơi đặt các trang thiết bị phục vụ cho công tác thông tin, báo chí. Năm 1978, người ta đã xây thêm thư viện cho Tòa nhà Nghị viện và năm 2004, một khối nhà văn phòng riêng biệt cũng đã được hoàn thành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Nghị viện.

Nghị viện với truyền thông

Nghị viện Phần Lan là một trong những nghị viện cởi mở nhất trên thế giới. Cơ quan lập pháp này luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để các hãng truyền thông, nhà báo, phóng viên hoạt động hiệu quả nhất.

Các nhà báo nước ngoài muốn đến thăm Nghị viện Phần Lan thì phải nhận được lời mời từ một nghị sỹ, một quan chức nghị viên hoặc từ Văn phòng Thông tin Nghị viện. Các nhà báo đều phải tuân thủ theo các quy tắc dành cho khách tham quan. Cụ thể, du khách sẽ không thể tùy tiện di chuyển trong các phòng ban của Nghị viện nếu không có người hướng dẫn là nhân viên làm viên tại nghị viện đi cùng.

Hội trường Toàn thể là nơi làm việc của các nghị sỹ, các nhà báo có thể tác nghiệp, quay phim, chụp ảnh phiên họp toàn thể và các phiên chất vấn từ ban công tầng thứ 3 của tòa nhà. Tầng 4 và tầng 5 là nơi làm việc của các ủy ban và các nhóm nghị sỹ, do đó báo chí không được tác nghiệp tại những khu vực này. Các hoạt động quay phim chụp ảnh cũng hoàn toàn bị cấm.

Trung tâm Báo chí Quốc tế trực thuộc Bộ Ngoại giao sẽ có nhiệm vụ tiếp đón các các nhà báo nước ngoài. Các phóng viên ảnh phải tuân thủ hướng dẫn của Văn phòng Thông tin Nghị viện và nhân viên an ninh trong quá trình tác nghiệp./.

Đinh Giang