Ngành tòa án quá tải đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, năm 2022, tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp cao phải giải quyết là gần 12.000 đơn, nhưng chỉ giải quyết được 41,5%, chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Dự kiến tại phiên họp thứ 21 tới, UBTVQH sẽ chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

Chị Văn Thị Hương, trú tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, vừa qua bị Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa tuyên mức án 12 tháng tù giam về tội “Chống người thi hành công vụ”. Tuy nhiên, trước, trong và sau quá trình xét xử, chị Hương đã có nhiều đơn thư kiến nghị, khiếu nại vì cho rằng mình không phạm tội, hồ sơ vụ án có nhiều điểm chưa được làm rõ.

Không chỉ riêng vụ án của chị Hương, mà hàng năm có đến hàng ngàn vụ án có đơn đề nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Cũng cần lưu ý, giám đốc thẩm, tái thẩm không phải là cấp xét xử, mà là thủ tục tố tụng đặc biệt để xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan trong phán quyết của Tòa án. Khi bản án, quyết định của Tòa án không làm cho Người bị kết án, cơ quan, tổ chức hoặc các cá nhân có liên quan tâm phục, thì đa phần họ sẽ có Đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, năm 2022, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị Giám đốc thẩm, tái thẩm của các Tòa án chỉ đạt 41,5%, chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Một trong những nguyên nhân đã được chỉ rõ, đó là số lượng các loại vụ việc và đơn mà các Tòa án phải thụ lý, giải quyết có tính chất ngày càng phức tạp, chứng cứ không rõ ràng, mất nhiều thời gian xác minh, dẫn đến áp lực rất lớn. Dự kiến tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về nội dung này.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Thế Anh