Ngân hàng gặp khó trong xác định đối tượng hưởng gói hỗ trợ lãi suất 2%

Sáng 19/8, đoàn công tác của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Giải pháp hỗ trợ lãi suất 2% và tăng khả năng tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp là những vấn đề được quan tâm.

Sau gần 3 tháng triển khai, số tiền cho vay được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ của các Ngân hàng thương mại đạt gần 4.100 tỷ đồng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt gần 3.960 tỷ đồng. Hiện các Ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ do quy mô vốn nhỏ, chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành còn hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp còn thiếu minh bạch ảnh hưởng đến khả năng thẩm định của các Tổ chức tín dụng.

Ông ĐÀO MINH TÚ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Trong tổ chức thực hiện xác định đối tượng được hỗ trợ thì thí dụ doanh nghiệp sản xuất đa lĩnh vực, đa ngành, nhưng chỉ có 1,2 lĩnh vực được hưởng lãi suất thôi, thì bây giờ phải bóc tách ra, hay tất cả các khoản vay đó được hưởng hết, thì cái này cũng đang lúng túng."

Nhiều ý kiến đề nghị NHNN cần khẩn trương tiến hành rà soát lại các quy định liên quan đến ngành nghề, đối tượng được hưởng, các điều kiện vay vốn… để kịp thời điều chỉnh hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Ông NGUYỄN HỮU TOÀN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: “Một chính sách được đặt ra, đây là quy định của Pháp luật. E ngại này (cho vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%) phải được đánh giá kỹ, là do cơ chế chính sách chưa rõ, chưa ổn thì phải bổ sung. Cấp nào thì bổ sung cấp đó".

Ông NGUYỄN ĐÌNH VIỆT, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Nếu duy trì bình quân trên diện rộng thì tính truyền dẫn tới doanh nghiệp không cao. Phân loại hoạt động của doanh nghiệp dựa trên nguồn doanh thu thay vì các lĩnh vực đăng ký kinh doanh để ưu đãi hoặc có cơ chế cho các loại hình doanh nghiệp mà chúng ta cần ưu tiên thay vì cào bằng hỗ trợ lãi suất cho các lĩnh vực”.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh, đoàn công tác cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước làm rõ những giải pháp điều hành lãi suất trong thời gian tới. Đồng thời có phương án để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn thuận lợi hơn.

Thanh Nga