Nghị viện thế giới: Nghị viện Ấn Độ - biểu tượng cho sự dân chủ

Nằm ở khu vực Nam Á, Ấn Độ tự hào là một quốc gia giàu bản sắc và đa dạng văn hóa bậc nhất trên thế giới. Với khoảng 20 loại ngôn ngữ chính thức, 6 tôn giáo chính và dân số hơn 1,3 tỉ người… Nhà nước Ấn Độ được tổ chức theo hình thức liên bang và theo chế độ dân chủ đại nghị.

NGHỊ VIỆN ẤN ĐỘ

Nghị viện là cơ quan lập pháp tối cao của Ấn Độ, hoạt động theo chế độ lưỡng viện, gồm Thượng viện được gọi là Rajya Sabha (Hội đồng nhà nước) và Hạ viện là Lok Sabha (Hội đồng nhân dân). 

Thượng viện có nhiệm kỳ 6 năm, gồm 245 thành viên, trong đó 233 thành viên được bầu theo nguyên tắc bầu cử gián tiếp thông qua các cơ quan lập pháp của các bang và vùng lãnh thổ, 12 thành viên còn lại do Tổng thống chỉ định. Thượng viện là cơ quan thường trực, không bị giải tán, nhưng cứ hai năm một lần, 1/3 số thành viên Thượng viện phải được bầu lại và thay thế bằng thành viên mới.

Hạ viện có nhiệm kỳ 5 năm và có tổng cộng 545 thành viên, trong đó 543 thành viên do dân trực tiếp bầu, 2 thành viên còn lại do Tổng thống chỉ định từ cộng đồng Ấn - Anh. Điều này có nghĩa, 1 hạ nghị sĩ sẽ đại diện cho 1,5 triệu cử tri.

Hạ viện có hai loại hình ủy ban gồm: ủy ban thường trực và ủy ban đặc biệt. Ủy ban đặc biệt được thành lập để giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó. Ngoài ra còn có ủy ban tư vấn giữ mối liên hệ với Chính phủ.

CHẾ ĐỘ BẦU CỬ

Ấn Độ áp dụng chế độ bầu cử hỗn hợp. Bầu cử Hạ viện và Hội đồng lập pháp các bang được tiến hành theo nguyên tắc bầu trực tiếp và theo đa số phiếu. Nguyên tắc bầu theo tỉ lệ đại diện được áp dụng trong việc bầu Tổng thống, Phó tổng thống và bầu cử Thượng viện. Công dân Ấn Độ từ 18 tuổi trở lên được quyền bầu cử, 35 tuổi trở lên có quyền ứng cử Tổng thống, 30 tuổi trở lên có quyền ứng cử Thượng nghị sĩ và 25 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Hạ viện hoặc Hội đồng lập pháp bang.

QUY TRÌNH LẬP PHÁP

Một trong những chức năng cơ bản và quan trọng nhất của Nghị viện Ấn Độ chính là lập pháp. Tất cả các dự án luật đều phải đưa ra thảo luận và lấy ý kiến trước nghị viện. Dự luật sẽ không thể trở thành luật nếu không nhận được sự chấp thuận của nghị viện và sự phê chuẩn của Tổng thống.

Chính phủ, các bộ trưởng và các thành viên chính phủ có quyền đưa ra sáng kiến luật. Các dự án luật phải được đệ trình tại một trong hai viện của nghị viện, nhưng phải được cả hai viện thông qua, trừ một số trường hợp đặc biệt. Dự luật do các nghị sĩ đề xuất phải được trình trước một tháng, còn của các bộ trưởng phải trình trước 7 ngày. Dự thảo luật phải được gửi tới các nghị sĩ 2 ngày trước khi dự luật được đọc lần thứ nhất tại phiên họp toàn thể. 

Theo quy định, một dự án luật phải trải qua 3 lần đọc tại mỗi viện. Lần đọc thứ nhất là giới thiệu dự thảo luật trước các thành viên mỗi viện. Trong lần đọc thứ 2, các nghị sĩ sẽ tiến hành thảo luận chi tiết và xem xét dự luận theo từng điều khoản. Các nghị sĩ có thể đưa ra yêu cầu sửa đổi và Nghị viện sẽ phải gửi dự luật đến các ủy ban chuyên trách để tiến hành xem xét.

Một điểm lưu ý là, những sửa đổi muốn trở thành một phần của dự luật thì phải nhận được sự chấp nhận của đa số nghị sĩ thông qua hình thức bỏ phiếu. Ở lần đọc thứ 3 và cũng là lần đọc cuối cùng, các nghị sĩ chỉ có quyền thông qua hoặc bác bỏ toàn bộ dự luật chứ không có quyền sửa đổi.

Sau khi được thông qua tại một viện, dự luật sẽ được chuyển tới viện thứ hai để xem xét theo như quy trình trên. Trong trường hợp có sự bất đồng giữa hai viện thì hai viện có thể tổ chức họp chung để thống nhất và thông qua.

Dự luật sau khi được cả 2 viện thông qua sẽ được trình lên Tổng thống phê chuẩn và công bố. Tổng thống có thể từ chối công bố luật, trừ trường hợp đối với các dự án luật liên quan tới sửa đổi Hiến pháp và trong lĩnh vực tài chính. Trong trường hợp tổng thống trả lại dự luật thì dự luật đó phải được xem xét lại theo trình tự như trên. Tuy nhiên, Tổng thống không có quyền từ chối tới lần thứ hai một dự luật.

GIỜ CHẤT VẤN - CÔNG CỤ GIÁM SÁT CỦA NGHỊ VIỆN

Theo quy định, giờ đầu tiên của một phiên họp ở hạ viện được dành cho các câu hỏi chất vấn và được gọi là Giờ Chất vấn. Trong Giờ Chất vấn, các nghị sĩ có quyền đặt câu hỏi về mọi khía cạnh quản lý và hoạt động của chính phủ. Giờ chất vấn bắt đầu từ 12h, kết thúc vào 1h chiều, và đều diễn ra vào 5 ngày trong tuần.

Giờ chất vấn là một trong những hoạt động quan trọng nhất của nghị viện và là công cụ hữu hiệu để các nghị sĩ giám sát chính phủ và tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc trong hoạt động điều hành của Chính phủ.

Các câu hỏi trong giờ chất vấn được phân chia thành 4 loại: Câu hỏi sao; Câu hỏi không có sao; Câu hỏi lưu ý ngắn; Câu hỏi cho một thành viên cụ thể.

Trong đó, câu hỏi sao là câu hỏi mà nghị sĩ mong muốn được trả lời trực tiếp tại Hạ viện và được phân biệt bằng một dấu hoa thị. Tối đa chỉ 20 câu hỏi có thể được lên danh sách trả lời trực tiếp một ngày. Câu hỏi không có sao là câu hỏi không có dấu hoa thị và đòi hỏi trả lời bằng văn bản. Tối đa có 230 câu hỏi dạng này được trình lên mỗi ngày. 

Câu hỏi lưu ý ngắn là câu hỏi liên quan tới một vấn đề quan trọng cấp thiết của xã hội. Câu hỏi dạng này được in trên sách hồng và được yêu cầu hỏi và trả lời ngay sau giờ chất vấn. 

Câu hỏi cho một thành viên cụ thể được gửi tới đích danh người cần hỏi và được hỏi khi vấn đề liên quan đến một dự luật, nghị quyết nào đó hay liên quan tới vấn đề hoạt động của hạ viện mà thành viên đó chịu trách nhiệm.

Mỗi nghị sĩ chỉ được đưa ra tổng cộng tối đa 10 loại câu hỏi mỗi ngày. Và không quá 5 câu hỏi được chấp nhận đối với một nghị sĩ cho mỗi Giờ Chất vấn.

Do các câu hỏi có thể liên quan đến nhiều bộ trưởng một lúc, nên Hạ viện sắp xếp một danh sách câu hỏi phù hợp với việc chia các bộ trưởng thành 5 nhóm vào 5 ngày trong tuần. Các bộ trưởng được cung cấp danh sách câu hỏi được chấp nhận ít nhất 5 ngày trước ngày được ấn định để trả lời câu hỏi.

Thông qua Giờ Chất vấn, Chính phủ có thể nhanh chóng cảm nhận nhịp sống của quốc gia, đưa ra các điều chỉnh chính sách cũng như hành động một cách hợp lý. Bên cạnh đó, câu hỏi chất vấn cũng giúp các bộ trưởng xây dựng cho mình thói quen về việc thường xuyên tự đánh giá chính sách và cách điều hành của mình. Do đó, có thể khẳng định, Giờ Chất vấn là một phần thú vị trong hoạt động nghị viện và luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri. Và để phục vụ nhu cầu nắm bắt thông tin của người dân, Giờ Chất vấn của cả hai viện đều được truyền trực tiếp hàng tuần trên kênh truyền hình quốc gia và tất cả đài phát thanh Ấn Độ. 

TÒA NHÀ NGHỊ VIỆN ẤN ĐỘ

Tòa nhà Nghị viện Ấn Độ hay còn gọi là Sansad Bhavan là một trong những công trình tiêu biểu và ấn tượng nhất tại thủ đô New Delhi. Không chỉ là nơi làm việc của Thượng viện và Hạ viện, tòa nhà này còn là nơi chứng kiến những thời khắc trọng đại của đất nước Ấn Độ. Đây là nơi nuôi dưỡng lòng tin và nền dân chủ Ấn Độ… Những căn phòng này là nơi chọn ra các nhà lãnh đạo kiệt xuất, dẫn dắt đất nước Ấn Độ trong suốt những năm tháng qua. Các đạo luật cũng được tạo ra từ đây, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân Ấn Độ. 

Tòa nhà nghị viện được ví như một tấm gương phản chiếu quá trình phát triển mạnh mẽ của đất nước 1,3 tỉ dân, xuất phát từ một nền văn minh cổ đại vươn lên trở thành một cường quốc dân chủ và hiện đại. 

Tòa nhà nghị viện Ấn Độ do hai kiến trúc sư nổi tiếng người Anh Edwin Lutyens và Sir Herbert Baker thiết kế, được khởi công xây dựng vào tháng 2/1921 và khánh thành vào 6 năm sau đó, tức đầu năm 1927. Công trình này là một dinh thự hình tròn đồ sộ với đường kính hơn 179m, chiếm diện tích hơn 24.000m2. Không chỉ được xây dựng bằng vật liệu bản địa, tòa nhà còn mang đậm nét kiếu trúc truyền thống của  Ấn Độ, từ cách bố trí các đài phun nước cho đến các biểu tượng trên những bức tường, cửa sổ, các bức bình phong bên trong. Đan xen một cách hài hòa với nét nghệ thuật cổ xưa là những thành tựu của khoa học, công nghệ hiện đại.

Ông KARAN SINGH - Cựu nghị sĩ Ấn Độ: Tòa nhà Nghị viện Ấn Độ là một công trình rất đặc biệt. Tôi nghĩ, sẽ không có tòa nhà trên thế giới giống như vậy. Khi mới đặt chân vào khuôn viên của tòa nhà, tôi gần như đã bị lạc, không biết phải đi theo hướng nào, vì nơi này quá rộng lớn. Đây chính là nơi làm việc của cả Hạ viện và Thượng viện. Hội trường của Hạ viện thì rộng hơn một chút. Đây là một căn phòng luôn đầy ắp những cuộc tranh luận sôi nổi"

Điểm nhấn của tòa nhà nghị viện Ấn Độ là sảnh trung tâm hình tròn, với mái vòm có đường kính gần 30m. Đây cũng là một trong những mái vòm tráng lệ nhất thế giới. Sảnh trung tâm là địa điểm có ý nghĩa lịch sử, nơi chuyển giao quyền lực từ chính quyền đô hộ Anh quốc cho Ấn Độ. Hiến pháp Ấn Độ cũng được đặt ở đây.

Từ sảnh trung tâm tỏa ra ba trục với các hội trường lớn của thượng viện, hạ viện, thư viện, ở giữa là các khu vườn. Hội trường của hạ viện có hình bán nguyệt với diện tích sàn gần 450m2 và bao gồm 550 chỗ ngồi. Căn phòng này chính là nơi diễn ra các cuộc tranh luận và chất vấn sôi nổi của các hạ nghị sĩ.

Tổng thư ký Hạ viện Ấn Độ: “Theo tôi, các cuộc thảo luận về các dự án luật là một nhiệm vụ quan trọng diễn ra tại căn phòng này. Sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời khi bạn được lắng nghe các thành viên Hạ viện tranh luận. Trước khi đưa ra phát biểu, các hạ nghị sĩ luôn chuẩn bị rất kĩ lưỡng cho bài tranh luận của mình, nhằm đưa ra quan điểm ủng hộ hoặc phản đối một dự án luật nào đó. Vì vậy, chúng tôi sẽ học được rất nhiều điều bổ ích từ các cuộc tranh luận như vậy”.

Hội trường của Hạ viện được thiết kế với gam màu xanh lá cây chủ đạo – màu sắc tượng trưng cho một đất nước Ấn Độ đi lên từ nông nghiệp. 550 chỗ ngồi tại đây được chia thành 6 khối, mỗi khối bao gồm 11 hàng ghế. Căn phòng này nổi bật với nhiều chi tiết trang trí bằng gỗ được chạm khắc tinh tế, mang đậm nét truyền thống của Ấn Độ.

Ông SHASHANK SINHA - Nhà sử học Ấn Độ: “Ban đầu, các kiến trúc sư muốn thiết kế trần nhà thật cao, để đảm bảo sự thoáng mát vào mùa hè. Tuy nhiên, họ nhanh chóng nhận ra nhược điểm của trần nhà cao là âm thanh sẽ bị vang và bị vỡ. Và để giải quyết vấn đề này, họ đã hạ bớt độ cao của trần nhà xuống hơn 3m và lắp đặt thêm các chi tiết bằng gỗ. Ngoài ra, trần nhà cũng được thiết kế nhiều hoa văn hiện đại”.

Khu vực hành lang phía trên là phần ghế ngồi dành cho các phóng viên, nhà báo, nhà ngoại giao và các vị khách quan trọng. Bao xung quanh phần hành lang này là các tác phẩm bằng gỗ mô tả các chi tiết đặc trưng của từng vùng miền khác nhau trên khắp đất nước Ấn Độ.

Ghế ngồi của Chủ tịch Hạ viện được đặt trên bục cao hơn sàn, ở chính giữa phía trên hội trường. Phía dưới trước ghế Chủ tịch Hạ viện là bàn của Tổng Thư ký Hạ viện, phía trước bàn này có chiếc bàn lớn, là nơi các bộ trưởng đệ trình các văn kiện. Các nhân viên tốc ký ngồi ở bàn này.

Các nghị sĩ thuộc đảng đa số ngồi ở các dãy ghế bên phải ghế Chủ tịch Hạ viện, còn bên trái là chỗ ngồi của các nghị sĩ các đảng đối lập. 

Bà SNEHLATA SHRIVASTAVA - Tổng thư ký Hạ viện Ấn Độ: "Văn phòng Tổng thư ký có trách nhiệm phục trách các vấn đề hành chính của Hạ viện. Đây cũng là trách nhiệm của ban thư ký. Tôi phụ trách các vấn đề liên quan đến các nghị sĩ, chẳng hạn như lương, trợ cấp và nhiều thứ khác. Trong thời gian diễn ra các phiên họp, công việc chính của tôi là hỗ trợ Chủ tịch Hạ viện, để đảm bảo mọi thứ diễn ra một cách trơn tru và đúng quy trình"

Tương tự như hội trường của hạ viện, hội trường của Thượng viện Ấn Độ cũng có hình bán nguyệt, nhưng diện tích nhỏ hơn và có gam màu chủ đạo là màu đỏ. Với 250 ghế ngồi, đây cũng là nơi diễn ra các thảo luận về các vấn đề quan trọng của đất nước và liên quan trực tiếp tới cuộc sống của người dân. 

Ông SWAPAN DAS GUPTA - Thượng nghị sĩ Ấn Độ: “Về bản chất, các cuộc tranh luận ở Thượng viện và Hạ viện tương đối khác. Các cuộc thảo luận tại Thượng viện chủ yếu mang tính chất phản ánh nhiều hơn, trong khi ở Hạ viện lại sắc bén và đanh thép hơn. Đây thực sự là một sự đối lập, bởi một bên là cơ quan do người dân trực tiếp bầu ra, một bên là cơ quan được bầu theo hình thức gián tiếp”

Ghế ngồi của Chủ tịch Thượng viện cũng được đặt trên bục cao hơn sàn ở chính giữa phía trên hội trường. Đây là nơi chủ tịch điều hành các phiên họp của thượng viện. Phía dưới trước ghế chủ tịch là bàn của Tổng Thư ký Thượng viện và các nhân viên tốc ký.

Ông DESH DEEPAK VERMA - Tổng thư ký Thượng viện: “Tổng thư ký Thượng viện có 2 nhiệm vụ chính, thứ nhất là phụ trách các công việc hành chính, thứ 2 là hỗ trợ công tác lập pháp. Trong thời gian diễn ra các kỳ vọng, tổng thư ký có nhiệm vụ triển khai các hoạt động, chuẩn bị và lưu trữ tài liệu phục vụ cuộc họp”

Ngoài hai hội trường lớn của Hạ viện và Thượng viện, tòa nhà Nghị viện Ấn Độ còn bao gồm các phòng làm việc của các bộ trưởng, chủ nhiệm các ủy ban, phòng làm việc và phòng họp của ủy ban, văn phòng của các chính đảng, các phòng làm việc của ban thư ký hai viện và khu vực dành cho báo chí. Tường ở tầng trệt được trang điểm bằng những tấm tranh mô tả lịch sử Ấn Độ từ thời cổ đại đến nay và sự giao lưu văn hóa với các nước láng giềng. 

Trong khuôn viên tòa nhà nghị viện có gần 50 bức tượng, phù điêu của các nhà lãnh đạo lỗi lạc và nhân vật lịch sử nổi tiếng của Ấn Độ như Motilal Nehru, Mahatma Gandhi, Jawaharlal Nehru, Indira Gandhi, Rabindranath Tagore.  Đặc biệt, du khách có thể chiêm ngưỡng các câu khắc bằng tiếng Phạn và tiếng Ảrập ở khắp tòa nhà nghị viện như trên trần nhà, trên tường, trên cửa, ở các cửa ra vào, đại sảnh, phòng họp lớn.

Những câu khắc này trích dẫn từ ngụ ngôn, sử thi Ấn Độ hoặc một câu nói được chạm khắc ở cửa số của 1 tòa nhà, nhắc nhở về chủ quyền quốc gia mà nghị viện là biểu tượng cho sự dân chủ, có thể được hiểu như sau: Hãy mở cửa ra cho người dân và cho chúng ta thấy chủ quyền ở đó.

Đinh Giang