Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết về Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đây là Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV ngày 15 tháng 11 vừa qua.

Nghị quyết đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, song hành với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Song, bên cạnh kết quả đạt được, Nghị quyết cũng chỉ rõ việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; đồng thời giao Chính phủ, Thủ tướng chính phủ chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn công tác thực hành tiết kiếm chống lãng phí trong thời gian tới.

Theo Nghị quyết, việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm, trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển. Đáng chú ý,

Hàng nghìn dự án chậm tiến độ, điều chỉnh nhiều lần, có thất thoát, lãng phí và đầu tư không hiệu quả. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn rất chậm; Quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số Bộ, ngành, địa phương không đúng quy định, chưa hiệu quả, sử dụng sai mục đích, lãng phí; Quy hoạch treo, dự án treo còn khá phổ biến.

Nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất kéo dài, nhưng chậm được khắc phục, xử lý. Diện tích đất chưa sử dụng, để hoang hóa tại nhiều dự án khá lớn. Theo Nghị quyết, những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là việc tổ chức thực hiện.

Nghị quyết Giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai các Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, trong đó, trong năm 2023: Hoàn thành việc rà soát, thống kê, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; Báo cáo rõ kết quả rà soát, phát hiện các vi phạm, thất thoát, lãng phí của từng Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan hữu quan; Làm rõ trách nhiệm: của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu để xảy ra các vi phạm, thất thoát, lãng phí Đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; Diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật; 79.670 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.043 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất và các tồn tại, hạn chế khác.

Phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, Làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến:

51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí. Trong đó một số dự án tại thành phố Hà Nội như:
-Dự án Nhà ở sinh viên cụm trường tại Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp
-Dự án Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích
-Bảo tàng Hà Nội
-Dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội (tuyến 2) đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo
-Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội

13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ, trong đó có một số dự án như:
Nhà máy điện Quảng Trạch
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng
Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng
Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1

19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí, trong đó có một số dự án như:
Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa
Dự án Khu đô thị Nam thành phố Hồ Chí Minh
Dự án Khu dân cư Thương mại Dịch vụ Đông Bình Dương
Dự án Khu đô thị dịch vụ Thương mại Lai Hưng, Bình Dương
Và 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.

Vể tổ chức thực hiện, Nghị quyết yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra và báo cáo việc thực hiện Nghị quyết này theo quy định của Luật Hoạt động giám sát Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Chính phủ tổng hợp báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp thứ 6 và kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV. 

Ngô Trang