Nghe Anh hùng lực lượng vũ trang kể về câu chuyện dùng máy bay địch đánh địch

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra từ 26/4 đến 2/5/1975 Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lịch sử vẫn nhắc về 5 cánh quân với khoảng 20 sư đoàn tiến như vũ bão về giải phóng Sài Gòn. Tuy nhiên, còn một cánh quân khác được thành lập cực kỳ khẩn trương trong những ngày cuối của chiến dịch, đó là lực lượng Không quân Nhân dân đã sử dụng máy bay địch để đánh địch tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Cánh quân đó không phải sử dụng máy bay MIG truyền thống của Liên Xô với rất nhiều phi công xuất sắc đã từng làm các phi công Mỹ kiêng nể mà sử dụng chính những máy bay A37 của Mỹ, chiến lợi phẩm vừa thu giữ được trong quá trình giải phóng và chiếm giữ các căn cứ của Việt Nam Cộng hòa, góp phần thắng lợi vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đã 47 năm trôi qua kể từ những ngày tháng 4 lịch sử năm 1975, Đại tá Nguyễn Văn Lục vẫn sôi nổi và đầy cảm xúc kể cho chúng tôi nghe về trận đánh có một không hai của phi đội Quyết Thắng vào chiều 28/4/1975. Chỉ trước đó không đầy một tuần, ngày 22/4/1975, một số phi công được lệnh cơ động vào sân bay Đà Nẵng tiếp nhận máy bay A37 thu được của địch để đánh địch. Mấy ngày huấn luyện và bay chuyển loại từ máy bay MIG sang loại máy bay hoàn toàn khác biệt, đúng tinh thần thần tốc và táo bạo của chiến dịch Hồ Chí Minh theo lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tá, Phi công, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân NGUYỄN VĂN LỤC, Phi đội trưởng Phi đội Quyết thắng: “Có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử không quân Việt Nam cũng như lịch sử không quân thế giới, chưa bao giờ học chuyển máy bay từ loại này sang loại khác, thế hệ của nước này sang nước khác mà thời gian chuyển loại thực chất chỉ có 3 ngày rưỡi."

Vào 16h15 ngày 28/4, tại sân bay Thanh Sơn của Phan Rang, phi đội gồm 6 phi công bay trên 5 máy bay A37 đồng loạt hướng về đánh mục tiêu sân bay Tân Sơn Nhất. Quân địch bất ngờ, không hiểu máy bay A37 từ đâu tới và không kịp phản ứng. 24 máy bay bị phá hủy, hàng trăm sĩ quan binh lính bị thương vong. Đúng 18h15, toàn bộ phi đội hạ cánh an toàn tại sân bay Phan Rang, không có bất kỳ tổn thất nào.

Đại tá, Phi công, Anh hùng lực lượng vũ trang TỪ ĐỄ: “Trong lịch sử ghi nhận thì đúng 18h chấm dứt hoạt động của Bộ Tổng tham mưu Ngụỵ, như rắn mất đầu, không ai chỉ huy thì tan thôi. Phòng thủ Sài Gòn tại sao ít lực lượng chống đối như vậy, Đồng bằng Sông Cửu Long nguyên quân khu còn nguyên nhưng không động binh vì không ai chỉ huy nữa.”

Đại tá VŨ DANH CƯƠNG, Giám đốc Bảo tàng Phòng không Không quân: “Chắc là trên thế giới chưa có trường hợp thứ hai, rất hi hữu. Trí tuệ của bộ đội không quân được thể hiện đậm nét trong trận này, về ý chí, lòng dũng cảm, tài mưu lược."

Cánh quân thứ 6, tấn công từ trên trời xuống, oanh kích bất ngờ vào sân bay Tân Sơn Nhất do lực lương không quân chỉ huy, đã làm thay đổi những tính toán của Mỹ. Các cố vấn quân sự của Mỹ phải di tản, tháo chạy khỏi Sài Gòn vào chiều ngày hôm sau, tạo sự hỗn loạn trên chiến trường, địch hoang mang và suy sụp. 

Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm lịch sử của bộ đội Phòng không Không quân đã buộc Mỹ rút khỏi Việt Nam và với trận đánh quan trọng này, lực lượng không quân góp một phần quan trọng vào giải phóng hoàn toàn miền Nam, theo đúng lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói là "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào", ghi thêm một trang sử vẻ vang vào truyền thống anh hùng của Không quân Nhân dân Việt Nam.

Hồng Dũng