Ngành du lịch chật vật vì chính sách visa - Giải pháp nào để kích cầu ngành du lịch?

Ngày 15/3/2022, Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch với mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu lượt khách nội địa năm 2022, tuy nhiên kết thúc năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam chỉ đạt 70% kế hoạch đặt ra, tương đương khoảng 3,5 triệu lượt khách.

Ngành du lịch Việt Nam dần đánh mất ưu thế dẫn đầu, khi tỷ lệ phục hồi du lịch chỉ đạt 18,1%, xếp sau nhiều nước trong khu vực, như Thái Lan, quốc gia mở cửa cùng thời điểm, có tốc độ phục hồi đạt 22% và những quốc gia mở cửa du lịch muộn hơn như Singapore đạt 30,9% hay Malaysia là 27,5%.

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do chính sách visa của Việt Nam vẫn "giậm chân tại chỗ”, thiếu hấp dẫn, thiếu tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, thủ tục xin visa còn phức tạp, rườm rà. Những điều này làm “nản lòng” khách quốc tế khi muốn đến Việt Nam.

Mặc dù đã mở cửa du lịch hơn 1 năm nay nhưng đối với không ít doanh nghiệp du lịch, việc thu hút khách quốc tế vẫn gặp khó khăn, lý do bởi những điểm nghẽn trong chính sách visa của nước ta.

Nhiều nước trong khu vực ASEAN đã sử dụng chính sách miễn thị thực đơn phương từ 30 - 45 ngày, kéo dài thời gian lưu trú. Đơn cử như Thái Lan đang áp dụng miễn thị thực du lịch cho công dân của 65 nước, Indonesia - 170 nước, Philippines - 157 nước, Campuchia - 25 nước,… Chưa kể, Thái Lan còn cho phép du khách lưu trú tới 90 ngày và được ra vào nhiều lần, trong khi Việt Nam chỉ cho phép khách lưu trú 15 ngày và ra vào một lần. 

Tổ chức Du lịch thế giới dự báo năm 2023, tốc độ hồi phục du lịch sẽ đạt 8,5% dù tốc độ phục hồi chung của nền kinh tế chỉ đạt 2,5%. Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. Các chuyên gia cho rằng, nếu còn chậm trễ trong việc điều chỉnh chính sách visa, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội thu hút khách quốc tế và vô tình tạo lợi thế cạnh tranh cho những quốc gia khác trong khu vực. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Thực hiện : Truyền hình Quốc hội Việt Nam