• 1368 lượt xem
  • 14:44 08/10/2022
  • Văn hóa

Nghệ nhân ưu tú Trương Quang Tịnh: Mong sơn mài truyền thống Bình Dương được đưa vào trường học, tiếp cận giới trẻ

Để giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp – nơi đây được xem là chiếc nôi của ngành sơn mài mỹ thuật của tỉnh Bình Dương và của cả vùng Nam Bộ, nghệ nhân ưu tú Trương Quang Tịnh - người đã có hơn 45 năm gắn bó với nghề làm sơn mài truyền thống đang nỗ lực từng ngày để lưu giữ nghề trước những tác động của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa.

Gắn bó với nghề sơn mài truyền thống hơn 45 năm, nghệ nhân ưu tú Trương Quang Tịnh cho biết, nghề này đã định vị trên địa bàn tỉnh Bình Dương hơn 100 năm.

Để làm ra một bức tranh sơn mài, từ nguyên liệu gỗ đến khâu cuối cùng trải qua quá trình 25 công đoạn với hàng trăm loại nguyên vật liệu khác nhau, mỗi công đoạn đòi hỏi nghệ thuật riêng tỷ mỉ và công phu. Quy trình sơn mỗi sản phẩm mất từ 3 đến 6 tháng mới đảm bảo yêu cầu chất lượng.

Trước tác động của công nghiệp hóa và đô thị hóa, nghệ nhân ưu tú Trương Quang Tịnh đang từng ngày nỗ lực giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, tỉnh Bình Dương.

Nghệ nhân ưu tú TRƯƠNG QUANG TỊNH:“Thật sự đó là cái trăn trở của tôi trong giai đoạn hiện tại. Phải đưa sơn mài vào trường học, xem môn sơn mài như môn vẽ ngoại khoá để học sinh các trường tiểu học, trung học, đến cả đại học biết đến sơn mài. Từ đó mới chơi và học sơn mài. Đó là nguồn khách hàng tương lai, lớn nhất.”

Ngày nay, sự phát triển về khoa học công nghệ, nghề sơn mài với sự kế thừa truyền thống kết hợp với hiện đại đã góp phần tạo nên tính đa dạng mẫu mã, phong phú về chất liệu.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Huỳnh Tiến