Nghị viện thế giới: Khám phá Thượng viện Đức - Khi cơ quan nhà nước để người dân theo dõi mọi hoạt động mọi lúc, mọi nơi

Cộng hòa liên bang Đức– trái tim của châu Âu. Từng là một đất nước bị chia cắt, kinh tế hoàn toàn sụp đổ sau chiến tranh thế giới thứ 2, nước Đức đã vươn lên mạnh mẽ, thống nhất hòa bình, trở thành nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu. Một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công này là một chế độ chính trị vững mạnh.

NGHỊ VIỆN CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC

Mô hình nhà nước Đức theo thể chế nghị viện - liên bang. Trong thể chế nghị viện, quyền lực của nhân dân được đại diện bởi nghị viện, gồm các thành viên được dân bầu thông qua lá phiếu của mình. Có hai dạng nghị viện: một nghị viện liên bang gồm hai viện, và các nghị viện tiểu bang chỉ có một viện. Thể chế liên bang của Đức phân quyền rõ rệt giữa chính quyền liên bang và chính quyền tiểu bang. Mỗi tiểu bang có một nghị viện và chính quyền riêng chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động trong phạm vi của bang. Với dân số hơn 82 triệu người, nước Đức được chia thành 16 tiểu bang.

Chính quyền liên bang được chia làm ba nhánh riêng biệt: lập pháp, hành pháp, và tư pháp. Cơ quan lập pháp là nghị viện gồm hai viện riêng biệt: Hạ viện (Bundestag) và Thượng viện (Bundesrat). Hạ viện là cơ quan quyền lực nhất trong thể chế nghị viện – liên bang của Đức, nắm giữ nhiều quyền hành quan trọng ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp lên toàn bộ hoạt động chính trị của quốc gia. Trong khi đó, Thượng viện là cơ quan lập pháp lớn thứ 2 sau Hạ viện. Nhiều người cho rằng Thượng viện Đức Bundesrat có cấu trúc và chức năng giống như ở các nước có hệ thống liên bang khác. Tuy nhiên, Thượng viện trong hệ thống chính trị nghị viện - liên bang của Đức lại có những điểm khác biệt.

BUNDESRAT - THƯỢNG VIỆN CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC

Đại diện của các tiểu bang trong chính quyền liên bang Đức sẽ họp ba tuần một lần tại tòa nhà Thượng viện ở Berlin và hỗ trợ thực thi hoạt động lập pháp.

Vai trò của Thượng viện Đức (Bundesrat) được quy định cụ thể trong Hiến pháp: “Thông qua Thượng viện, các tiểu bang sẽ tham gia vào quá trình lập pháp, quản lý chính quyền liên bang và các vấn đề liên quan đến Liên minh châu Âu”.

Điều đó có nghĩa, 16 tiểu bang đều có quyền đưa ra ý kiến về những vấn đề cấp liên bang và liên quan đến châu Âu. Chính phủ liên bang và Hạ viện Bundestag không thể tự mình quyết định mọi vấn đề. Thượng viện đảm bảo sự chia sẻ quyền lực diễn ra cân bằng. Đây là cơ quan trung tâm trong chế độ liên bang ở Đức với cấu trúc và chức năng đặc biệt.

CHỨC NĂNG CỦA BUNDESRAT

Thượng viện là một trong 5 cơ quan hiến định của Đức. Chức năng và sự phối hợp giữa những cơ quan này đều được quy định trong hiến pháp. 16 tiểu bang đều có thể tác động đến quá trình lập pháp thông qua thượng viện. Các tiểu bang có thể đưa ra ý kiến về các dự thảo luật của chính phủ liên bang, khởi xướng các dự thảo luật và thảo luận về tất cả các quyết định lập pháp do Hạ viện đề xuất. 

Thông qua thượng viện, các tiểu bang có thể đưa ra ý kiến về các dự thảo luật, chẳng hạn như dự luật này cần thay đổi, hay dự luật khác hợp lý hoặc dự luật cần phải dừng lại. Do vậy, hệ thống chính trị ở Đức sẽ không thể vận hành nếu không có Thượng viện.

CẤU TRÚC CỦA BUNDESRAT

Thành viên của Thượng viện không được bầu chọn trực tiếp bởi cử tri, cũng không được bầu chọn bởi các nghị viện cấp bang, mà họ là các thành viên nội các của các chính quyền cấp bang. Các chính quyền cấp bang bổ nhiệm các thành viên nội các của mình làm chức vụ thượng nghị sỹ trong Thượng viện nhằm đại diện cho quyền lợi của bang mình. Chính quyền tiểu bang có thể bãi nhiệm chức vụ thượng nghị sỹ của các thành viên nội các trong chính quyền tiểu bang của mình bất cứ lúc nào. Thông thường, thủ hiến của bang (minister-president) sẽ đứng đầu đoàn thượng nghị sỹ đại diện cho bang.

Mỗi bang có từ 3-6 phiếu trong thượng viện, tùy theo dân số. Với cách phân phối này, thượng viện có tổng cộng 69 phiếu. 

Gọi là phiếu bởi vì các bang có thể bổ nhiệm một số đại diện tương ứng nắm giữ số phiếu bang được chia, hoặc có thể chỉ cử một đại diện nắm giữ tất cả các phiếu đại diện cho bang. Số người đại diện không quan trọng, vì các đại diện của một bang ở Thượng viện được yêu cầu bỏ phiếu theo cùng một quyết định duy nhất. Nếu các lá phiếu từ cùng một bang bỏ theo các quyết định khác nhau, các lá phiếu sẽ không hợp lệ. Điều này được lý giải rằng các lá phiếu của cùng một bang phải đại diện cho ý chí của bang đó, chứ không phải theo ý chí của từng cá nhân đại diện cho bang, và do đó tất cả các lá phiếu của bang phải có cùng một quyết định. Trong thực tế, chỉ cần một đại diện của bang bỏ các lá phiếu đại diện cho bang mình.

Mỗi năm, một thủ hiến bang sẽ đảm nhiệm vai trò chủ tịch Thượng viện. Chủ tịch có trách nhiệm triệu tập và điều hành các phiên họp toàn thể.

BUNDESRAT HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?

Tất cả hoạt động lập pháp bao gồm: các đề xuất dự thảo luật, sáng kiến luật và quy định đều được thảo luận tại các ủy ban trước khi đem ra biểu quyết tại phiên toàn thể của thượng viện.

Các ủy ban là nơi tiến hành các công việc cụ thể về mặt kỹ thuật. Tất cả các dự thảo luật đều được thảo luận, xem xét kỹ lưỡng và tiến hành chỉnh sửa cận thẩn. 

Ở Đức có hai nhóm luật: nhóm thứ nhất không cần sự chấp thuận (consent) của Thượng viện, và nhóm thứ hai cần sự chấp thuận. 

Các dự luật cần sự chấp thuận của thượng viện chỉ được thông qua nếu đa số thành viên thượng viện bỏ phiếu ủng hộ. Các dự luật này bao gồm: các dự luật sửa đổi Hiến pháp và dự luật liên quan đến vấn đề tài chính của các tiểu bang.

Đối với các dự luật không cần sự chuẩn thuận của thượng viện, thượng viện có ít quyền can thiệp hơn. Những dự luật này vẫn có thể được ban hành mà không cần sự chấp thuận của thượng viện.

Trong trường hợp Thượng viện và Hạ viện bất đồng về một dự luật nào đó, Ủy ban Thương lượng sẽ được triệu tập. Ủy ban này bao gồm 32 thành viên, trong đó 16 thành viên đại diện cho Thượng viện, và 16 thành viên đại diện cho Hạ viện. Những thành viên này sẽ tranh luận một cách thẳng thắn để tìm kiếm sự đồng thuận. Quá trình này sẽ được bảo mật ở mức tối đa nhằm đảm bảo hai bên có thể nhanh chóng tìm được tiếng nói chung.

Có thể khẳng định, Thượng viện là một cơ quan quan trọng trong hệ thống lập pháp, đóng vai trò then chốt trong các giải pháp chính trị ở Đức.

CÁC ỦY BAN TẠI BUNDESRAT

Các ủy ban được coi là trái tim của hoạt động nghị viện. Theo nguyên tắc chung, tất cả các dự thảo luật trước tiên đều được thảo luận tại các ủy ban, cho dù nó được đệ trình bởi Chính phủ Liên bang, Hạ viện Bundestag hay một chính quyền bang bất kỳ. Các dự thảo luật đều được xem xét kỹ lưỡng bởi các thượng nghị sỹ có chuyên môn về các vấn đề liên quan. 

Mỗi tiểu bang đều có một thành viên và một phiếu bầu trong mỗi ủy ban. Bundesrat hiện có 16 ủy ban. Các ủy ban này được phân bổ theo các bộ trong nội các của chính quyền cấp bang. Người đứng đầu chính quyền một tiểu bang thường đại diện cho chính bang đó tại Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Quốc phòng - vốn được coi là các ủy ban chính trị.

Ngược lại, các ủy ban chuyên trách, chẳng hạn như Ủy ban kinh tế hoặc Ủy ban tài chính, bao gồm các thành viên là các bộ trưởng chuyên trách tại chính quyền cấp bang. Ngoài ra, tất cả các thành viên trong ủy ban đều có thể được đại diện bởi các "ủy viên được ủy quyền", tức là các chuyên viên chuyên trách đến từ các bộ cấp tiểu bang.  Những ủy viên này có quyền thay mặt người mà họ đại diện tham gia các cuộc thảo luận về các vấn đề trong chương trình nghị sự. Chẳng hạn, trong Ủy ban Môi trường, Tài nguyên thiên nhiên và an toàn phóng xạ có thể bao gồm các chuyên gia về bảo vệ đất, quản lý nước, xử lý chất thải hoặc kiểm soát khí thải.

PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG

Tại các ủy ban chuyên trách, công việc quan trọng là xem xét các dự thảo luật một cách chi tiết và kỹ lưỡng. Đây là nơi các tiểu bang có thể giám sát quá trình lập pháp, góp phần định hình và cải thiện các dự luật do chính phủ hoặc Liên minh châu Âu đề xuất.

Ủy ban cũng là nơi diễn ra các cuộc đối thoại giữa chính quyền liên bang và tiểu bang. Theo Hiến pháp, Thủ tướng Liên bang và tất cả các Bộ trưởng Liên bang có quyền và nghĩa vụ tham dự các cuộc họp của ủy ban (và các phiên họp toàn thể của Bundesrat) nếu nhận được yêu cầu từ Bundesrat. Họ cũng có quyền phát biểu trong các cuộc họp này. Ngoài ra, các công chức chính quyền liên bang cũng có thể tham dự các cuộc họp của ủy ban- nhằm tạo ra một diễn đàn quốc gia, nơi các công chức tiểu bang và liên bang đều có thảo luận và trao đổi các vấn đề với nhau.

Các cuộc họp của ủy ban đều không được công khai, nhằm đảm bảo các cuộc tranh luận diễn ra cởi mở và thẳng thắn, đặc biệt là khi bàn thảo về những vấn đề nội bộ tuyệt mật.

BUNDESRAT VÀ CÁC VẤN ĐỀ CHÂU ÂU

Tại Thượng viện Đức có một cơ quan chuyên biệt phụ trách các vấn đề châu Âu gọi là Ủy ban về công tác Liên minh châu Âu. Cơ quan này có nhiệm vụ kiểm tra, rà soát các văn bản của Liên minh châu Âu liên quan đến nước Đức, trong đó có các dự thảo luật về mọi lĩnh vực nhằm đưa ra các khuyến cáo cho các ủy ban chuyên trách và cân nhắc những dự luật phù hợp. Trong trường hợp cần phải phản ứng nhanh về các vấn đề của Liên minh châu Âu, thì có Phòng các vấn đề châu Âu có thể thay mặt toàn thể thượng viện thông qua các quyết định.

NHIỆM VỤ

Các quyết định của Bundesrat có tác động pháp lý vượt ra ngoài Bundesrat, theo nguyên tắc chung, phải được đưa ra trong phiên họp toàn thể - được tổ chức khoảng 12 lần trong 1 năm. Do đó, các phiên họp này thường có mặt đầy đủ các thành viên Thượng viện, nhằm thảo luận một cách toàn diện và hiệu quả về các dự luật liên quan đến liên minh châu Âu. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt, Bundesrat có thể cần phải đưa ra phản hồi nhanh hơn, thì theo quy định của Hiến pháp Đức, Phòng các vấn đề châu Âu có quyền giải quyết và xử lý các tình huống này. Các quyết định của cơ quan này được coi là quyết định của toàn thể Bundesrat.   

THÀNH VIÊN VÀ THỦ TỤC BỎ PHIẾU

Mỗi tiểu bang đều có quyền chỉ định một thượng nghị sỹ trở thành thành viên của Phòng các vấn đề châu Âu. Theo quy định, các cuộc thảo luận đều diễn ra công khai, ngoại trừ các trường hợp đang xử lý các vấn đề bảo mật.  

Các thành viên và đặc phái viên của Chính phủ Liên bang cũng có thể tham gia các cuộc thảo luận cùng với các phái viên từ chính quyền cấp bang. Các tiểu bang nắm giữ số phiếu tại Phòng các vấn đề châu Âu này tương đương với số phiếu họ có tại Thượng viện. 

Trong trường hợp có một vấn đề thuộc thẩm quyền và chuyên môn của Phòng các vấn đề châu Âu, chủ tịch Thượng viện sẽ trực tiếp giao về phòng để xử lý. Cơ quan này sẽ có thời gian 1 tuần để nhóm họp để đưa ra quyết đinh, trong trường hợp khẩn cấp, thời gian họp có thể được rút ngắn.

KHÁM PHÁ THƯỢNG VIỆN ĐỨC

Mái vòm kính của tòa nhà Hạ viện Đức chắc chắn là mái vòm bằng kính nổi tiếng nhất ở Đức. Đây cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của du khách khi ghé thăm Berlin.

Nhưng chỉ cách đó vài trăm mét, du khách có thể khám phá một vẻ đẹp đặc biệt khác của thủ đô nước Đức.

Nằm ngay cạnh quảng trường Potsdamer Platz, tòa nhà Thượng viện Đức Bundesrat – nơi các đại diện từ tất cả các tiểu bang của Đức nhóm họp để bỏ phiếu về các dự luật liên quan đến cuộc sống của người dân Đức.

Mỗi năm, thượng viện Đức đón hơn 70.000 du khách tới tham quan và tìm hiểu về nền dân chủ đang diễn ra như thế nào tại nơi này.  

Bà ANTJE LORENZ - Phụ trách dịch vụ tham quan: “Chúng tôi không có một chuyến tham quan mang tính tiêu chuẩn nào, thay vào đó, chúng tôi luôn hỏi: đoàn khách này đến từ đâu? Điều họ quan tâm nhất là gì? Đôi khi có người muốn tìm hiểu về kiến trúc hoặc quy trình làm luật. Vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng đáp ứng các nhu cầu khác nhau của du khách.”

Tham quan phòng họp toàn thể là điểm nhấn của mọi chuyến tham quan.  Đây là nơi các thượng nghĩ sỹ- đại diện cho các tiểu bang biểu quyết và tranh luận về các dự luật. Nền dân chủ của Đức được kiến tạo trong chính căn phòng này.

Một chuyến tham quan Thượng viện Đức Bundesrat kéo dài khoảng 1 tiếng, và mở cửa từ thứ 2- thứ 6 hàng tuần. Du khách có thể đăng kí tham quan trực tuyến hoặc qua điện thoại.

ỨNG DỤNG BUNDESRAT

Với mong muốn để Thượng viện có thể đến gần hơn với cử tri, một ứng dụng mới trên điện thoại di động đã được Thượng viện Đức giới thiệu – mang tên BundesratApp. Thông qua ứng dụng này, cử tri Đức có thể tiếp cận với mọi thông tin cần biết về thành viên, các phiên họp toàn thể và các quyết định của Thượng viện. Ứng dựng cung cấp cho người sử dụng những thông tin nhanh và chi tiết về những chủ đề đang được thảo luận tại Thượng viện ngay tại thời điểm đó.

Người sử dụng cũng có thể tìm thấy bản tóm tắt những vấn đề nghị sự quan trọng nhất, danh sách những người phát biểu và các nghị quyết tại chuyên mục Plenary Compact được cập nhật liên tục.

Ngoài ra, người dùng cũng có thể theo dõi trực tuyến các phiên họp của thượng viện từ phòng họp toàn thể thông qua livestream hoặc có thể xem lại các phiên tranh luận trên ứng dụng. Chỉ bằng một ứng dụng trên điện thoại thông minh, cử tri Đức có thể theo dõi mọi hoạt động của Thượng viện – mọi lúc, mọi nơi./.

Đinh Giang